Mangyte-Câu chuyện khá xúc động có thật mà tôi từng chứng kiến sau một đêm dài đưa người nhà đi cấp cứu tại bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung Ương.
Nếu bị ốm nằm viện, bạn sẽ thấy đêm dài bất tận và chỉ có một ước ao duy nhất: mong khỏi bệnh, về nhà và ngả lưng trên chiếc giường yên ả của mình.
Nhưng có một câu chuyện khá xúc động mà tôi sẽ kể cho bạn nghe sau đây. Câu chuyện có thật tôi từng chứng kiến sau một đêm dài đưa người nhà đi cấp cứu tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.
Đó là câu chuyện về một bệnh nhân không muốn khỏi bệnh vì sẽ phải rời bỏ khỏi chiếc
giường cấp cứu. Suốt mấy chục năm nay, ông cụ tên Nguyễn Văn Đức không được đặt lưng ngủ trên giường. Ông là người bán báo lang thang ở khắp các bến tàu, bến xe Hà Nội. Nghèo khổ, vô gia cư và cô độc không gia đình. Với ông, chiếc
giường cấp cứu trở thành chiếc giường êm ái, tuyệt vời nhất trong suốt quãng đời nhọc nhằn của ông từ trước tới nay.
Ước không khỏi bệnh để được nằm giường cấp cứu
Đưa người nhà vào bệnh viện cấp cứu, tôi bị ám ảnh khi chứng kiến toàn những trường hợp bệnh rất nặng và nguy kịch. Tiếng máy thở, tiếng điện tim, tiếng người bệnh kêu rên và nhiều tiếng thở dài của người nhà khiến ai cũng mang tâm lý lo sợ và muốn rời xa khỏi chốn này. Ấy vậy mà với cụ già 80 tuổi nằm ở một chiếc giường ngoài hành lang, cụ lại coi đây là chốn “thiên đường”.
Đêm dài và ngoài trời đổ mưa tầm tã, cơn mưa mang theo cái lạnh cuối thu se sắt. Tôi không thể chợp mắt nên đi một vòng quanh khu cấp cứu và thấy ngạc nhiên vì ngoài hành lang (phía gần cầu thang máy) vẫn có giường bệnh. Giường chỉ có một cụ già nằm chơ vơ không thấy người nhà trông nom, dáng người khô đét quay lưng vào phía tường nhìn rất tội nghiệp.
Hỏi thăm mấy người nhà đi chăm sóc bệnh nhân quanh đó mới biết, ông cụ là người đi lang thang rồi được một người đi đường thấy ông nằm ngoài vỉa hè nên thương tình đưa vào viện và để cụ lại đây vài ba hôm rồi. Những người nhà bệnh nhân quanh đó thấy hoàn cảnh của cụ như thế cũng thỉnh thoảng chia sẻ cho cụ ít thức ăn hoặc cơm cháo.
Nhìn quanh giường chỗ ông cụ nằm, tôi cũng thấy ngạc nhiên bởi giường ngoài hành lang nhưng vẫn có đầy đủ máy thở, máy điện tim, mặt tủ cá nhân thấy có một hộp sữa nhỏ và bịch bỉm cho người cao tuổi. Không có vẻ gì là một người vô gia cư, cô độc.
Đứng một lúc, bỗng thấy ông cụ ho húng hắng, tôi đến hỏi cụ vài câu. Cụ cũng khá nặng tai nhưng tỉnh táo và sắc mặt tinh nhanh. Thăm hỏi thì cụ kể, miệng móm mém, răng rụng gần hết: “Tôi là người đi lang thang bán báo dạo ở ga tàu và bến xe suốt mấy chục năm nay. Tôi người Huế, hơn 88 tuổi rồi, không gia đình và con cháu. Mấy hôm trước, tôi bị ốm, trải manh chiếu nằm vỉa hè, một người đi đường thương tình đã đưa tôi vào đây. Tôi ước gì cứ ốm để được nằm đây mãi thế này. Đời tôi, mấy chục năm nay không biết đến cái giường. Toàn gầm cầu, lề đường, bến xe qua đêm.”
Bát cháo thịt ngon nhất cuộc đời
Một lát sau có một tốp nữ điều dưỡng đi ngang giường ông cụ dừng lại và hỏi cụ đã ăn gì chưa, nếu chưa ăn gì thì các chị pha sữa cho cụ uống. Ba nữ điều dưỡng còn khá trẻ chỉ khoảng hơn 20 tuổi, nhìn biển tên, tôi chỉ biết tên các chị là Minh Hương, Huyền và Vân Anh.
Hỏi về trường hợp ông cụ, các chị cho biết: “Cụ bị tiểu đường biến chứng tăng huyết áp. Có một người đưa cụ vào đây rồi không quay lại nữa. Mấy ngày nay, vào phiên trực đi ngang qua giường, chúng tôi hay hỏi xem cụ có cần gì thì giúp. Cụ vẫn nhúc nhắc dìu đi lại được. Cụ đã nằm đây rồi không thể để cụ ở dơ được nên mấy chị em vẫn thay rửa giúp cụ, chăm sóc cụ như ông bà mình ở nhà”.
Các chị kể, đêm hôm mà ông cụ được đưa vào đây, lúc đó khuya lắm, biết ông cụ chưa được ăn gì, các chị đã đi mua cho cụ một bát cháo và xúc cho cụ ăn. Cụ có nói với mấy chị một câu: “Cảm ơn các chị, cháo thịt nóng và ngon. Từ trước tới nay, suốt cuộc đời bán báo dạo, tôi chưa bao giờ được ăn một bát cháo ngon như thế này”.
Chị Hương cho biết, sau khi biết hoàn cảnh của cụ, BS. Nguyễn Trung Cấp – Phó trưởng khoa cấp cứu nói với khoa bố trí giường cho cụ và mua cho cụ hộp sữa. Trước mắt, phải cấp cứu cho cụ. Cụ đã được đưa đến bệnh viện thì cụ cũng là một người bệnh cần cứu giúp như bao người khác. Không thể từ chối người bệnh được.
Nghe xong câu chuyện, tôi thấy ấm lòng và tin rằng quanh mình còn có nhiều người tốt. Những cử chỉ đẹp, đáng trân trọng như vậy nhưng ít được nói đến trên mặt báo mà chỉ thấy nhiều câu chuyện không hay về bác sĩ, y tá để rồi thấy bi quan và hoài nghi hơn về lòng tốt thời nay.
Suốt đêm đó, tôi vừa thầm mong cho ông cụ sớm khỏi bệnh nhưng lại cũng mong cho cụ mãi như bây giờ. Bởi nếu khỏi bệnh, cụ sẽ lại phải đi bán báo, ngủ ngoài lề đường và không còn được nằm trên chiếc giường êm ái như những ngày qua trong khoa cấp cứu của bệnh viện nữa rồi.
Thanh Loan