Được phát triển bởi các nhà khoa học ở Viện Công nghệ Georgia (Mỹ), cảm biến mới có kích cỡ nhỏ hơn một con bọ rùa (ảnh) và dễ dàng gắn trên áo để kịp thời cảnh báo cho chủ nhân khi nào cần kiểm tra sức khỏe tim/phổi.
Giáo sư Farrokh Ayazi - trưởng nhóm nghiên cứu - cho biết, các bác sĩ hiện dựa vào kết quả điện tâm đồ để đánh giá sức khỏe tim. Nhưng điện tâm đồ chỉ đo xung điện từ tim, trong khi tim là một hệ thống cơ học với các cơ bơm máu, van đóng/mở và phát ra những âm thanh và chuyển động đặc trưng - điều mà điện tâm đồ không thể xác định. Cảm biến mới không chỉ khắc phục hạn chế của phương pháp đo điện tâm đồ, mà còn đánh giá luôn cả chức năng phổi.
Về cấu tạo, cảm biến gồm 2 lớp silicon mỏng hoạt động như các điện cực, ở giữa là khoảng trống rộng chỉ 270 nanomet. Cảm biến có thể phân biệt những âm thanh và rung động bắt nguồn từ bên trong và từ bên ngoài cơ thể, đồng thời chuyển đổi âm thanh và rung động từ cơ thể thành những thông tin điện tử có thể đọc được để cung cấp thông tin về sức khỏe người dùng.
Những âm thanh mà cảm biến có thể nhận diện là nhịp tim, nhịp hô hấp và âm thanh phát ra từ phổi. Thiết bị còn có khả năng nhận biết hoạt động thể chất (như đi bộ) của người đeo và đồng bộ hóa hoạt động đó với dữ liệu từ tim/phổi để cung cấp thông tin tổng quát về sức khỏe. Nhóm sáng chế cho biết khi được hoàn thiện, cảm biến có thể giúp phát hiện một van tim bị trục trặc qua sự hỗn loạn trong lưu lượng máu, hoặc phát hiện khối u ung thư phát triển trong phổi khi nhận ra những âm thanh bất thường.
Chủ đề liên quan:
cảm biến Cảm biến theo dõi sức khỏe tim phổi sức khỏe theo dõi theo dõi sức khỏe Viện Công nghệ Georgia