Mẹo vặt về sức khỏe hôm nay

Bệnh da nghề nghiệp do crôm

Với đặc tính lý hóa và ưu thế của Crôm và các hợp chất của nó nên Crôm ngày càng được sử dụng rộng rãi, và cũng chính vì thế tác hại nghề nghiệp của Crôm cũng ngày càng nhiều.Việc nghiên cứu quá trình ô nhiễm  và ảnh hưởng xấu của Crôm cần được quan tâm vì các hợp chất Crôm hóa trị 6 dù chỉ với một lượng nhỏ cũng là nguyên nhân gây tác hại nghề nghiệp.

1. Đối tượng mắc bệnh:

Crôm xâm nhập vào cơ thể theo ba đường: hô hấp, tiêu hóa và đường da. Do vậy, đối tượng mắc bệnh là những người lao động làm trong các ngành: chế tạo ắc quy, luyện kim, sản xuất nến, sáp, Thu*c nhuộm, chất tẩy rửa, pháo hoa, diêm, keo dán, xi măng, đồ gốm, muối Crôm, bột màu, men sứ, thủy tinh, bản kẽm, cao su, gạch chịu lửa, xà phòng, hợp kim nhôm, xây dựng, mạ điện, mạ Crôm… Ở những ngành nghề này người lao động tiếp xúc, hít thở, dây dính với Crôm hoặc hợp chất Crôm thì các loại bệnh như: loét da, loét, thủng vách ngăn mũi, viêm da tiếp xúc, chàm tiếp xúc… đều có thể xuất hiện.

2. Các loại bệnh:

- Loét mắt chim câu:

   Vết loét thường bắt đầu từ các xây xát trên da. Các nốt sần xuất hiện với đường kính thường nhỏ hơn 1cm. Bờ vết loét có thành cao dựng đứng như giếng, đáy có vảy màu hồng sáng, bờ sưng nề thâm tím, loét kéo dài có thể tới xương. Có trường hợp phải tháo khớp, cắt cụt…

- Loét thủng vách ngăn mũi:

    Hơi và bụi Crôm gây nên hiện tượng viêm loét, biểu hiện như viêm mũi cấp với niêm mạc bị kích thích đỏ ửng tiết dịch nhầy, sung huyết. Bệnh nhân hay ngoáy mũi gây xây xát bội nhiễm. Sau 2-3 tuần vách ngăn thủng, tổn thương loét rộng, lỗ thủng to gây hiện tượng huýt sáo, khi hít thở sâu khó chịu.

- Viêm da tiếp xúc:

    Viêm da cấp tính do Crôm có biểu hiện đỏ bừng, sưng nề là những ban sẩn phù màu đỏ, sau 2-3 ngày ban có màu thẫm, cuối cùng còn lại những mụn nước bằng đầu ghim thường ở các vùng da hở, các nơi tiếp xúc tổn thương ngứa và đau. Crôm 6 qua da xâm nhập vào nhú bì kết hợp với protein tạo thành phản ứng phức hợp kháng nguyên kháng thể gây hiện tượng dị ứng. Bệnh tái phát khi tiếp xúc trở lại, bệnh tiến triển nếu không được cách ly và trở thành chàm hóa.

- Chàm tiếp xúc:

    Bệnh do Crôm gây nên gặp ở nhiều ngành nghề khác nhau như: mạ Crôm, sản xuất bột màu, thuộc da, sản xuất muối Crôm… nhưng thường gặp và điển hình nhất là bệnh chậm xi măng hay còn gọi là ghẻ xi măng.

- Ung thư da:

    Ung thư da đã được nói đến nhiều nhưng quan hệ giữa ung thư da và các tổn thương Crôm ban đầu còn bàn cãi. Qua khảo sát, điều tra đối với ung thư, gây nên ở phổi, mũi, họng, dạ dày,  ruột.. của một số công nhân tiếp xúc với Crôm thấy có tỷ lệ cao gấp 10 lần trong nhân dân ở một số nước Mỹ, Nhật, Pháp…

3. Triệu chứng:

- Những người làm việc ở môi trường có hơi và bụi Crôm nồng độ cao quá giới hạn cho phép (0.10mg/ m3) và các nghề tiếp xúc với Crôm và hợp chất Crôm.

- Các tổn thương do kích thích:

 +  Tổn thương loét mắt chim câu (giếng Crôm) hoặc những di chứng là những sẹo lõm, tròn đều tại các vùng tiếp xúc.

 +  Tổn thương loét hoặc thủng vách ngăn mũi ở những người hít phải hơi, bụi sương, khí Crôm và hợp chất Crôm.

- Các tổn thương dị ứng:

 +  Tổn thương cơ bản là các sản mụn nước, xuất tiết trên nền da đỏ của viêm da, chàm tiếp xúc.

4. Biện pháp phòng bệnh:

- Biện pháp kỹ thuật:

 + Thiết kế ống hút bụi, hơi khí độc.

 + Tổ chức dây chuyền sản xuất hợp lý, có thể dùng các màn che chắn hay các phương tiện bảo vệ người lao động tránh mọi tiếp xúc không cần thiết.

- Biện pháp bảo vệ cá nhân:

 + Trang bị đầy đủ và sử dụng hiệu quả các trang bị bảo hộ lao động.

 + Có đủ nước và thực hiện việc tắm rửa bắt buộc sau lao động.

 + Có các loại Thu*c bảo vệ da, nhỏ mũi, Thu*c bôi vào các vùng da bị dây dính bụi.

- Biện pháp y tế:

 + Không tuyển những người có cơ địa dị ứng như: mề đay, chàm, tổ đỉa, hen phế quản…

 + Định kỳ khám, phát hiện để điều trị kịp thời.

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khỏe toàn dân (http://suckhoetoandan.vn/p/5c1a10a076801b5375305e87)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY