Tâm sự hôm nay

Blog thầy Thuốc: Liều Thuốc niềm tin

Niềm tin là một thứ vô hình nhưng lại có sức mạnh hữu hình. Niềm tin với người bệnh và người nhà để tăng cường chất lượng chẩn đoán, điều trị.
Cách đây 3 năm, khi mới bước chân ra khỏi cổng trường đại học sau 6 năm học tập, tôi và một số bạn cùng khóa được giới thiệu vào bệnh viện tâm thần nơi tôi đang công tác. Ngày đầu tiên tới bệnh viện, mục đích để tham quan tìm hiểu tình hình, chúng tôi đã bất ngờ nhận được một câu hỏi. Câu hỏi từ cô bác sĩ Trưởng khoa Lâm sàng: “Theo các cháu, người bác sĩ trong ngành này (tâm thần) cần có những phẩm chất gì?”.

Câu hỏi này không mới, tôi và các bạn mỗi người đều trả lời một số ý và nhận được sự đồng tình của cô và các bác trong ban giám đốc. Sau đó, cô có bổ sung cho chúng tôi một câu trả lời, câu trả lời mà tôi cảm thấy tâm đắc đã dùng để làm hướng đi cho mình sau khi tốt nghiệp. Cô nói: “Người bác sĩ tâm thần cần phải biết tạo dựng niềm tin”.

niềm tin, nó là một thứ vô hình nhưng lại có một sức mạnh hữu hình. Xây dựng được niềm tin với đồng nghiệp giúp chúng ta tạo mối quan hệ đoàn kết trong khoa phòng, bệnh viện. Xây dựng niềm tin với người bệnh và người nhà để dễ dàng khai thác các triệu chứng, tăng cường chất lượng chẩn đoán, điều trị. Và đặc biệt, xây dựng niềm tin về bệnh và về Thuốc chữa bệnh.

Sau này, khi giải thích về câu trả lời, cô đã nói: “Bệnh tâm thần là một bệnh mạn tính, người bệnh cần phải uống Thuốc duy trì lâu dài. Để cho người bệnh hợp tác tuân thủ điều trị thì phải tạo dựng được niềm tin về Thuốc cho người bệnh, cho gia đình người bệnh. Trước tiên, phải chỉ cho người bệnh thấy các hiệu quả mà Thuốc đem lại cho người bệnh, từ đó đưa lên bàn cân về tác dụng điều trị và tác dụng không mong muốn của Thuốc (thường gặp) cho bệnh nhân và người nhà hiểu. Tiếp đó, so sánh hiệu quả của việc duy trì sử dụng Thuốc với việc bỏ Thuốc làm tái phát bệnh. Quá trình tư vấn này chỉ mất từ 2 - 3 phút, nhưng nếu bỏ qua thì tỷ lệ bỏ điều trị là rất cao. Bản thân cô thấy, nếu như người bệnh hay người nhà có ý nghĩ “Thuốc này là độc hại” thì việc họ bỏ uống Thuốc hoặc chuyển qua Thuốc nam hay cúng bái là rất lớn”.

Những ngày gần đây, khi các báo đài đưa tin rầm rộ về dịch sởi, tôi lại càng thấm thía hơn những lời nói của cô. Phải chăng việc thiếu niềm tin về vaccin của các bậc phụ huynh đã dẫn tới việc họ sợ và e ngại khi đưa con đi tiêm phòng?

Nhớ lại cũng việc tiêm vaccin ở bên Mỹ, khi mà người ta nghi ngờ việc tiêm vaccin làm tăng khả năng mắc bệnh tự kỷ ở trẻ cũng dẫn tới việc các bậc phụ huynh không cho trẻ đi tiêm. Kết quả là chưa kịp thống kê số trẻ tự kỷ có giảm đi hay không đã thấy tăng các ca báo cáo trẻ bị Tu vong do mắc các bệnh mà nếu như trẻ tiêm chủng sẽ không bị mắc. Tất nhiên, chẳng có mối liên hệ nào giữa bệnh tự kỷ và vaccin cả.

Tạo dựng được niềm tin trong điều trị còn là một liệu pháp điều trị. Trong nhiều bệnh lý tâm thần, có thể bệnh nhân chẳng cần phải sử dụng Thuốc (những bệnh nhân rối loạn do stress). Tôi đã gặp những bệnh nhân đi khám tại nhiều nơi mà không biết mình bị bệnh gì, tự cho là mình mắc bệnh nan y khó chữa. Hỏi ra mới biết là cuộc sống của họ đầy rẫy những căng thẳng. Những căng thẳng trong cuộc sống ngày càng nhiều tác động tới người bệnh làm họ cảm thấy bi quan, chán nản, mệt mỏi. Những lúc đó, chỉ cần giải thích cho họ hiểu về bệnh đang mắc, nói rằng bệnh đó có khả năng chữa được là bệnh đã giảm được một nửa. Vậy mới biết sức mạnh của niềm tin có giá trị như thế nào.

Việc tạo dựng niềm tin đối với người bệnh trước hết nhờ sự hiểu biết của bác sĩ, nhưng cái cần thiết và quan trọng hơn cả lại chính là sự ân cần, quan tâm và chia sẻ. Những thông tin trực tiếp mà bác sĩ đưa lại cho bệnh nhân có giá trị lớn hơn nhiều so với những thông tin từ báo, đài hay tờ rơi. Chính vì vậy, nên chăng dành 2 - 3 phút mỗi lần khám để tạo dựng niềm tin?

BS. Nguyễn Khắc Dũng

Mạng Y Tế
Nguồn: Nguồn Internet (news-blog-thay-thuoc-lieu-thuoc-niem-tin-8485.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY