Sáng 8/7, trước diễn biến nhanh, phức tạp của dịch COVID-19 tại TP. HCM, sau khi đồng ý với đề xuất của Thành phố áp dụng 16/CT-TTg ngày 31/3/2020, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì họp trực tuyến Chính phủ với lãnh đạo TP Hồ Chí Minh để bàn, thống nhất nhận thức, quan điểm, giải pháp và kêu gọi nhân dân thành phố vào cuộc cùng hệ thống chính trị để tổ chức phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả.
Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư, lãnh đạo chủ chốt, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cùng với các TP.HCM với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhân dân thành phố đã nỗ lực nhiều và bằng cố gắng, các biện pháp theo tinh thần chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các quy định đã ban hành đã đạt kết quả nhất định.
Thủ tướng đánh giá cao cố gắng của TP.HCM, sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ, chính quyền các cấp. Tuy nhiên đến nay dịch Covid-19 tại thành phố vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, khó kiểm soát.
Theo đề nghị của Thành phố, Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý quyết định áp dụng biện pháp mạnh hơn, thực hiện Chỉ thị 16 giãn cách TP.HCM 15 ngày để ngăn chặn, khống chế, đẩy lùi dịch bệnh tại TP.HCM. Thủ tướng nhấn mạnh, thực hiện giãn cách xã hội nhưng làm sao cuộc sống của nhân dân không bị đảo lộn, bảo đảm an ninh trật tự, đặt sức khoẻ, tính mạng của nhân dân lên trên hết. TP.HCM phải ưu tiên cho phòng, chống dịch COVID-19.
"Cuộc họp nhằm thống nhất nhận thức, giải pháp, kêu gọi nhân dân đồng tình hưởng ứng, cùng với hệ thống chính trị các cấp để thực hiện bằng được mục tiêu, đặt sức khoẻ, tính mạng của người dân lên trên hết để chúng ta hành động. Chúng ta họp trên tinh thần khẩn trương, trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ thẩm quyền phải thực hiện cho tốt, việc chống dịch không có tiền lệ, nhưng vừa làm vừa rút kinh nghiệm, không cầu toàn, nóng vội, nhưng phải hiệu quả", Thủ tướng nêu rõ.
Báo cáo tình hình, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhìn nhận, việc phòng chống dịch tại TP.HCM không chỉ đơn thuần cho Thành phố mà còn quyết định thành công trong phòng chống dịch của cả nước, nhất là các địa phương lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Long An. Bộ Y tế sẽ cử lực lượng (khoảng 10.000 cán bộ y tế) giúp Thành phố lấy mẫu, xét nghiệm, điều trị... và thiết lập 24 đoàn công tác hỗ trợ.
Bộ trưởng khuyến nghị TPHCM áp dụng 3 hình thức giãn cách: Toàn Thành phố áp dụng theo Chỉ thị 16; một số khu vực nguy cơ cao thực hiện phong tỏa; khu vực vùng lõi áp dụng cơ chế như cách ly tập trung.
Với vùng lõi nên tiến hành xét nghiệm 3 ngày/lần, với khu vực nguy cơ cao thì 5 đến 7 ngày/lần, với khu vực khác thì tầm soát, lấy mẫu gộp (Bộ Y tế khuyến nghị lấy mẫu gộp 5), lấy mẫu theo hộ gia đình.
TPHCM chuẩn bị 50.000 giường điều trị, bố trí riêng các khu điều trị tập trung cho bệnh nhân không có triệu chứng (chiếm khoảng 70% tổng số ca nhiễm). Tất cả các bệnh viện trên toàn Thành phố sẵn sàng điều trị bệnh nhân nặng. Khu cuối cùng là điều trị bệnh nhân nguy kịch, gồm BV Chợ Rẫy, BV nhiệt đới TPHCM, BV 115, BV Nhân dân Gia Định.
Bộ trưởng cho biết, trong tháng 7, sẽ có 8,7 triệu liều vắc xin về Việt Nam và sẽ ưu tiên cho TP.HCM, các tỉnh lân cận có dịch; ưu tiên lực lượng tuyến đầu trong phòng chống dịch và phát triển kinh tế; ưu tiên người trên 65 tuổi và có bệnh lý nền. Việc tiêm chia thành nhiều điểm nhỏ và chia theo khung giờ thay vì tập trung điểm lớn; bố trí 30 xe tiêm chủng lưu động cho một số khu vực dân cư.
Chủ đề liên quan:
Sức khỏe toàn dân sức khỏe việt nam Viêm phổi cấp virus corona Virus corona Virus corona