Môi trường hôm nay

Ô nhiễm môi trường

Cải cách “đột phá” đi vào cuộc sống cần có cách triển khai quyết liệt!

(NBCL) TS. ĐBQH Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã có cuộc trò chuyện với báo Nhà báo Công luận xung quanh vấn đề cải cách chính sách BHXH theo Nghị quyết số 28-NQ/TW.

“Người lao động do còn khó khăn trước mắt, ăn buổi sáng lo buổi tối, nên chưa thấy lâu dài phải có nguồn thu nhập cho tuổi già, làm hôm nay tiết kiệm cho mai sau; chưa nhận thức được tham gia đóng góp vào quỹ BHXH được coi như là của để dành, vấn đề nhận thức là rào cản lớn nhất cho mục tiêu phát triển độ bao phủ về bảo hiểm xã hội (BHXH) nói riêng và đảm bảo an sinh xã hội nói chung” - TS. ĐBQH Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội nhấn mạnh trong cuộc trò chuyện với báo Nhà báo & Công luận.

+ Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH là chính sách an sinh xã hội đặc biệt quan trọng đảm bảo đời sống người dân. Nhưng để chính sách đi vào cuộc sống một cách hiệu quả là không dễ dàng. Quan điểm của ông như thế nào, sau hơn một năm triển khai Nghị quyết?

- ĐBQH Bùi Sỹ Lợi: Có thể nói, Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH là một sự thay đổi đột phá nhằm xây dựng hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng, bao gồm: Trợ cấp hưu trí xã hội; Bảo hiểm xã hội cơ bản (bao gồm bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện) và Bảo hiểm hưu trí bổ sung. Với nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững. Mục tiêu cơ bản là mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội tiến tới BHXH toàn dân. Đồng thời, quá trình cải cách phải đáp ứng yêu cầu củng cố niềm tin, tăng mức độ hài lòng của người tham gia vào hệ thống bảo hiểm xã hội.

Tuy nhiên, sau hơn một năm triển khai, thực hiện Nghị quyết chưa có sự chuyển biến đáng kể. Trước hết là nhận thức của người lao động về hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng, điều này đang là thách thức đối với mục tiêu BHXH toàn dân. Mặc dù Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ với các mức 30% cho lao động hộ nghèo, 25% lao động hộ cận nghèo và 10% cho các đối tượng khác nhưng đối tượng tham gia BHXH tự nguyện tăng vẫn chậm; trong khi số người xin hưởng chính sách BHXH một lần tăng đều qua các năm, trong 5 năm từ 2014 đến 2018 đã có gần 2,7 triệu người nhận BHXH một lần, điều này khẳng định chính sách bảo hiểm xã hội đa tầng đi vào cuộc sống là không dễ dàng.

 + Ý nghĩa quan trọng nhất của Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội chính là ở hệ thống an sinh xã hội đa tầng, bảo đảm không có người dân nào rơi xuống dưới sàn an sinh xã hội.  Nhưng trên thực tế, điều khó nhất, tạo rào cản để nghị quyết đi vào cuộc sống lại chính là từ tư duy và nhận thức của người dân. Ông nghĩ sao về điều này?

- ĐBQH Bùi Sỹ Lợi: Đúng vậy, người lao động do còn khó khăn trước mắt, ăn buổi sáng lo buổi tối, nên chưa thấy lâu dài phải có nguồn thu nhập cho tuổi già, làm hôm nay tiết kiệm cho mai sau; chưa nhận thức được tham gia đóng góp vào quỹ BHXH được coi như là của để dành, vấn đề nhận thức là rào cản lớn nhất cho mục tiêu phát triển độ bao phủ về bảo hiểm xã hội nói riêng và đảm bảo an sinh xã hội nói chung. Một bài học rất đáng buồn trong thực tế triển khai thi hành Quyết định 176/HĐBT ngày 09/10/1989 của Hội đồng Bộ trưởng vào đầu những năm 90 có nhiều người lao động sau khi nhận BHXH một lần lại mong muốn hoàn trả lại quỹ BHXH phần họ đã nhận để tiếp tục thời gian làm việc và đóng BHXH nhưng pháp luật không cho phép để người lao động được tiếp tục tham gia BHXH, tích lũy thời gian để được hưởng tiền lương hưu hàng tháng, bảo hiểm y tế khi về già.

Chúng ta biết rằng, Quỹ BHXH do Nhà nước bảo trợ, được quản lý tập trung ở Trung ương, được đầu tư tăng trưởng, bảo đảm an toàn và công khai minh bạch, hằng năm phải báo cáo với Quốc hội và được Quốc hội giám sát chặt chẽ. Mục tiêu là bảo tồn tăng trưởng để bảo đảm cuộc sống lâu dài trọn đời cho người nghỉ hưu, có BHYT. Đồng thời, khi qua đời có mai táng phí, thân nhân chủ yếu dưới 18 tuổi và bố, mẹ già hết tuổi lao động được hưởng tối đa 4 xuất tuất thường.

+ Ông từng nhấn mạnh rằng:  Mục tiêu của chúng ta mở rộng đối tượng tham gia chính là phát huy tinh thần cộng đồng, giữa Nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức và người lao động. Tức là người lao động phải nên có đóng góp, nên có tham gia để được hưởng lợi ích sau này, gắn giữa trách nhiệm và quyền lợi trong một xã hội phát triển. Ông có thể nói cụ thể hơn về “tinh thần cộng đồng” này chứ?

- ĐBQH Bùi Sỹ Lợi: Cả 3 tầng của BHXH đều thể hiện vai trò về “Tinh thần cộng đồng”. Trước hết, về Trợ cấp hưu trí xã hội là do ngân sách nhà nước cung cấp một khoản trợ cấp cho người cao tuổi không có lương hưu, hoặc bảo hiểm xã hội hằng tháng (hiện nay là người 80 tuổi trở lên, mức trợ cấp 270 ngàn đồng/tháng). Ngoài ra có chính sách huy động các nguồn lực xã hội đóng góp thêm để các đối tượng này có mức hưởng cao hơn; từng bước điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội và nâng mức hưởng phù hợp với khả năng của ngân sách. Thứ hai, về Bảo hiểm xã hội cơ bản, bao gồm Bảo hiểm xã hội bắt buộc và Bảo hiểm xã hội tự nguyện: Bảo hiểm xã hội bắt buộc (với các chế độ hưu trí, tử tuất, T*i n*n lao động, bệnh nghề nghiệp, ốm đau, thai sản, thất nghiệp) dựa trên đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động. Bảo hiểm xã hội tự nguyện (với 02 chế độ hưu trí, tử tuất) dựa trên đóng góp của người lao động không có quan hệ lao động; có sự hỗ trợ phù hợp từ ngân sách nhà nước cho nông dân, người nghèo, người có thu nhập thấp, lao động khu vực phi chính thức để mở rộng diện bao phủ bảo hiểm xã hội; nâng cao ý thức, trách nhiệm của người lao động đối với việc tự bảo đảm an sinh cho bản thân. Mở rộng diện bao phủ Bảo hiểm xã hội theo lộ trình điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu phù hợp từng thời kỳ. Thứ ba, về Bảo hiểm hưu trí bổ sung là chế độ hưu trí tự nguyện theo nguyên tắc thị trường, tạo điều kiện cho người sử dụng lao động và người lao động có thêm sự lựa chọn tham gia đóng góp để được hưởng mức lương hưu cao hơn.

+ Thưa ông, thời gian hơn 1 năm qua, BHXH đã có nhiều nỗ lực trong việc cải cách chính sách BHXH; tinh gọn, hiện đại hóa bộ máy và nâng cao chất lượng phục vụ, nhằm thay đổi nhận thức của người dân về chính sách BHXH, hướng tới dịch vụ thân thiện hơn với người dân theo tinh thần Nghị quyết 28. Nhưng để đạt mục tiêu BHXH toàn dân như mong muốn, theo ông, ngành BHXH vẫn còn cần phải nỗ lực như thế nào?

- ĐBQH Bùi Sỹ Lợi: Trước hết, Ngành BHXH phải hoàn thiện bộ máy tổ chức thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Thực hiện chế độ tài chính, kế toán, kiểm toán và thông tin báo cáo về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật. Thứ hai, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên tất cả các lĩnh vực bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; hoàn thiện, đẩy mạnh kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm với các hệ thống cơ sở dữ liệu có liên quan nhằm phục vụ tốt công tác thực hiện chính sách và công tác nghiên cứu, hoạch định chính sách.

Tiếp tục hiện đại hóa quản lý bảo hiểm xã hội, đầu tư phát triển công nghệ và phương pháp quản lý tiên tiến trong tổ chức thực hiện bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Kịp thời ngăn chặn tình trạng gian lận, trục lợi chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp. Thứ ba, tuyên truyền, vận động và giải thích đầy đủ cơ chế đóng – hưởng để người lao động thấy rõ vị trí, vai trò quan trọng của BHXH tự nguyện, chính sách hỗ trợ của Nhà nước; thúc đẩy và phát triển các đại lý để phát triển BHXH tự nguyện đến tận thôn, bản, xã, phường, thị trấn với cơ chế thuận lợi, thủ tục đơn giản và dễ tiếp cận. Thứ tư, có cơ chế tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực ngành BHXH đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, nhất là trong bối cảnh thị trường lao động biến động nhanh chóng và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã và đang làm biến đổi cấu trúc của thị trường lao động.

+ Tại Phiên thảo luận tình hình kinh tế - xã hội ngày 30/10 vừa qua, ông đã đề nghị tiếp tục nâng mức hỗ trợ cho người tham gia BHXH tự nguyện. Ông có thể chia sẻ cụ thể về điều này?

- ĐBQH Bùi Sỹ Lợi: Năm 2008 là năm đầu tiên triển khai chính sách BHXH tự nguyện chỉ có 6.100 người đăng ký tham gia. Đến năm 2018, có khoảng 270.000 người tham gia BHXH tự nguyện, chiếm khoảng 1,8% tổng số người tham gia BHXH. Năm 2018 cũng là năm đầu tiên bắt đầu triển khai trên thực tế việc hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và đạt kết quả bước đầu góp phần đẩy mạnh phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện (tăng 46.536 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện so với 2017). Tổng số tiền hỗ trợ của Nhà nước cho người tham gia Bảo hiểm xã hội tự nguyện khoảng gần 30 tỷ đồng. Tuy nhiên, mức hỗ trợ bằng 30% đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thuộc hộ nghèo; 25% đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thuộc hộ cận nghèo và 10% đối với các đối tượng khác cũng chưa thực sự khuyến khích và thu hút mạnh mẽ việc tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Do đó, trước mắt cần phải có nghiên cứu, định hướng hoàn thiện cơ chế hỗ trợ tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện theo hướng đề xuất Nhà nước hỗ trợ 50% và người lao động 50%. Nhưng về lâu dài phải có giải pháp tổng thể về cơ chế, chính sách để thu hút người lao động tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện như thiết kế lại chính sách, mở rộng phạm vi chế độ người lao động được hưởng so với hiện nay theo hướng linh hoạt thêm các gói bảo hiểm xã hội tự nguyện gắn với các chế độ bảo hiểm xã hội tự nguyện hiện hành (hưu trí và tử tuất) có bổ sung thêm các gói có thêm chế độ thai sản hoặc ốm đau hoặc trợ cấp gia đình/trẻ em, nhưng đảm bảo hạn chế tối đa việc cho hưởng BHXH một lần hoặc thực hiện đầy đủ quy định về bảo hiểm xã hội một lần tại Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội. Hiện nay, về nội dung này Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang tham mưu cho Chính phủ để xem xét thực hiện thí điểm trước việc đề xuất mở rộng này.

+ Vâng, xin cảm ơn ông!

Thiên Trường - Bảo Minh (Thực hiện)

Mạng Y Tế
Nguồn: Công luận (https://congluan.vn/cai-cach-dot-pha-di-vao-cuoc-song-can-co-cach-trien-khai-quyet-liet-post72435.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY