Ngày 15/8, bác sĩ Lê Võ Minh Hương, Phòng Công tác Xã hội, Bệnh viện Từ Dũ (TP HCM), cho biết phụ nữ mang thai là đối tượng rất dễ bị tổn thương và nhạy cảm do những sự thay đổi sinh lý, tâm lý. Một số nghiên cứu đã chứng minh có sự liên quan giữa tâm lý, cảm xúc của người phụ nữ trong giai đoạn mang thai với em bé.
Có nhiều mức độ của tâm lý tiêu cực. Từ những căng thẳng tự nhiên (stress), trạng thái lo âu cho đến các rối loạn lo âu bệnh lý, trầm cảm và các bệnh đi kèm lo âu trầm cảm. Bác sĩ dẫn chứng, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những căng thẳng, trầm cảm trong lúc mang thai sẽ khiến thai nhi có nguy cơ bị tác động tiêu cực.
Cụ thể, trong quá trình thai nhi lớn lên, bé sẽ liên tục nhận được các tín hiệu từ mẹ. Đó không chỉ là âm thanh nhịp tim của mẹ hay bất kỳ bản nhạc nào người mẹ nghe, mà bé còn nhận được các tín hiệu hóa học qua nhau thai. Những thay đổi tiêu cực trong tâm lý thai phụ sẽ đưa đến sự gia tăng các hormone stress. Thông qua bánh nhau, các hormone này cũng tăng lên trong máu thai nhi khiến bé gặp phải những căng thẳng tương tự.
Trục nội tiết hạ đồi - tuyến yên - thượng thận được cho là có vai trò trong việc điều hòa cảm xúc ở người. Tâm lý tiêu cực kéo dài dẫn đến tình trạng rối loạn điều hòa trục này, biểu hiện bằng tình trạng tăng cortisol trong máu, dẫn đến tăng huyết áp và nhịp tim. Trong thai kỳ, bánh nhau cũng sản xuất các chất kích thích hoạt động của trục này. 10-20% cortisol truyền qua nhau thai, nếu cortisol tăng lâu dài sẽ gây ảnh hưởng không tốt đến quá trình phát triển não bộ của thai nhi.
Ngoài ra, cảm xúc tiêu cực của mẹ bầu khiến thai nhi có thể bị chậm tăng trưởng (suy dinh dưỡng) trong tử cung. Những cảm xúc tiêu cực gây ra tăng trở kháng (sức cản) động mạch tử cung, khiến dòng máu đến nuôi bào thai bị giảm. Hậu quả là thai nhi có thể bị chậm tăng trưởng trong tử cung và nguy cơ mẹ bị tiền sản giật.
Căng thẳng cũng gây ra những thay đổi về hệ vi sinh vật của cơ thể, trong đó có hệ vi sinh vật âm đạo. Những thai phụ thường xuyên gặp phải căng thẳng có tăng nguy cơ viêm âm đạo do vi khuẩn và nấm. Phổ vi sinh vật này có khả năng lây truyền dọc cho thai ở thời điểm chuyển dạ.
Tâm lý bà bầu tác động đến tâm trạng và tính cách của thai nhi. ảnh: yxj
Ngược lại, khi bạn cảm thấy khỏe khoắn, hài lòng, hạnh phúc, bạn có khả năng đối phó với căng thẳng, duy trì các mối quan hệ và tận hưởng cuộc sống tốt hơn, bác sĩ Hương cho hay. Tương tự, nếu thai phụ cảm thấy vui vẻ và bình tĩnh, em bé cũng sẽ phát triển trong một môi trường như vậy.
Từ trong bào thai em bé đã tiếp xúc và phản ứng lại với mọi thứ người mẹ trải qua, như âm thanh trong môi trường, không khí hít thở, thức ăn và cả cảm xúc người mẹ có. Phản ứng của trẻ thể hiện bằng những cử động trong tử cung.
Ngay từ khi mới sinh, những tương tác cảm xúc người mẹ có với em bé sẽ giúp định hình cách suy nghĩ, cảm nhận và hành vi của trẻ sau này. Những tương tác này cũng giúp tăng cường mối quan hệ tình cảm quan trọng giữa mẹ và con. Bên cạnh đó, sức khỏe tình cảm tốt giúp duy trì mối quan hệ tích cực với những đứa con lớn hơn và gia đình. Họ có thể giúp người mẹ vượt qua những thách thức khi thích nghi với một em bé mới.
Theo bác sĩ Hương, có giả thiết cho rằng trạng thái tâm lý của mẹ góp phần định hình kiểu tâm thần kinh và hành vi của con từ trong bào thai. Một số nghiên cứu đã chỉ ra kiểu ngủ, chuyển động và hoạt động của thai bị ảnh hưởng bởi tình trạng tâm lý của mẹ. Điều này gợi ý rằng tâm trạng của mẹ có tác động lên sự phát triển của hệ thần kinh trung ương thai nhi. Tuy nhiên từ những dữ liệu hiện có, vẫn còn tranh cãi rằng liệu trạng thái tâm lý của thai phụ có ảnh hưởng đến sự định hình hành vi, tâm thần kinh của trẻ từ giai đoạn mang thai hay không.
Để sinh được em bé khỏe mạnh, bác sĩ khuyến cáo gia đình cần hỗ trợ về mặt tâm lý cho phụ nữ mang thai. Đây là giai đoạn cơ thể người phụ nữ có nhiều xáo trộn, do đó họ khó tự mình kiểm soát cảm xúc. Sự quan tâm của gia đình sẽ giúp ích rất nhiều. Đồng thời, trong thai kỳ, thai phụ cần thăm khám đầy đủ để các bác sĩ đánh giá người mẹ có gặp rối loạn tâm thần kinh nào hay không. Việc chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời sẽ giảm nguy cơ mẹ và thai nhi gặp phải những ảnh hưởng xấu.
Bên cạnh đó, thai phụ nên có lối sống lành mạnh, chế độ ăn uống, rèn luyện và giải trí thích hợp. Hãy nói với bác sĩ các vấn đề bạn đang gặp phải. Bạn cũng nên tham gia các lớp học tiền sản và câu lạc bộ để chuẩn bị kiến thức thật tốt cho thai kỳ, hậu sản và nuôi con.
Chủ đề liên quan:
bà bầu Phổ biến kiến thức stress thai kỳ tâm trạng thai phụ Thường thức về sức khỏe