Bệnh thường gặp hôm nay

Bệnh thường gặp

Cắt khối u 42 kg ở chân giúp cô gái 25 tuổi thoát cảnh liệt giường

Sau nhiều năm chung sống với khối u khổng lồ ở chân trái, thắt lưng trái khoảng 40kg khiến cô gái 25 tuổi ở Ninh Bình phải gắn liền mọi sinh hoạt trên giường. Ngày 5/5/2020, sau 3 tháng chiến đấu với bệnh tật, lo lắng, đau đớn không chỉ với cô mà cả gia đình, cùng tập thể y bác sĩ bệnh viện Đại Học Y Hà Nội đã vỡ òa trong vui mừng hạnh phúc.

PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu Giám đốc Bệnh viện Đại Học Y chia sẻ về ca bệnh.

Khối u ở chân khổng lồ đeo bám cơ thể gần 20 năm

Theo lời kể của mẹ H. là con thứ 2 trong gia đình, khi sinh thì bé hoàn toàn bình thường nhưng khoảng  2 tháng tuổi, chị đã phát hiện thấy phần da của chân trái bé dày và sạm đen hơn so với chân phải.

Đến 8 tháng tuổi, cơ thể H bắt đầu xuất hiện các khối chảy xệ làm chân trái phì đại, lệch  và ngắn hơn so với bên còn lại.

Thấy thế gia đình đã đưa H đi khám ở nhiều bệnh viện lớn, hội chẩn với nhiều giáo sư nổi tiếng nhưng đều không được chẩn đoán rõ ràng và không được điều trị đặc hiệu. Để cho con đi học như bạn bè gia đình đã độn giày cho 2 chân bằng nhau.

Chân trái phì đại chiếm gần 2/3 trọng lượng cơ thể của cô gái trước khi mổ.

Nhớ lại thời gian đó mẹ của H cho biết, các khối u chảy xệ ở vùng chân trái lớn dần làm toàn bộ chân trái trở lên to khổng lồ, làm H. đi lại khó khăn, bệnh nhân chỉ học đến lớp 8 sau đó nghỉ học, ở nhà.

Và cũng từ đó H. di chuyển chậm chạp, khó khăn bằng cách chống khung kéo lết theo chân trái khổng lồ.

Đặc biệt từ năm 2011 đến nay H. nhiều lần ngã khiến cho H đã bị gẫy xương đùi trái, nhiều đợt hoại tử, tụ máu trong khối u. Chị Hằng mẹ của bệnh nhân H rưng rưng nước mắt kể lại, thương con gia đình đã đưa H đi nhiều nhiều bệnh viện lớn trên cả nước đều bị từ chối phẫu thuật với lý do ngoài khối u chân khổng lồ này, khối u còn lan trong ổ bụng và bệnh lý bao gồm cả cong vẹo cột sống, cơ thể suy kiệt, thiếu máu trầm trọng...

Theo lời chị Hằng đưa con đi nhiều bệnh viện lớn ở tỉnh và tuyến trung ương chị đều được các bác sĩ giải thích là không thể mổ được vì tình trạng này làm nguy cơ Tu vong trong mổ rất cao do nhiều nguy cơ như: mất máu,  khó khăn trong đặt ống nội khí quản và máy thở trong quá trình gây mê, nguy cơ hoại tử và chậm liền thương khi cắt bỏ khối khổng lồ này.

Kể từ đó bệnh nhân H. chấp nhận sống chung với cái chân khổng lồ và dần gắn liền mọi sinh hoạt trên giường, chị Hằng nói.

Ngày 3/2/2020  bệnh nhân H. đột ngột bị đau, chân trái mang khối u bị sưng nề nhiều kèm sốt cao, hoa mắt chóng mặt và được vào cấp cứu tại Bệnh viện Đại Học Y.

Theo TS. BS nội trú Đỗ Văn Minh- Phó Trưởng đơn vị Chấn thương Chỉnh hình và Y học Thể thao,  khi nhập viện, bệnh nhân H. trong tình trạng thiếu máu trầm trọng (hồng cầu 1.4 triệu), bệnh nhân bị gù vẹo cột sống, chân trái, thắt lưng trái phì đại khổng lồ ước chừng 40kg trong khi trọng lượng toàn bộ cơ thể 76kg, kèm theo nhiều nốt nhỏ trên khắp cơ thể.

Sau khi khám  lâm sàng các bác sĩ nghĩ nhiều đến u xơ thần kinh ngoại biên khổng lồ chân trái, mất chức năng chân trái, chảy máu và hoại tử trong khối u khổng lồ chân trái.

Kết quả chụp XQ cho thấy xương đùi trái gãy nhiều đoạn và tiêu chỏm xương đùi. Chụp cộng hưởng từ thấy nhiều khối u và khối máu tụ chiếm toàn bộ cẳng chân trái và lan lên tiểu khung.

Sau phẫu thuật, H. đã có thể tự đi lại bằng nạng, thoát khỏi tình trạng "nằm bệt giường" suốt thời gian dài.

5 giờ giải thoát khối u

Ngày 5/2/2020, bệnh nhân được hội chẩn toàn viện với các chuyên khoa gây mê hồi sức, chấn thương chỉnh hình, phẫu thuật tạo hình, chấn đoán hình ảnh, phẫu thuật tim mạch, phẫu thuật tiêu hóa, huyết học, tim mạch.

Các chuyên gia đứng đầu các chuyên ngành Bệnh viện Đại học Y Hà Nội thống nhất chẩn đoán đây là một trường hợp u xơ thần kinh ngoại biên khổng lồ toàn bộ chân trái lan lên tiểu khung.

Trong khi đó, bệnh nhân liên tục sốt và mất máu do khối u hoại tử và chảy máu, tình trạng nằm bệt giường do khối u cũng là nguy cơ gây tắc mạch, viêm phổi…làm bệnh nhân khó kéo dài cuộc sống.

Với nhiều khó khăn và nguy cơ nhưng với ước nguyện của bệnh nhân đã thúc đẩy lòng quyết tâm của  các y bác sĩ tìm mọi cách giải thoát khối u.

Theo Bs Minh, gần 20 năm bệnh nhân phải sinh hoạt tại giường với mơ ước được đi lại, được ngắm nhìn ánh nắng mặt trời bằng đôi chân của mình, làm sao mình hòa nhập được với cuộc sống.

Được giao lưu với bạn bè đây là khát khao của  của bệnh nhân khiến cho tất cả đội ngũ y bác sĩ của bệnh viện Đại Học Y Hà Nội quyết tâm bằng mọi giá giúp bệnh nhân thực hiện được ước mơ của mình.

Chia sẻ về ca bệnh, PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu Giám đốc Bệnh viện Đại Học Y cho biết, hình ảnh khiến tôi nhớ mãi ngày bệnh nhân H được gia đình đưa vào nhập viện, khi đó bệnh nhân được ngồi trên xe đẩy ở hành lang.

Khi nhìn thấy hình ảnh khối u khổng lồ ở chân to gần bằng người, lúc đó tôi mong muốn rất đơn giản làm sao giúp bé đỡ đau đớn, có thể đi lại.

Trong quá trình nằm viện, hàng ngày tôi đi qua phòng bệnh khi nhìn thấy H, tôi luôn thấy hình ảnh một cô bé đầy nghị lực, mỗi khi bệnh nhân cười khiến cho tôi cảm thấy yên tâm hơn.

Theo PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu, đây chỉ là giai đoạn đầu tiên nhưng khó khăn nhất, còn các vấn đề sau này như lắp chân giả, mổ cột sống giúp H đi lại bình thường thì đều nằm trong tầm tay của các bác sĩ Bệnh viện.

Vì  thế, các chuyên gia đã thảo luận cùng gia đình và quyết định phẫu thuật sớm.

Để đảm bảo máu truyền cho bệnh nhân,  bệnh viện đã chuẩn bị sẵn sàng 8 lít máu cùng nhóm và sử dụng hệ thống thu, lọc và truyền máu hoàn hồi (máu chảy ra được hút, lọc và truyền trở lại cho bệnh nhân) để tiết kiệm tối đa lượng máu mất.

Bệnh nhân cũng được ekip can thiệp mạch nút mạch đùi trái trước khi phẫu thuật để hạn chế chảy máu.

Ngày 19/02/2020 ca mổ được tiến hành với kíp phẫu thuật tạo hình do GS. Trần Thiết Sơn – Nguyên trưởng bộ môn Phẫu thuật Tạo hình ( Trường Đại Học Y Hà Nội)  đứng đầu phối hợp với chuyên khoa  phẫu thuật chấn thương chỉnh hình, phẫu thuật tim mạch. Sau 5 giờ, bệnh nhân được phẫu thuật tháo khớp háng trái, cắt bỏ toàn bộ chân trái cùng khối u, tạo hình mỏm cụt. Chân trái cùng khối u có khối lượng 42 kg.

Ngày 5/5 bệnh nhân được ra viện trong niềm vui mừng cùng tập thể y bác sĩ Bệnh viện Đại Học Y Hà Nội.

Sau mổ với sự quan tâm và chăm sóc của các y bác sĩ bệnh nhân đã tỉnh, được hồi sức tích cực, vết mổ khô sạch, mép vết mổ hồng.

Tuy nhiên, ngày thứ 7 sau mổ bệnh nhân có biểu hiện hoại tử vùng mông trái, tụ máu vùng thắt lưng trái / mỏm cụt đùi trái.

Ngày 26/2/2020 bệnh nhân được mổ cấp cứu lần 2 để lấy khối máu tụ, cầm máu vùng thắt lưng trái, cắt bỏ tổ chức hoại tử vùng mông, tạo hình lại mỏm cụt.

Ngày 5/5/ bệnh nhân được ra viện, tình  trạng sức khỏe ổn định, vết mổ tương đối ổn định, bệnh nhân đã có thể ngồi dậy, tự đi lại bằng nạng. Với gia đình và bệnh nhân, kết quả này như một giấc mơ.

Tại buổi ra viện, chị Hằng mẹ của H. nghẹn ngào nói, sau bao nhiêu năm chờ đợi, hy vọng chữa bệnh cho con, giúp con đi lại, tự sinh hoạt giải thoát cho con không phải nằm tại giường nay đã thành hiện thực. Gia đình chúng tôi thấy thật hạnh phúc, ngày hôm nay với chúng tôi như một giấc mơ kỳ diệu.

Khánh Mai

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khỏe đời sống (https://suckhoedoisong.vn/cat-khoi-u-42-kg-o-chan-giup-co-gai-25-tuoi-thoat-canh-liet-giuong-n173592.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY