Tin y tế hôm nay

Tin y tế

CDC Hà Nội: Nguy cơ đến đâu khoanh vùng đến đó

Hà Nội xử lý các ổ dịch theo nguyên tắc nguy cơ đến đâu, khoanh đến đấy, không giãn cách, phong tỏa diện rộng như trước đây, theo lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC).

Một tháng chuyển sang chiến lược "thích ứng với Covid-19", Hà Nội ghi nhận thêm 1.429 ca nhiễm, không tính ca nhập cảnh - trung bình 50 ca một ngày. Đánh giá tình hình dịch, ông Khổng Minh Tuấn (Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hà Nội) cho rằng, F0 tại thành phố sẽ gia tăng. Ngoài ra, các ổ dịch lần này khó lường hơn vì ngoài số ca bệnh được ghi nhận, còn liên quan đến đặc điểm dân cư ở khu vực xảy ra dịch. Trước mắt, lực lượng y tế tiếp tục tăng cường, giám sát.

Tình hình dịch bệnh tại Hà Nội đang diễn biến phức tạp cũng được bà Trần Thị Nhị Hà (Giám đốc Sở Y tế) cho biết tại phiên thảo luận kỳ họp thứ hai Quốc hội khóa XV, ngày 10/11.

Hà nội đang xử trí 12 chùm ca nhiễm. ổ dịch phú vinh, an khánh, ít f0 nhất với 14 ca; nhiều nhất là ổ dịch bạch trữ, tiến thắng, gần 200 f0. một số ổ dịch có xu hướng gia tăng nhanh là ở phú đô, nam từ liêm. từ ngày 4/11 tới nay, sở y tế công bố hơn 50 ca covid-19 thuộc địa bàn này.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Y tế quận Nam Từ Liêm, cho rằng số F0 ở quận dự kiến tăng trong những ngày tới. Theo đánh giá phường Phú Đô hiện thuộc cấp độ dịch 3. Chính quyền khuyến cáo toàn bộ người dân phải tuân thủ 5K, khai báo y tế khi có biểu hiện ho sốt và tuân thủ mọi quy định về phòng chống dịch (tương ứng cấp độ 3).

Ông Anh Tuấn nhận định, ổ dịch tại phường Phú Đô có nguy cơ lây lan lớn do khu vực này nhiều ngõ ngách nhỏ hẹp, nhà san sát nhau, liền tường, dân cư đông đúc. Hơn nữa, Phú Đô trước đây là làng, người dân vẫn nương theo văn hóa làng xã, các hộ gia đình thường xuyên giao lưu, tiếp xúc.

"Việc tổ chức truy vết hiện rất khó khăn do người dân giao thương, gặp gỡ, đi lại tự do rất nhiều, bản thân họ đôi khi không thể nhớ hết đã tiếp xúc với ai nên nguy cơ lây nhiễm càng lớn", ông Tuấn cho biết.

Lực lượng chức năng đã phong tỏa các địa điểm liên quan ca Covid-19, gồm 6 ngõ thuộc 3 tổ dân phố (tổ 1, tổ 5 và tổ 6) với 280 hộ dân và khoảng 1.350 cư dân; lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ người trong khu phong tỏa. Đặc biệt, tiếp tục lấy mẫu người thuộc diện nguy cơ cao ở các ngõ, ngách khác - những đối tượng có khả năng đã tiếp xúc với nhiều người. Đến nay, tổng số mẫu đã lấy của F1, người trong khu vực phong tỏa và người thuộc diện nguy cơ trên địa bàn là trên 2.000.

"Sau khi có kết quả xét nghiệm, chúng tôi sẽ đánh giá lại nguy cơ. Nếu tiếp tục phát hiện F0 cộng đồng, có thể sẽ mở rộng quy mô, xét nghiệm sàng lọc toàn phường Phú Đô", ông Anh Tuấn nói.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm cho người dân tại Hà Nội. Ảnh: Ngọc Thành

Về biện pháp chống dịch, Hà Nội linh hoạt xử lý các ổ dịch theo nguyên tắc "nguy cơ đến đâu, khoanh đến đấy". Thành phố sẽ không giãn cách, phong tỏa diện rộng như trước đây. "Xác định sống chung với dịch bệnh thì số ca mắc tăng là điều khó tránh khỏi", PGS TS Nguyễn Việt Hùng (Phó Chủ tịch Hội kiểm soát Nhiễm khuẩn Hà Nội), nói. Theo ông, Hà Nội là nơi có sự giao thương lớn và đông người, một khi đã nới lỏng các biện pháp giãn cách thì sẽ rất dễ lây lan mầm bệnh. Chưa kể, lượng người trở về từ vùng dịch lớn và virus vẫn âm thầm lây lan trong cộng đồng.

Chính quyền dựa vào đánh giá nguy cơ ở từng nơi để phong tỏa theo chỉ định chuyên môn, mục tiêu vừa phòng chống dịch, vừa đảm bảo an sinh xã hội cho người dân. Ví dụ, tùy mối liên hệ, diện giao tiếp, sinh hoạt... của F0, vùng phong tỏa sẽ được mở rộng hay thu hẹp, có thể chỉ một tầng trong tòa nhà, một số hộ dân lân cận thay vì diện rộng như trước đây.

Theo các chuyên gia, ngoài 5K, vaccine, thành phố cần sớm có biện pháp để cách ly tại nhà cho F0, F1. Đặc biệt, cách ly tại nhà F0 triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng giúp giảm tải áp lực lên y tế tuyến đầu; tương tự với F1 sẽ giảm tốn kém và tâm lý cho người dân. Nhiều gia đình tại Hà Nội đủ điều kiện và cơ sở vật chất để đáp ứng yêu cầu này.

Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, Bộ Y tế, trong một bài phỏng vấn gần đây cũng cho rằng Hà Nội nên tính tới phương án cách ly tại nhà sớm, không nên kiên trì cách ly tập trung, rút kinh nghiệm các tỉnh có dịch bùng phát mạnh. Nguyên nhân là thành phố liên tiếp xuất hiện các ổ dịch mới, số ca nhiễm gia tăng trong một tuần trở lại đây khi thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. F1 tăng nhiều khi số F0 cao dẫn tới cơ sở cách ly tập trung hết chỗ. Thêm vào đó, duy trì cách ly tập trung sẽ khiến các cơ sở bị quá tải, có nguy cơ lây nhiễm chéo.

Tuy nhiên, theo ông Khổng Minh Tuấn, thành phố hiện chưa có chủ trương này. Ông cho biết, Hà Nội vẫn có đủ nguồn lực để cách ly và điều trị tập trung F1 và F0. "Chỉ khi nào số lượng F0, F1 tăng vượt quá khả năng, chúng ta mới tính đến phương án cách ly F1 và F0 không triệu chứng tại nhà", ông cho hay.

Tổng số F0 tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4) là 5.466 ca trong đó số F0 ghi nhận trong cộng đồng là 2.156 ca, số F0 là đối tượng đã được cách ly là 3.310 ca.

Thúy Quỳnh - Thùy An

Mạng Y Tế
Nguồn: Vnexpress (https://vnexpress.net/cdc-ha-noi-nguy-co-den-dau-khoanh-vung-den-do-4384432.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY