Họng là nơi tiếp xúc đầu tiên với các yếu tố môi trường như không khí, khói bụi, các loại thực phẩm, các yếu tố dị nguyên… nên rất dễ tổn thương.
Họng là nơi tiếp xúc đầu tiên với các yếu tố môi trường như không khí, khói bụi, các loại thực phẩm, các yếu tố dị nguyên… nên rất dễ tổn thương.
Tại họng tập trung nhiều các tổ chức lympho tạo thành từng đám gọi là amiđan. Các amiđan hình thành nên vòng bạch huyết Waldeyer bao gồm: amiđan vòm (V.A), amiđan vòi, amiđan khẩu cái (thường gọi là amiđan), amiđan lưỡi và hạch Gillet. Các amiđan sản xuất ra những tế bào lympho T và B tham gia vào miễn dịch tế bào bảo vệ cơ thể, trong đó quan trọng nhất là amiđan vòm (V.A) và amiđan khẩu cái (amiđan).
Đám rối thần kinh họng (vận động, cảm giác, thực vật) là cơ chế gây ra các phản xạ thần kinh, nội tiết để gây ra các biến chứng toàn thân từ viêm họng.
Nguyên nhân gây bệnh
Viêm mũi họng là tình trạng niêm mạc mũi họng bị viêm nhiễm do tác nhân vi khuẩn, virus, nấm hoặc dị ứng.
Nguyên nhân gây bệnh thường là virus (chiếm 60-80%). Vi khuẩn:
thường gặp là phế cầu, Hemophilus Influenzae, tụ cầu và nguy hiểm nhất là liên cầu ß tan huyết nhóm A. Nấm: rất hiếm, mặc dù bình thường khi nuôi cấy dịch họng kết quả chỉ ra có khoảng 70% các trường hợp có sự tồn tại của nấm. Trong những trường hợp cơ thể suy giảm sức đề kháng như hội chứng suy giảm miễn dịch, dùng quá nhiều kháng sinh, súc Thu*c súc họng, sử dụng viên ngậm bừa bãi hoặc dùng các Thu*c xịt họng không đúng chỉ định… nấm mới trở nên gây bệnh.
Người ta nhận thấy đa phần những bệnh nhân bị viêm họng tái diễn nhiều lần thường hay kèm thêm một số yếu tố thuận lợi như sự thay đổi của khí hậu, người tiếp xúc với các yếu tố vật lý hóa học độc hại, làm việc trong môi trường bụi bẩn…
Viêm V.A cấp
Viêm V.A cấp là một bệnh hay gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Tỷ lệ trẻ bị viêm V.A chiếm một tỷ lệ cao từ 40 - 53% số trẻ đi khám bệnh tùy theo từng mùa, địa dư sinh sống, điều kiện sống và sinh hoạt.
Biểu hiện của viêm V.A cũng dễ nhận biết.
- Cha mẹ thường thấy con mình “thở” to hơn bình thường khi ngủ, kèm theo là chảy nước mũi, hơi thở hôi. Sau hai ba ngày trẻ bắt đầu sốt. Nhiệt độ dao động từ 38-40˚C. Trẻ mệt mỏi, quấy khóc, kém ăn, ăn hay nôn trớ. Cửa mũi có dịch chảy ra, lúc đầu dịch trong, nếu trẻ không được điều trị dịch sẽ chuyển dần thành màu vàng xanh. Ngạt mũi làm trẻ phải thở bằng mồm. Nếu còn bú mẹ sẽ thấy trẻ không bú được dài hơi, bú được một lúc lại phải dừng lại để thở. Trẻ bị ho, có thể có đờm do dịch xuất tiết từ mũi họng kích thích.
- Điều trị viêm V.A cấp:
Điều trị theo nguyên nhân.
Toàn thân
• Nếu viêm V.A do vi khuẩn:
Kháng sinh đường uống thông thường. Các vi khuẩn gây viêm V.A cấp thường bị tiêu diệt bởi nhóm ß-lactam…
Điều trị các triệu chứng: hạ sốt, giảm đau bằng paracetamol, chống xung huyết, chống phù nề bằng corticoid hoặc chống viêm (α choay)…
• Nếu do virus, sẽ chỉ điều trị cho trẻ các triệu chứng: hạ sốt, giảm xuất tiết và chống xung huyết mũi.
Tại chỗ: điều trị ngạt mũi và chảy mũi với các Thu*c co mạch xylomethazoline 0,05%, chống viêm...
- Phòng bệnh trong viêm V.A cũng rất quan trọng: tránh cho trẻ dưới 5 tuổi đến những chỗ đông người như chợ, các lễ hội…vì khả năng miễn dịch ở lứa tuổi này chưa hoàn thiện nên dễ nhiễm bệnh. Giữ ấm cho trẻ khi thời tiết chuyển lạnh, tránh gió lùa lúc tắm, thường xuyên vệ sinh tay chân cho trẻ sạch sẽ…
Viêm V.A mạn tính
Viêm V. mạn tính hình thành do viêm V.A cấp không được điều trị đúng.
Viêm V.A mạn tính thường xuất hiện ở trẻ dưới 6 tuổi với các biểu hiện:
- Ngạt mũi thường xuyên, ngày càng tăng.
- Chảy dịch ra cửa mũi trước.
- Trẻ hay ho và sốt vặt, do mũi chảy xuống họng và mủ đọng ở hốc mũi.
- Trẻ biểu hiện ngủ không yên giấc, ngáy to, giật mình.
- Tai nghễnh ngãng và cũng dễ bị viêm.
- Cơ thể trẻ chậm phát triển so với lứa tuổi, kém nhanh nhẹn, ăn uống ít biết ngon. Người gầy hoặc béo bệu, nước da trắng bệch.
Tiến triển bệnh
Viêm V.A mạn tính không điều trị kịp thời, trẻ thiếu thở dẫn đến hiện tượng thiếu oxy mạn tính, hình thành bộ mặt V.A: da xanh, miệng há, môi trên bị kéo xếch lên để lộ răng cửa vẩu, răng hay mọc lệch, môi dưới dài, thõng, đôi mắt mở to, trẻ có vẻ ngây ngô.
Ngoài bộ mặt V.A, trẻ còn có những biến dạng ở thân mình: lồng ngực bị dẹt, hẹp bề ngang, lưng bị cong, vẹo hoặc gù, bụng ỏng, đít teo.
Về mặt tinh thần, những trẻ này thường không tập trung tư tưởng, lười biếng, buồn ngủ, trong lớp trẻ hay học kém do trẻ nghe kém nên không hiểu những lời giảng của giáo viên, không thấy hứng thú trong học tập.
Sự phát triển trí tuệ ở một trẻ bị viêm V.A cũng hạn chế do nghe kém và thở kém làm giảm lượng oxy cung cấp cho não trẻ.
Tiên lượng bệnh không nặng nề nếu trẻ được điều trị viêm V.A mạn tính trước khi để lại di chứng.
Viêm amiđan
Viêm amiđan là nhóm bệnh hay gặp, đứng hàng đầu trong những bệnh lý về họng. Bệnh tiến triển có thể cấp tính hay mạn tính. Viêm amiđan rất hay tái phát và có thể gây các biến chứng nguy hiểm.
Viêm amiđan cấp
Viêm amiđan cấp là viêm nhiễm của amiđan khẩu cái do virus hoặc vi khuẩn.
- Bệnh hay gặp ở trẻ lớn, trên 7 tuổi và người lớn. Tỷ lệ bị bệnh khoảng 10% dân số.
- Viêm amiđan cấp
thường gặp do bệnh nhiễm trùng còn phổ biến ở nước ta.
- Viêm amiđan cấp không khó phát hiện, nhiều khi bản thân người bệnh tự phát hiện.
- Bệnh nhân bị bệnh thấy người mệt mỏi, kém ăn, cảm giác ớn lạnh. Sốt 39º-40˚C.
- Nuốt đau, rát họng là dấu hiệu mà bệnh nhân hay phàn nàn, đôi khi đau lan lên tai khi nuốt. Kèm theo có ho từng cơn do kích thích hoặc ho có đờm bởi dịch xuất tiết ở họng. Giọng nói có thể thay đổi, trở nên ồm ồm. Trẻ nhỏ thường thở khò khè, ngáy to. Hơi thở hôi.
- Khám họng: hai amiđan to, đỏ, ướt, có thể thấy các mạch máu nổi rõ hoặc các chấm mủ trắng ở các khe, có khi thành đám như giả mạc nhưng lấy ra dễ dàng, tan trong nước. Hạch góc hàm sưng to và đau.
- Những đợt viêm amiđan cấp diễn biến khoảng 7 ngày là khỏi. Nhưng nếu không được điều trị bệnh có thể lan xuống thanh quản, phế quản hoặc gây các biến chứng như áp xe quanh amiđan, viêm tai giữa, viêm cầu thận cấp, thấp tim, viêm khớp cấp.
- Điều trị kháng sinh nếu viêm amiđan cấp mủ.
- Điều trị triệu chứng: hạ sốt, giảm đau, giảm ho, chống phù nề và xung huyết. Nếu nghi ngờ viêm amiđan do nguyên nhân liên cầu ß tan huyết nhóm A, phải điều trị ngay bằng kháng sinh chống liên cầu như penniciline G và kéo dài trong 2 tuần.
Viêm amiđan mạn tính
- Bệnh nhân có nhiều đợt viêm cấp trong năm (trên 5 lần).
- Viêm amiđan mạn tính xuất hiện nếu viêm cấp không được điều trị đúng, kháng sinh không đủ liều, không đúng cách.
- Bệnh nhân hay ho húng hắng, hay đau rát họng, nuốt vướng như có dị vật, đau nhói lên tai khi nuốt, hơi thở hôi, ngủ ngáy, đôi khi giọng nói bị thay đổi.
- Khám thấy amiđan quá phát hoặc xơ teo, trên bề mặt amiđan có những chấm mủ như bã đậu. Vuốt dọc theo trụ trước của amiđan thấy có mủ trắng từ các hốc amiđan.
- Hạch góc hàm to, cứng, có khi đau.
Biến chứng của viêm amiđan và V.A
- Biến chứng tại chỗ: viêm tấy hoặc áp xe quanh amiđan.
- Biến chứng bộ phận hô hấp: viêm thanh quản, khí quản và phế quản
- Cơn khó thở đột ngột và kịch liệt về đêm, nhất là ở những trẻ có cân nặng trên mức bình thường, tổ chức lympho thường quá phát - nguy cơ co thắt nguy hiểm.
- Trên những trẻ có cơ địa bị hen, viêm V.A làm cho những cơn hen xuất hiện thường xuyên hơn và nặng hơn.
- Biến chứng viêm tai giữa cấp, mạn.
- Viêm amiđan, V.A mạn tính hay gây rối loạn tiêu hoá ở trẻ nhỏ.
- Viêm hạch: thường là viêm hạch trên nhiều vùng ở cổ, hạch nhỏ, không đau, di động dễ. Những hạch này có thể bị nhiễm trùng, đặc biệt là hạch Gillete gây áp xe thành sau họng ở trẻ dưới 2 tuổi.
- Biến chứng mắt: viêm màng tiếp hợp, viêm mí mắt, chảy nước mắt.
- Biến chứng toàn thân: viêm cầu thận, thấp tim, thấp khớp.
PGS.TS. Phạm Khánh Hòa