Ung bướu hôm nay

Khoa ung bướu là một trong những chuyên khoa quan trọng của phân ngành ngoại khoa, có chức năng chẩn đoán, điều trị, tầm soát ung thư và cung cấp đầy đủ các dịch vụ chăm sóc y tế cần thiết cho bệnh nhân ung thư bao gồm: hoá trị, xạ trị, điều trị ngoại khoa, điều trị nội khoa, ghép tế bào gốc...; đồng thời giúp kiểm soát các cơn đau bằng cách vật lý trị liệu, phong bế thần kinh ngoại biên, phong bế giao cảm,... Các bệnh thường gặp của khoa ung bướu có thể kể đến như: ung thư gan, ung thư phổi, ung thư cổ tử cung, ung thư vú, ung thư buồng trứng, ung thư tuyến giáp, ung thư da, ung thư đại trực tràng, ung thư dạ dày,...

CA 15 - 3 tăng cao có phải bị ung thư vú?

(MangYTe) - Nhiều chị em xét nghiệm máu thấy chỉ số CA 15 – 3 tăng cao lo lắng mình đã mắc bệnh ung thư vú. Vậy thực tế, CA 15 – 3 là gì và chỉ số CA 15 – 3 tăng cao có phải bị ung thư vú không?
CA 15 – 3 là gì?

CA 15 – 3 là tên viết tắt của kháng nguyên carbohydrate 15 – 3, là một dấu ấn ung thư vú. Ở những phụ nữ khỏe mạnh, giá trị bình thường của CA 15 – 3 nhỏ hơn hoặc bằng 30 U/mL và giá trị này có thể dao động không đáng kể, tùy thuộc vào phương pháp định lượng, hệ thống máy phân tích…

Xét nghiệm CA 15-3 được sử dụng với mục đích gì?

• Phát hiện ung thư vú: CA 15 – 3 thường tăng cao ở phần lớn những người mắc ung thư vú, do đó xét nghiệm CA 15-3 là một phần để xác định ung thư vú. Tuy nhiên, có khoảng 30% số người mắc ung thư vú có chỉ số CA 15-3 không tăng (đặc biệt trong giai đoạn đầu), do đó xét nghiệm này là không đủ để chẩn đoán mà chỉ có vai trò gợi ý, giúp bác sĩ chỉ định thêm các xét nghiệm chuyên sâu khác.

• Theo dõi đáp ứng điều trị: Xét nghiệm CA 15-3 còn được dùng để theo dõi khả năng đáp ứng điều trị của mỗi người bệnh, giúp bác sĩ điều chỉnh phác đồ điều trị. Nếu chỉ số CA 15-3 giảm, điều đó có nghĩa là phương pháp điều trị có hiệu quả và ngược lại.

• Theo dõi ung thư vú tái phát: Sau điều trị, bệnh nhân cần tái khám định kỳ để theo dõi tái phát và xét nghiệm CA 15-3 có thể là một phần trong đó. Chỉ số này tăng cao, điều đó cho thấy ung thư đã quay trở lại. Ngược lại, người bệnh có thể yên tâm nếu chỉ số ổn định trong ngưỡng bình thường. Tuy nhiên, theo các bác sĩ Bệnh viện Thu Cúc, để theo dõi tái phát vẫn cần làm thêm các chẩn đoán chuyên sâu khác để đánh giá chính xác nhất.

CA 15 – 3 tăng cao có phải bị ung thư vú">bị ung thư?

Xét nghiệm CA 15-3 tăng cao có thể khiến nhiều chị em hoang mang, cho rằng mình mắc ung thư vú. Tuy nhiên, trong thực tế, chỉ số này có thể tăng ở những điều kiện lành tính khác mà không phải ung thư vú, chẳng hạn như: lupus ban đỏ hệ thống, viêm gan mạn, xơ gan, bệnh vú lành tính… hoặc 1 số bệnh ung thư khác cũng khiến chỉ số này tăng như: ung thư phổi, ung thư đại trực tràng…

Chính vì vậy, xét nghiệm CA 15 – 3 tăng cao chưa đủ cơ sở để khẳng định bạn có mắc ung thư vú hay không. Để xác định chính xác, người bệnh cần thực hiện nhiều xét nghiệm chuyên sâu khác dưới sự chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.

Hiện nay có một số phương pháp sàng lọc giúp phát hiện ung thư vú có hiệu quả như siêu âm vú, chụp X-quang tuyến vú… Các bác sĩ khuyến cáo chị em nên sàng lọc ung thư vú định kỳ, đặc biệt là những phụ nữ trên 40 tuổi, nhằm phát hiện bệnh sớm và điều trị có hiệu quả.

Mạng Y Tế
Nguồn: Dân trí (http://dantri.com.vn/ung-thu/ca-15-3-tang-cao-co-phai-bi-ung-thu-vu-20180602142927635.htm)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY