Huyết áp , Tim mạch hôm nay

Chặn nguy cơ lây lan dịch COVID-19 trong chuỗi cung ứng hàng hoá

Cùng với việc đảm bảo cung ứng hàng hóa cho người dân, nhất là các địa phương đang có dịch, các Bộ ngành đang khẩn trương rà soát lại các quy định phòng, chống dịch COVID-19 đối với hệ thống chợ đầu mối, chợ dân sinh, cửa hàng, siêu thị…

Cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu trong mọi tình huống

Văn phòng Chính phủ vừa có công văn truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về việc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong các chuỗi cung ứng hàng hoá.

Theo đó, những ngày qua xuất hiện tình trạng lây nhiễm COVID-19 trong hệ thống phân phối tại thành phố Hà Nội và một số địa phương. Đây là một trong những nguy cơ lớn có thể làm bùng phát dịch trên diện rộng.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải rà soát lại các quy định phòng, chống dịch COVID-19 đối với hệ thống chợ đầu mối, chợ dân sinh, cửa hàng, siêu thị… (đặc biệt ở các khu đô thị có đông dân cư); có chỉ đạo, hướng dẫn phù hợp với tình hình mới.

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra đảm bảo tổ chức, vận hành hệ thống chợ, siêu thị an toàn. Đối với các khu vực đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ cần chú trọng tổ chức các điểm phân phối ngoài không gian mở, đảm bảo khoảng cách tiếp xúc.

Ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch COVID-19 trong chuỗi cung ứng hàng hóa - Ảnh 1.

Người dân mua hàng hóa tại siêu thị. Ảnh: Cao Tuân

Đối với việc cung cấp hàng hóa cho khu vực phong toả, khu vực cách ly... nhiều địa phương đã triển khai các giải pháp giúp đỡ người dân tiếp cận nguồn hàng như: Đi chợ giúp dân, tiếp nhận hàng từ các mạnh thường quân, tổ chức các phiên chợ mini 0 đồng…

Trong khi đó, Bộ Công thương đặt ra các nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm trong thời gian tới gồm: Cung ứng hàng hóa thiết yếu, phục vụ cho nhu cầu của người dân trên cả nước, nhất là đối với những địa phương đang có dịch, đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ; vừa thúc đẩy sản xuất công nghiệp, duy trì thực hiện "mục tiêu kép" vừa đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh…

Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải giao Vụ Thị trường trong nước phải xây dựng các kịch bản cung ứng hàng hóa tương đương với các cấp độ của dịch bệnh. Trong mọi tình huống, phải đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu cho người dân cả nước, nhất là ở các địa phương có dịch và đang thực hiện giãn cách xã hội.

Hà Nội chủ động tìm nguồn hàng, nhà cung ứng thực phẩm thay thế

Tại Hà Nội, việc Công ty TNHH cung ứng thực phẩm Thanh Nga, đơn vị cung cấp nguồn hàng cho hệ thống siêu thị Vinmart và Vinmart+ và một số chợ truyền thống, chợ đầu mối có các ca nhiễm virus SARS-CoV-2 đã ảnh hưởng đến việc cung ứng, kinh doanh tại một số cơ sở kinh doanh hàng hóa thực phẩm thiết yếu trên địa bàn thành phố.

Để đảm bảo công tác phòng chống dịch COVID-19 cũng như nguồn hàng hóa thực phẩm phục vụ nhân dân, do đã có kinh nghiệm từ các đợt dịch trước, Sở Công Thương TP Hà Nội đã có chỉ đạo các doanh nghiệp phân phối và có các phương án bảo đảm duy trì cung ứng hàng hóa trong các tình huống.

Theo Sở Công Thương TP Hà Nội, thành phố sẽ có 7.866 điểm bán hàng hóa thiết yếu và 455 chợ truyền thống đặt tại các quận, huyện của thành phố, nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân Thủ đô trong thời gian áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 17/CT-UBND ngày 23/7/2021.

"Hiện các nhà phân phối trên địa bàn đã chủ động tìm nguồn hàng, nhà cung ứng thực phẩm thay thế, do đó nguồn cung hàng hóa, nhất là các mặt hàng thực phẩm trên địa bàn TP Hà Nội vẫn được bảo đảm", đại diện Sở Công Thương TP Hà Nội cho biết.

Ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch COVID-19 trong chuỗi cung ứng hàng hóa - Ảnh 3.

Phiếu đi chợ được phát theo ngày chẵn - lẻ, mua sắm theo khung giờ quy định và mỗi phiếu chỉ dành cho một người ra ngoài, sử dụng một lần vào chợ... đang được Hà Nội áp dụng để phòng chống dịch bệnh. Ảnh: Cao Tuân

Thực tế hiện nay, tại hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi của các doanh nghiệp phân phối (ngoài một số điểm bán hàng của Vincomerce gồm 8 siêu thị Vinmart và 15 cửa hàng Vinmart+ đang tạm dừng hoạt động để xử lý các biện pháp phòng chống dịch đã được Công ty Vincomerce công bố cụ thể), hoạt động kinh doanh của các đơn vị khác vẫn diễn ra bình thường, hàng hóa vẫn được cung ứng an toàn và luôn được bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu mua sắm của người dân với giá bán ổn định.

Tại các chợ truyền thống trên địa bàn thành phố, nguồn cung hàng hóa thực phẩm vẫn ổn định, giá hàng hóa không có biến động bất thường (một số loại thực phẩm tươi sống giá có tăng nhẹ trong vài ngày vừa qua do chi phí vận chuyển tăng, nhu cầu tăng do người dân chỉ được đi chợ 2-3 lần/tuần theo phiếu đi chợ đã được phát nên mỗi người thường mua số lượng thức ăn nhiều cho vài ngày). Nhìn chung, năng lực cung ứng hàng hóa tại các chợ vẫn được duy trì tốt, người dân vẫn dễ dàng tiếp cận với nguồn hàng.

    Phong tỏa chợ đầu mối lớn nhất Thủ đô

  • Bộ Y tế hỏa tốc hướng dẫn phòng chống dịch COVID-19 tại chợ đầu mối, bán lẻ khi áp dụng Chỉ thị 16

Bên cạnh đó, thời gian vừa qua, các siêu thị cũng đẩy mạnh bán hàng online. Trong tuần đầu tiên thực hiện giãn cách xã hội, các siêu thị đã cung ứng cho các đơn mua hàng online của người dân tăng gấp từ 2-5 lần so với những ngày trước đó.

Ngoài ra, để bảo đảm an toàn dịch bệnh, duy trì nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho TP Hà Nội, Sở Công Thương Hà Nội chỉ đạo các cơ sở kinh doanh hàng hóa, thực phẩm thiết yếu tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn, phòng, chống dịch bệnh COVID-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Bộ Công Thương; triển khai các biện pháp phun khử khuẩn, các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19 để sớm mở cửa trở lại các chợ, các cơ sở bán lẻ đã bị đóng cửa do có ca nhiễm bệnh.

Các doanh nghiệp phân phối đều có phương án bố trí các điểm bán hàng, các phương thức bán hàng bổ sung, lưu động có kiểm soát an toàn dịch bệnh, thay thế cho các cơ sở bán hàng thiết yếu đã bị đóng cửa do dịch bệnh COVID-19. Rà soát kế hoạch cung ứng hàng hóa thiết yếu để điều chỉnh, bổ sung phương án (nếu cần thiết) nhằm bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho người dân trong mọi tình huống…

Hiện Hà Nội có 4 khu chợ đầu mối bị phong tỏa vì liên quan tới các ca mắc COVID-19, bao gồm chợ đầu mối phía Nam, chợ Long Biên, chợ Đồng Xa và chợ Phùng Khoang.

Cao Tuân

Nguồn: suckhoedoisong.vn

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khỏe toàn dân (http://suckhoetoandan.vn/p/610b6a37f8ec6e9fcb729465)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY