Bệnh ung thư hôm nay

Chế độ ăn sau phẫu thuật ung thư dạ dày

Bệnh nhân sau phẫu thuật dạ dày không nên ăn ngay lập tức, tránh đồ cay, nóng và một số thực phẩm có nguy cơ gây hại.

Theo Thạc sĩ, Dược sĩ Nguyễn Thị Vũ Thành, Chuyên gia y tế công cộng Quỹ toàn cầu, dạ dày đảm nhiệm nhiều chức năng quan trọng trong tiêu hóa. Sau phẫu thuật, dạ dày yếu đi, vì vậy bệnh nhân cần lưu ý chế độ ăn để không tạo gánh nặng cho phần còn lại của dạ dày.

Không nên ăn ngay sau phẫu thuật

Sau phẫu thuật, người bệnh thường được cung cấp chất dinh dưỡng bằng dịch truyền do chưa có nhu động ruột. Sau đó, việc cho người bệnh ăn bằng cách nào, thời điểm bắt đầu ăn lại được sẽ phụ thuộc vào tình trạng bệnh lý và phương pháp phẫu thuật.

Sau khi tháo ống thông, bệnh nhân có thể uống nước, mỗi lẫn từ 4 - 6 thìa canh, cách nhau 2 tiếng. Tiếp theo có thể tăng lên 50 - 80ml mỗi lần nếu không có phản ứng bất thường. Ngày thứ ba có thể ăn 100 - 150ml mỗi lần thức ăn lỏng, loãng (cháo, súp, canh) và tăng mức độ đặc dần.

Bổ sung protein, rau xanh

Các thức ăn giàu protein từ thịt, cá, trứng, đạm thực vật... sẽ giúp quá trình hồi phục sau phẫu thuật của người bệnh nhanh hơn, tiêu hóa chậm và ngăn ngừa tiêu chảy. Rau xanh cung cấp vitamin và khoáng chất để chống thiếu máu, thiếu chất sau phẫu thuật. Tuy nhiên rau cần được nấu chín, không nên ăn sống.

Không nên ăn đồ cay, nóng

Thức ăn cay nóng có thể làm loét vết mổ, rất nguy hiểm vào thời điểm vết mổ còn mới, đang trong quá trình phục hồi. Người bệnh không nên ăn đồ cay nóng vì chúng còn có thể làm cho bệnh đau dạ dày mãn tính, loét dạ dày và viêm thực quản trầm trọng hơn.

Tránh thực phẩm nhiều đường

Thức ăn nhiều đường có thể gây tiêu chảy do làm phân di chuyển quá nhanh đến ruột già và nhiều triệu chứng bất thường khác. Bệnh nhân sau phẫu thuật cần hạn chế đồ ngọt, đặc biệt các đồ chứa nhiều đường công nghiệp.

Không ăn thực phẩm lên men

Các thực phẩm lên men như: Dưa muối, cà muối, kim chi... có chứa nhiều men vi sinh sống mà những người sau phẫu thuật cần tránh. Men vi sinh sống sẽ kích thích tiêu hóa, gây tiêu chảy, nhiễm trùng.

Không dùng chất kích thích

Chất kích thích như rượu, bia, đồ uống có cồn, cà phê người bệnh không dùng để tránh kích ứng, buồn nôn và ảnh hưởng tiêu cực đến các loại Thu*c dùng sau phẫu thuật.

Thực phẩm chế biến sẵn, đồ ăn nhanh

Thức ăn chế biến sẵn, đồ ăn nhanh chứa nhiều chất béo bão hòa, chất phụ gia, chất bảo quản và nhiều chất hóa học khác không tốt cho sức khỏe. Người bệnh sau phẫu thuật không nên sử dụng, thay vào đó là các thực phẩm tươi, được chế biến kỹ lưỡng và ăn ngay sau khi nấu.

Tránh thực phẩm giàu chất béo

Thực phẩm giàu chất béo, đặc biệt là các chất béo bão hòa (chất béo xấu) đều khó tiêu hóa, làm tăng cholesterol trong máu. Các thực phẩm giàu chất béo xấu gồm: Đồ chiên rán, các món xào, chế phẩm từ sữa, sữa béo, sô cô la... khi ăn nhiều có nguy cơ khó tiêu hoặc tiêu chảy.

Không ăn đồ ăn dạng rắn, cứng

Sau khi phẫu thuật dạ dày, bệnh nhân cần tránh thức ăn rắn, cứng như: Bánh mì, các loại đậu, lạc... vì c ơ thể cần một thời gian đủ dài để hồi phục và tiêu hóa được bình thường.

Ngoài việc cần lưu tâm đến chế độ ăn sau phẫu thuật ung thư dạ dày, bạn cần chú ý môi trường sống tránh các yếu tố độc hại, vận động nhẹ nhàng trong giới hạn sức của mình để nhanh hồi phục sức khỏe.

Cũng theo Thạc sĩ, Dược sĩ Nguyễn Thị Vũ Thành, bệnh nhân cần ăn ít, nhai kỹ, chia nhỏ bữa ăn trong ngày. Phẫu thuật ung thư mang tính triệt căn, nếu cắt bán phần thì chỉ còn một phần nhỏ dạ dày để thực hiện chức năng tiêu hóa. Lượng thức ăn nạp vào cần chia nhỏ để tránh hội chứng Dumping (thức ăn trôi xuống ruột non đột ngột) gây ra nhiều vấn đề về tiêu hóa. Để đảm bảo dinh dưỡng cho người bệnh nên tăng số bữa ăn lên nhiều lần (6-8 bữa mỗi ngày).

Đỗ Hiên

Mạng Y Tế
Nguồn: Vnexpress (https://vnexpress.net/suc-khoe/che-do-an-sau-phau-thuat-ung-thu-da-day-4085425.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY