Tại cuộc họp báo hôm 22/3, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã kêu gọi các nhà sản xuất áp dụng mô hình của AstraZeneca để thúc đẩy nguồn cung vắc xin - một phần trong số này sẽ được dành cho chương trình chia sẻ vắc xin COVAX giúp tăng tốc việc tiêm chủng ở các nước đang phát triển.
Trong cuộc họp báo, ông Tedros nói: “Khoảng cách giữa số lượng vắc xin được sử dụng ở các nước giàu và số lượng được sử dụng thông qua chương trình COVAX đang tăng lên mỗi ngày”.
Theo Người đứng đầu WHO: "Việc phân phối vắc xin không công bằng không chỉ là gây phẫn nộ về mặt đạo đức mà còn tự chuốc lấy thất bại về mặt kinh tế và dịch tễ học".
Trước đó, AstraZeneca đã công bố dữ liệu tạm thời cho thấy vắc xin phát triển cùng Đại học Oxford - có hiệu quả 79% trong việc ngăn ngừa triệu chứng của bệnh COVID-19 và không làm tăng nguy cơ đông máu.
Nhà khoa học hàng đầu của WHO, Soumya Swaminathan, gọi đây là "vắc xin rất tốt cho mọi lứa tuổi". Các quan chức của WHO cũng cho biết, các quốc gia Châu Phi nhận được vắc xin thông qua chương trình COVAX đang tăng lên.
“Họ đã đặt ra rất nhiều câu hỏi nhưng nhu cầu về vắc xin là rất cao'' - cố vấn cấp cao của WHO Bruce Aylward nói. Ông Aylward cho hay, vẫn có khả năng COVAX sẽ đạt được mục tiêu quý 2 là cung cấp 300 triệu liều vắc xin COVID-19, nhưng cũng đồng thời thừa nhận "các vấn đề phát sinh" khi SKBioSciences và Viện Huyết thanh Ấn Độ gặp khó khăn trong việc đáp ứng các đơn đặt hàng của COVAX.
Ông Aylward nói: “Đơn giản là chúng tôi không thể nhận đủ vắc xin. Chúng tôi hy vọng cả hai công ty sẽ có thể mở rộng quy mô và theo kịp tốc độ giao hàng mà chúng tôi đang muốn hướng tới".
Nhiều quốc gia châu Á đang đẩy nhanh việc triển khai vắc-xin COVID-19 của AstraZeneca sau khi nhiều cơ quan, tổ chức tuyên bố vắc xin này an toàn và khuyến các cáo quốc gia tiếp tục tiêm vắc xin AstraZeneca. Đến nay chưa có bằng chứng cho thấy vắc-xin này có liên quan đến tình trạng cục máu đông.
Sau một thời gian ngắn tạm ngừng sử dụng, nhiều quốc gia châu Âu đã tiếp tục tiêm vắc-xin AstraZeneca trong các chương trình tiêm chủng, đặc biệt là sau khi Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu – EMA- cho biết vắc xin an toàn. Bên cạnh đó, có thêm nhiều nhà lãnh đạo các quốc gia tiêm vắc-xin AstraZeneca nhằm củng cố niềm tin của người dân vào vắc xin.
Vắc xin AstraZeneca là một trong những loại vắc xin COVID-19 đầu tiên được phát triển và tung ra thị trường với số lượng lớn, nó được coi là mũi nhọn chính trong các chương trình tiêm chủng ở hầu hết các nước đang phát triển.
Việc đình chỉ vắc xin ở một số quốc gia đã gây lo ngại về việc chậm triển khai tiêm chủng sẽ làm tổn hại đến cuộc chiến toàn cầu chống lại đại dịch, nhất là trong bối cảnh các ca nhiễm COVID-19 đang gia tăng ở một số quốc gia, tạo gánh nặng cho hệ thống chăm sóc sức khỏe và làm tổn thương nền kinh tế.
Thủ tướng Thái Lan là một trong những nhà lãnh đạo đầu tiên trong ở châu Á được tiêm vắc-xin AstraZeneca sau khi quốc gia nối lại hoạt động tiêm chủng sau khi tạm dừng triển khai vắc-xin trong một thời gian ngắn. Indonesia cũng nối lại sử dụng vắc xin này và khuyến cáo không sử dụng nó cho những người bị rối loạn đông máu.
Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, 68 tuổi, cũng được tiêm vắc xin AstraZenaca sau khi Chính phủ Hàn Quốc cho biết vắc xin có thể được sử dụng cho người lớn tuổi. Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng nhận được mũi tiêm vắc xin AstraZeneca ngừa COVID-19 liều đầu tiên vào tuần trước, ông cho biết, "không cảm thấy có gì khác lạ".
Cơ quan quản lý Cơ quan Dược phẩm Châu Âu cũng đã tuyên bố vắc-xin này có hiệu quả và không liên quan đến việc gia tăng nguy cơ đông máu nói chung.
Mặc dù một số quốc gia châu Âu còn nghi ngại vắc xin nhưng nhiều nước châu Á đang phụ thuộc rất nhiều vào vắc-xin AstraZeneca nhằm chấm dứt đại dịch. Nó đang đang được sử dụng trong các chương trình tiêm chủng ở Australia, Hàn Quốc, Philippines, Thái Lan và Ấn Độ…. Một số quốc gia có thể phải đối mặt với các vấn đề về thiếu nguồn cung.
Theo một nguồn tin của Reuters cho biết, Ấn Độ, quốc gia có tỷ lệ nhiễm COVID-19 cao nhất sau Mỹ và Brazil, đang trì hoãn việc cung cấp vắc-xin cho một số quốc gia bởi ngay trong nước vắc xin cũng đang thiếu hụt. Chính vì vậy, Viện Huyết thanh của Ấn Độ có thể trì hoãn việc cung cấp vắc xin cho Brazil, Arab Saudi, Morrocco bởi Ấn Độ đang phải đối mặt với làn sóng dịch lần thứ hai với việc gia tăng mạnh các ca bệnh.
Australia- quốc gia mới chỉ tiêm chủng cho 1% dân số, cũng đang đẩy nhanh quá trình tiêm chủng sau khi cơ quan quản lý dược phẩm của nước này phê duyệt CSL sản xuất vắc xin AstraZeneca tại địa phương. Trong vòng 3 tháng tới, CSL dự kiến sẽ sản xuất 1 triệu liều vắc-xin mỗi tuần.
(Theo Reuters)
Chủ đề liên quan:
nCoV Sức khỏe toàn dân sức khỏe việt nam Viêm phổi cấp virus corona Virus corona Virus corona