Kinh tế xã hội hôm nay

Báo động chất lượng không khí tại các đô thị lớn

Liên tục trong những ngày gần đây, các chỉ báo về chất lượng không khí ở các đô thị lớn, như Hà Nội và TP.HCM luôn nằm trong mức xấu tệ hại.

Đặc biệt, các ngưỡng cảnh báo “kém”, thậm chí “nguy hiểm” này được cho rằng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân, nhưng để khắc phục lại không hề đơn giản và nhanh chóng...

Diễn biến xấu ngày một tăng

Sáng 24/9, nhiều đô thị lớn, các điểm đo mức độ ô nhiễm không khí tại Hà Nội và TP.HCM lại chìm trong sắc đỏ. Tình trạng này kéo dài liên tục nhiều ngày qua, AQI đo tại hơn 20 điểm ở Hà Nội luôn ở ngưỡng trên 100 (mức “xấu”). Riêng điểm đo tại đường Tô Hiệu (quận Hà Đông), Trường THPT Trung Văn (quận Nam Từ Liêm), Công viên Hòa Bình, Hàng Đậu (quận Hoàn Kiếm) đều cho thấy AQI trên 150 (mức “kém”). Chỉ số bụi mịn PM 2.5 từ 90 đến 140 là mức “nguy hiểm”. Riêng điểm quan trắc Hàng Đậu, AQI duy trì mức trên 150 trong 3 ngày liên tiếp. Có thời điểm, chỉ số AQI đo được ở khu vực Đại sứ quán Mỹ (Láng Hạ) lên tới 204. Đây là ngưỡng “xấu”, rất nguy hại cho sức khỏe, cảnh báo sức khỏe ở tình trạng khẩn cấp. Người dân có nhiều khả năng bị ảnh hưởng.

Đáng chú ý không chỉ ở Thủ đô, những vùng lân cận cũng cho thấy ngưỡng ô nhiễm không khí rất cao. Nhiều điểm ở đồng bằng Bắc Bộ có chỉ số AQI ở ngưỡng ô nhiễm nghiêm trọng, vượt qua Hà Nội. Ngày 17/9, từ 5 giờ sáng, nhiều điểm đo đã đỏ rực (ngưỡng AQI từ 150 trở lên), như: Từ Sơn (tỉnh Bắc Ninh) 170; TP. Ninh Bình (tỉnh Ninh Bình) và TP. Phủ Lý (tỉnh Hà Nam) 151; Hải Phòng 161; TP. Phúc Yên (Vĩnh Phúc) 163; TP. Việt Trì (Phú Thọ) 162. Có thời điểm, khi chất lượng không khí ở Hà Nội được cải thiện, nhiều tỉnh lân cận vẫn ô nhiễm nghiêm trọng.

Những ngày qua, thời tiết TP.HCM diễn biến thất thường. Các lớp sương mù dày đặc xuất hiện từ sáng đến chiều, bay lơ lửng trong không khí. Đến chiều tối thì trời đổ mưa rất to khiến nhiều người lo lắng khi phải chạy xe máy ra đường.Trong khi đó, chỉ số chất lượng không khí AQI tại TP.HCM cũng liên tục ở mức trên 150, thuộc nhóm màu đỏ (thang 4 trong 6 thang bậc đo chất lượng không khí theo cách tính của Mỹ).

Nguyên nhân nhiều, khắc phục chẳng bao nhiêu

Nguyên nhân dẫn tới ô nhiễm không khí tại các đô thị được xác định là do hoạt động giao thông vận tải, xây dựng, các xí nghiệp nội đô, sinh hoạt của dân cư, xử lý rác thải rắn, đặc biệt là các nguồn ô nhiễm từ ngoại thành chuyển vào như đốt rơm rạ, hay hoạt động phát thải của các nhà máy nhiệt điện than ở các tỉnh lân cận. Trong số các nguồn phát thải làm “bẩn” không khí đô thị, khí thải từ các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ như xe mô tô, xe gắn máy đóng góp nhiều nhất trong tổng lượng phát thải gây ô nhiễm không khí. Các khí thải chủ yếu là SO2, NO2, bụi (TPS, PM10, PP2,5).

Chỉ riêng tại Hà Nội, theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường, có đến 70% lượng khói và bụi gây ô nhiễm không khí là do hoạt động giao thông vận tải. Với hơn 4 triệu phương tiện giao thông (tính đến năm 2016), hoạt động giao thông chiếm tới 85% lượng phát thải CO2 và 95% lượng các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi mà mắt thường không quan sát được. Bên cạnh đó, hoạt động xây dựng (khu chung cư, đô thị, sửa chữa cầu đường, vận chuyển vật liệu) diễn ra rầm rộ trong những năm qua cũng là nguồn gây ra tình trạng ô nhiễm cục bộ với mức ô nhiễm bụi rất cao.

Đáng lưu ý là, hiện nay tại các đô thị vẫn còn tồn tại nhiều cơ sở, nhà máy sản xuất công nghiệp nằm trong nội thành. Các nhà máy này thường quy mô nhỏ và vừa, có công nghệ sản xuất lạc hậu, thiếu thiết bị lọc bụi và xử lý khí thải độc hại.

Ngoài ra, còn có nhiều nguyên nhân góp phần làm ô nhiễm “bầu không khí đô thị” bởi các hoạt động đốt nhiên liệu hóa thạch làm tăng nồng độ các chất ô nhiễm không khí như: khí thải từ của các nhà máy nhiệt điện chủ yếu từ khu vực lò hơi có chứa nhiều chất ô nhiễm; mùi và khí thải từ các bãi thải lộ thiên; đặc biệt là tình trạng đốt rơm rạ sau mỗi vụ gặt.

Ông Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam phân tích rằng, ở các đô thị lớn, nhất là Hà Nội giao thông quá đông đúc, công trình xây dựng quá nhiều đã gây ra lượng bụi rất lớn. Vì vậy, Hà Nội cần phải tìm cách để giảm mật độ lưu thông của các phương tiện cá nhân. Cùng với đó, cần nghiên cứu, đưa kỹ thuật tiên tiến vào xây dựng các công trình giao thông, hạ tầng để giảm phát sinh bụi; kiểm soát việc xử lý khí thải ngay từ cơ sở, trong các nhà máy, các khu công nghiệp. Đặc biệt, ở ngoại thành, người dân thường có thói quen đốt rơm rạ, vì thế chính quyền phải có biện pháp khuyến cáo, thậm chí ngăn chặn tình trạng này để hạn chế phát thải khói bụi. Các đô thị lớn cũng cần nghiên cứu và trồng thêm nhiều cây xanh hơn nữa để tạo nên “lá phổi xanh” điều hòa không khí, bảo vệ môi trường.

Đánh giá về việc này, PGS.TS. Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng cho rằng, hiện tượng nghịch nhiệt có thể là một nguyên nhân, nhưng không phải chủ yếu. Để bảo đảm sức khỏe, các chuyên gia môi trường khuyến cáo các bậc cha mẹ hạn chế cho con ra ngoài thời điểm hiện tại. Người già, những người có bệnh về đường hô hấp, sức khỏe yếu cũng nên ở trong nhà lúc này. Ngoài ra, người lao động bắt buộc phải ra ngoài trời nên thường xuyên đeo khẩu trang, các dụng cụ cản bụi như mũ, khăn, kính mắt.

Bình An

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khỏe đời sống (https://suckhoedoisong.vn/bao-dong-chat-luong-khong-khi-tai-cac-do-thi-lon-n163790.html)
Từ khóa: đô thị lớn

Chủ đề liên quan:

chất lượng đô thị lớn

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY