Tại cuộc họp báo Chính phủ ngày 5-5, Quyết định 588 của Thủ tướng phê duyệt "Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030" vừa ban hành được các cơ quan báo chí rất quan tâm.
Quyết định có yêu cầu "đề xuất sửa đổi các quy định không còn phù hợp với mục tiêu duy trì vững chắc mức sinh thay thế, đặc biệt là các quy định xử lý vi phạm chính sách dân số hiện hành". Về vấn đề này, báo chí gửi câu hỏi tới Bộ Y tế về việc có kiến nghị việc sửa quy định về xử lý kỷ luật đảng viên sinh con thứ 3 không?
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết chưa có đề xuất sửa đổi quy định kỷ luật đảng viên sinh con thứ 3
Trả lời vấn đề báo chí quan tâm, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết đối với Quyết định 588/QĐ-TTg ngày 28-4-2020, đây là chính sách mà Bộ Y tế đã có vai trò tham mưu, báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ để xây dựng chính sách mới phù hợp với chương trình mục tiêu dân số đảm bảo cho sự phát triển đối với mức sinh thay thế cho phù hợp với phát triển của đất nước ta trong thời gian tới.
"Đó là làm sao phấn đấu sinh đủ 2 con và nuôi con khoẻ mạnh để đảm bảo nguồn lao động cũng như nhân lực cho sự phát triển của đất nước"- ông Nguyễn Trường Sơn cho hay.
Thư trưởng Bộ Y tế nêu rõ trong quyết định này, Bộ Y tế được giao chủ trì kế hoạch và triển khai nội dung các chương trình, bên cạnh đó là hướng dẫn UBND các tỉnh, TP trực thuộc trung ương để triển khai các chương trình và kiểm tra đánh giá, sơ kết, tổng kết các mục tiêu của chương trình.
Liên quan tới nội dung đối với vấn đề sinh con thứ 3, cho đến hiện tại, các quy định về đảng viên sinh con thứ 3 vẫn còn giá trị hiện hữu. Hiện, những việc kỷ luật khiển trách có thời hiệu 2 năm với đảng viên sinh con thứ 3 vẫn còn hiệu lực.
"Hiện giờ, chúng tôi chưa có ý kiến nào đề xuất với Chính phủ có điều chỉnh việc này. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Bộ Y tế và đặc biệt Tổng Cục Dân số sẽ có các đề xuất điều chỉnh chính sách cho phù hợp nhất với tình hình phát triển của nước ta"- Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho hay.
Trước đó, Báo Người Lao Động đã đưa tin, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định phê duyệt "Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030".
Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, tăng 10% tổng tỷ suất sinh ở các tỉnh, thành phố có mức sinh thấp; giảm 10% tổng tỷ suất sinh ở các tỉnh, thành phố có mức sinh cao; duy trì kết quả ở những tỉnh, thành phố đã đạt mức sinh thay thế.
Để đạt mục tiêu trên, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thay đổi hành vi; điều chỉnh, hoàn thiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích. Trong đó, cần cụ thể hóa các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phù hợp với đặc điểm mức sinh của các địa phương có mức sinh khác nhau.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu nhiệm vụ, hoạt động cần ưu tiên thực hiện ngay là bãi bỏ các quy định của các tổ chức, cơ quan, đơn vị, cộng đồng liên quan đến mục tiêu giảm sinh, tiêu chí giảm sinh con thứ 3 trở lên; sửa đổi, bổ sung các chính sách hỗ trợ, khuyến khích các cặp vợ chồng sinh đủ hai con trên cơ sở phân tích, đánh giá tác động của các chính sách về lao động, việc làm, nhà ở, phúc lợi xã hội, giáo dục, y tế... đến việc sinh ít con; xây dựng, triển khai các mô hình can thiệp thích hợp.
Trong Quyết định 588, Thủ tướng đề nghị thí điểm biện pháp hỗ trợ các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con như: khuyến khích nam, nữ kết hôn trước 30 tuổi, không kết hôn muộn và sớm sinh con, phụ nữ sinh con thứ 2 trước 35 tuổi; giảm thuế thu nhập cá nhân, miễn giảm các khoản đóng góp công ích theo hộ gia đình cho phụ nữ sinh đủ 2 con; ưu tiên mua nhà ở xã hội, thuê nhà ở, ưu tiên cho con vào các trường công lập, hỗ trợ chi phí giáo dục trẻ em đối với các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con; từng bước thí điểm các biện pháp tăng trách nhiệm đóng góp xã hội, cộng đồng đối với những trường hợp cá nhân không muốn kết hôn hoặc kết hôn quá muộn.
Theo Người lao động
Copy link
Chủ đề liên quan:
Bộ Y bộ y tế con thứ đảng viên đảng viên sinh con thứ 3 kết hôn muộn kết hôn trước 30 tuổi kỷ luật kỷ luật đảng kỷ luật đảng viên quy định sinh con sinh con thứ sinh con thứ 3 tin nóng xã hội y tế