Những chiến sĩ dọc tuyến biên giới Tây Nam vẫn thường trực có mặt ngày đêm
Đồng bằng Sông Cửu Long đang bước vào những ngày đầu tiên của mùa mưa, những cơn mưa bất chợt, những trận giông lốc đầu mùa kèm những trận sấm sét đầy hiểm nguy vẫn không ngăn được bước chân của những người chiến sĩ biên phòng, những bước chân vẫn đi, những đường biên vẫn giữ vừng vì sứ mệnh thiêng liêng, vì phòng tuyến biên cương trước nguy cơ dịch bệnh xâm nhập.
Đại úy Nguyễn Hữu Hàn, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng cửa khẩu Long Bình, Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang cho biết: “Công tác kiểm soát biên giới khó khăn nhất là lúc trời tối, trời mưa, nhưng với quyết tâm cao của các lực lượng Biên phòng, công an, dân quân và các lực lượng khác, công tác tuần tra vẫn đảm bảo an toàn tại các khu vực; có những đêm các lực lượng phải thức trắng để ngăn chặn các hoạt động xuất nhập cảnh trái phép”.
Bất kể ngày đêm, những buổi tuần tra luân phiên - khép kín luôn được các tổ, chốt (trung bình mỗi tổ được chia làm hai hoặc ba điểm) duy trì đều đặn, nhất là ở khu vực có nhiều đường mòn, lối mở như trong các vườn cây ăn trái liền kề của nhân dân hai nước, những đoạn sông nhỏ có mật độ dân cư sinh sống đông đúc trên các lồng bè, mọi dấu hiệu khẳng nghi đều được các cán bộ, chiên sĩ Biên phòng quan sát, theo dõi nhằm phát hiện xử lý khi có tình huống.
Nhiều vụ nhập cảnh trái phép đã được phát hiện và ngăn chặn kịp thời
Tại Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Thường Phước, huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp, có 4 chốt, mỗi chốt lại tiếp tục được phân chia thành các nhóm nhỏ hơn với nhiều hình thức kiểm soát đa dạng như tổ chốt cố định, tổ chốt “ẩn mình” hay tổ chốt di động. Dù nắng, dù mưa hay bất cứ điều kiện thời tiết khắc nghiệt nào, sự phối hợp tuần tra của các chốt vẫn luôn được thực hiện với toàn bộ quyết tâm và trách nhiệm.
Anh Dương Hoàng Anh, trưởng chốt canh phòng số 2, cho biết việc canh gác thực hiện 24/24 giờ. Ban ngày, lực lượng chia ra thành nhiều tổ gác tại các chốt và tuần tra lưu động, làm việc xuyên suốt, chỉ thay phiên nhau ăn cơm, vệ sinh cá nhân. Ban đêm từ 21h đến 6h sáng hôm sau sẽ chia thành 4 ca, mỗi ca canh 2 tiếng.
Và với cái nắng, cái gió và cái khắc nghiệt của thời tiết vùng biên giới đã không ít lần chiến sĩ đã ngã bệnh nhưng ai nấy đều giữ vững tinh thần chống dịch như chống giặc để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. “Chúng tôi động viên, chia sẻ, giúp nhau vượt khó trong điều kiện ai cũng khó như nhau. Mỗi người cùng quyết tâm cùng cố gắng thì mới mong sớm chiến thắng được dịch bệnh”- một chiến sĩ biên phòng chia sẻ.
Vùng 5 Hải quân đóng quân trên địa bàn Tây Nam của Tổ quốc, là khu vực giáp ranh với các nước đang bùng phát dịch COVID-19, nên việc ngăn chặn, kiểm soát nhập cảnh trái phép đang gặp nhiều khó khăn. Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, lực lượng hải quân đã chủ động, quyết liệt triển khai các biện pháp phòng, chống dịch (PCD) từ sớm, từ xa.
Đại tá Võ Đức Tiên, Phó Tư lệnh, Trưởng ban chỉ đạo phòng, chống dịch (PCD) COVID-19 Vùng cho biết: “Nhận định nguy cơ xuất hiện làn sóng dịch thứ 4 là nghiêm trọng, có thể xâm nhập vào đơn vị, thủ trưởng Bộ Tư lệnh và Ban chỉ đạo PCD COVID-19 Vùng đã lệnh cho các cơ quan, đơn vị siết chặt công tác chống dịch; tuyệt đối không chủ quan, lơ là và hoang mang. Mọi chỉ thị, công điện, hướng dẫn của cấp trên về PCD đều được phổ biến, quán triệt đến bộ đội và cụ thể hóa sát thực tế ở từng cơ quan, đơn vị. Vùng đã điều động nhiều lượt tàu tăng cường tuần tra, kiểm soát xung quanh khu vực đảo Phú Quốc và giáp ranh để ngăn chặn người nhập cảnh trái phép bằng đường biển”.
Tuần tra trên biển cũng được thực hiện với tinh thần, quyết tâm cao độ
Tại Kiên Giang, nơi được đánh giá là “điểm nóng” trước nguy cơ dịch bệnh xâm nhập từ bên ngoài, công tác PCD trên tuyến biên giới cũng có nhiều khó khăn, thách thưc. Toàn tỉnh Kiên Giang có 56km trên bộ giáp biên giới Campuchia, 145 hòn đảo lớn nhỏ, nguy cơ dịch bệnh xâm nhập là rất lớn, nhưng các chiến sĩ tham gia tuần tra, kiểm soát tuyến biên giới ai cũng hiểu nhiệm vụ quan trọng nên không thể lơ là.
Tại quần đảo Nam Du, với 21 đảo, hơn 6.000 dân sinh sống chủ yếu trên 2 đảo thuộc xã An Sơn và Nam Du. Người dân ở đây sống chủ yếu bằng nghề đi biển, nay đây mai đó, nên nguy cơ lây nhiễm COVID-19 rất lớn. “Hơn một năm qua, dù trời nắng hay mưa dông, bão gió, anh em đều phải đi tuần tra, cắm chốt, theo tàu ngư dân ra biển kiểm tra, giám sát lượng tàu cá, tàu buôn các nơi và cả tàu nước ngoài ghé vào đảo tránh bão, tiếp tế xăng dầu. Khó khăn, vất vả nhưng chưa bao giờ chúng tôi lơ là, bởi chỉ cần lơi lỏng một chút là dịch COVID-19 có nguy cơ lây lan ra đảo ngay”, Trung úy Nguyễn Văn Tâm, Đồn Biên phòng đảo Nam Du, Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang chia sẻ.
Chủ đề liên quan:
nCoV Sức khỏe toàn dân sức khỏe việt nam Viêm phổi cấp virus corona Virus corona Virus corona