Theo RT, lô khẩu trang gồm 200.000 chiếc đã rời một nhà máy của 3M, công ty Mỹ chuyên sản xuất khẩu trang N95, tại Trung Quốc trong tuần này và đã tới thủ đô Bangkok, Thái Lan. Từ Bangkok, lô khẩu trang dự kiến sẽ được chuyển tới thủ đô Berlin, Đức.
Tuy nhiên, cảnh sát Đức nói với báo Der Tagesspiegel rằng lô khẩu trang trên sẽ không bao giờ tới Berlin. Thay vào đó, điểm đến của chúng là Mỹ.
Ông Andreas Geisel, quan chức nội vụ của Berlin, ngày 3/4 đã xác nhận thông tin trên. Ông Geisel cho rằng đây là hành động “cướp biển thời hiện đại” và không phải là cách mà các đối tác “xuyên Đại Tây Dương” đối xử với nhau.
“Berlin nói rằng Mỹ đã tịch thu 200.000 khẩu trang (loại FFP2 và FFP3) ngay tại sân bay ở Bangkok dù số khẩu trang này được cảnh sát Berlin đặt hàng. Các khẩu trang này do công ty 3M (công ty Mỹ) sản xuất tại Trung Quốc. Thành phố Berlin kêu gọi chính quyền (Thủ tướng Đức Angela) Merkel giải quyết vấn đề này với Mỹ”, phóng viên Daniel Drepper viết trên Twitter.
Cảnh sát trưởng Berlin Barbara Slowik tin rằng lý do khiến công ty 3M chuyển hướng lô khẩu trang sang Mỹ vì lệnh cấm xuất khẩu khẩu trang của chính quyền Tổng thống Donald Trump. Tuy nhiên, 3M đã bác bỏ nhận định này, trong khi một phát ngôn viên Nhà Trắng nói rằng cáo buộc “cướp biển” nhằm vào Mỹ là “hoàn toàn sai lệch”.
Thị trưởng Berlin Michael Muller cũng lên tiếng chỉ trích Mỹ, cho rằng đây là hành động “không thể chấp nhận được”.
“Hành động của Mỹ không thể hiện sự đoàn kết hoặc trách nhiệm. Chính phủ liên bang (Đức) phải thể hiện cho Mỹ thấy rằng các quy tắc quốc tế cần được tôn trọng, ngay cả thời điểm đại dịch toàn cầu”, ông Muller viết trên Twitter.
Đức được cho là không phải nước duy nhất bị Mỹ “hớt tay trên” trong “cuộc chiến” giành khẩu trang khi dịch Covid-19 ngày càng bùng phát trên thế giới.
Tuần trước, báo Le Journal de Montreal đưa tin một lô khẩu trang dự kiến được chuyển tới các bệnh viện ở thành phố Montreal, Canada đã được chuyển hướng sang bang Ohio của Mỹ. Công ty chuyển phát DHL sau đó giải thích đây là “lỗi máy tính”.
Tuần này, giới chức địa phương tại Pháp đã xác nhận trên truyền thông nước này về việc, lô khẩu trang lớn được các vùng của Pháp đặt mua tại Trung Quốc đã bị Mỹ trả giá cao hơn gấp 3 lần và lấy đi ngay tại sân bay Trung Quốc vào phút chót. Thay vì cất cánh từ Thượng Hải tới Pháp, máy bay chở lô khẩu trang đã chuyển hướng đi Mỹ.
“Lô khẩu trang được Pháp đặt mua đã bị người Mỹ mua lại ngay tại đường băng và thay vì tới Pháp, máy bay đã cất cánh tới Mỹ”, Renaud Muselier, quan chức đứng đầu vùng Provence-Alpes-Côte d'Azur ở đông nam Pháp, nói với RT hôm 1/4.
Tuy nhiên, Fox News ngày 3/4 dẫn lời một quan chức cấp cao của chính phủ Mỹ bác bỏ cáo buộc trên. Quan chức này khẳng định “chính phủ Mỹ chưa từng mua bất kỳ khẩu trang nào của Trung Quốc chuẩn bị bàn giao cho Pháp”.
Theo Washington Post, Bộ trưởng Y tế Brazil Luiz Henrique Mandetta tuần này cho biết Mỹ đã đưa máy bay tới Trung Quốc, trả tiền cao gấp nhiều lần và lấy đi số khẩu trang mà trước đó Trung Quốc đã cam kết chuyển giao cho Brazil.
“Mỹ đã điều 23 máy bay khổng lồ tới Trung Quốc để đem về những thứ mà họ đã đặt. Nhiều đơn hàng của chúng ta sẽ không thực hiện được”, Bộ trưởng Mandetta cho biết.
Các vụ việc trên diễn ra trong bối cảnh chính quyền Mỹ khuyên người dân đeo khẩu trang ở nơi công cộng để ngăn lây nhiễm Covid-19. Một số địa phương tại Mỹ, trong đó có ổ dịch New York, cũng đưa ra khuyến cáo này. Mỹ cũng đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt thiết bị y tế và đồ bảo hộ để điều trị cho số bệnh nhân Covid-19 quá tải tại các bệnh viện.
Tổng thống Donald Trump ngày 3/4 cho biết Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ kêu gọi mọi người che mặt bằng khăn quàng cổ hoặc khẩu trang vải, để dành khẩu trang y tế cho các y bác sĩ.
Mỹ, Đức và Pháp là 3 trong số 6 nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch Covid-19 với số ca nhiễm lần lượt là 27.000, 91.000 và 64.000. Tính đến ngày 3/4, số ca Tu vong tại Mỹ, Đức, Pháp lần lượt được ghi nhận 7.300, 1.200 và 6.500 trường hợp.
Nhà Trắng ngày 2/4 yêu cầu công ty 3M ưu tiên các đơn hàng của Mỹ hơn so với các đơn hàng từ nước ngoài, đồng thời kích hoạt Đạo luật Sản xuất Quốc phòng trong một nỗ lực nhằm khắc phục tình trạng thiếu khẩu trang tại các bệnh viện ở Mỹ.
Chính quyền Trump cũng yêu cầu công ty 3M dừng xuất khẩu khẩu trang sang Canada và khu vực Mỹ Latinh, đồng thời nhập khẩu thêm từ các nhà máy của 3M tại Trung Quốc.
Mỹ không phải là nước duy nhất chạy đua tích trữ khẩu trang khi dịch Covid-19 ngày càng lan rộng. Đức từng ra lệnh cấm xuất khẩu thiết bị y tế, gồm khẩu trang, kính bảo hộ và găng tay, trong khi Pháp cũng ra lệnh cấm tương tự. Liên minh châu Âu (EU) cũng đưa ra lệnh kiểm soát việc xuất khẩu khẩu trang ra ngoài khối.