Trước đây, N.M.T (SN 1980, ngụ huyện Bình Chánh) và C.V.V (ngụ huyện Bình Chánh) sống cùng xóm trọ. T. chạy xe ôm nuôi vợ và 3 con nhỏ. Anh V. chưa lập gia đình, chuyên chạy xe ba gác chở, đổ xà bần cho các công trình xây dựng. Thời gian sau, V. chuyển về sống chung với bác ruột. Do ở cách đó không xa nên rãnh rỗi, V. thường đến khu trọ cũ chơi.
Hôm đó, T. cùng 3 người khác chơi đánh bài tại một quán tạp hóa, mỗi ván ăn thua 2.000- 4.000 đồng. Ai thắng sẽ dùng số tiền đó mua nước cho cả nhóm uống chung. V. đến xem rồi chỉ cho một người phụ nữ cách đánh. Nghĩ như vậy là không công bằng, T. to tiếng chửi V. Sau đó, cả hai xảy ra cự cãi. Những người khác thấy vậy bỏ về phòng trọ của mình.
Song sự việc vẫn chưa dừng lại. Vì bực tức, T. quay về phòng trọ lấy dao đi đến quán tạp hóa rồi bất ngờ vung dao chém, anh V. đưa tay đỡ liền bị đứt lìa bàn tay. Sau nhát chém đó, T. bỏ về phòng. Người dân xung quanh đưa V. đi cấp cứu.
Phiên xét xử hôm đó, anh V. không đến dự. Cũng không có người thân nào của bị cáo đến. T. bị truy tố về tội "Giết người" với khung hình phạt từ 12-20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.
Không đồng ý với tội danh bị truy tố, bị cáo T. khai rất thân thiết với V. nên không có ý định giết người. Nghe T. nói, chủ tọa phiên tòa nghiêm giọng hỏi: "Bạn bè mà bị cáo cư xử như thế?".
T. lắp bắp: "Bị cáo nhỏ con… đánh không lại… nên muốn dùng dao dằn mặt cho hả giận… Nếu muốn giết bị hại, bị cáo đã chém thêm vài nhát… Bị cáo cũng không phải côn đồ, bị cáo chưa từng đánh nhau với ai hết"- T. nói, tay bấu vào hai ống quần, run bần bật.
Vị hội thẩm nhân dân nói tiếp: "Bị cáo cho rằng chỉ đánh cho hả giận nhưng thực tế nhát chém đã làm đứt lìa bàn tay bị hại, sau đó vẫn còn dư lực bập vào ngực anh V. Mâu thuẫn trước đó có đáng để làm thế không?". Bị cáo đáp: "Dạ thưa, không"- đầu cúi thấp.
Luật sư bào chữa chỉ định nói hậu quả xảy ra là gây thương tích cho bị hại, do đó đề nghị HĐXX tuyên bị cáo không phạm tội giết người, chỉ phạm tội cố ý gây thương tích.
Đại diện VKSND cho rằng về ý thức, bị cáo đã về nhà lấy dao để chém bị hại. Về hành vi, việc dùng dao chém mạnh gây thương tích cho bị hại là rất nguy hiểm. Sau đó, bị cáo còn bỏ đi, bỏ mặt hậu quả xảy ra. Do đó, truy tố tội "Giết người" là có cơ sở và đúng pháp luật.
Sau giờ nghị án, bị cáo vẫn một mực phân trần không cố ý giết V., HĐXX nêu nhận định chỉ vì một mâu thuẫn nhỏ nhưng bị cáo đã có ý chí và quyết tâm phạm tội nhằm tước đoạt tính mạng của người bị hại. Từ đó, tuyên phạt bị cáo N.M.T 12 năm tù về tội "Giết người".
Trước đó, trong phiên xét xử, một vị hội thẩm nhân dân đã thông tin cho T. biết hiện tại, V. không còn chạy xe ba gác được nữa mà phải sống bằng nghề bán vé số. Bị cáo nói bản thân rất hối hận về những việc đã gây ra. T. đồng ý sẽ bồi thường cho V. 100 triệu đồng theo yêu cầu trước đó của bị hại. Nhưng xin được… trả góp.
Bị cáo khai, hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Con lớn của bị cáo (SN 2014) vừa mất vì bệnh hiểm nghèo. Khi bị cáo bị tạm giam, vợ con đã chuyển đi nơi khác sinh sống, đến nay không còn liên lạc được nữa. Bị cáo chỉ còn một mẹ già.
Thời gian chấp hành án sắp tới, bị cáo sẽ cố gắng lao động để gom góp tiền bồi thường cho V. Khi được hỏi làm như vậy đến bao giờ mới trả nổi khoản tiền đó. T. cúi gầm mặt: "Bị cáo không dám hứa".
Sau phiên tòa, chúng tôi đã liên lạc với gia đình bị hại. Người bác ruột của V. cho biết bà là đại diện của bị hại. Vì dịch bệnh, không bán được vé số, V. đã về lại quê nhà ở tỉnh An Giang sinh sống. Cha mất, V. sớm phải nghỉ học để lao động, phụ mẹ nuôi các em nhưng bây giờ tay V. cũng không còn cử động được nữa.
Nghe chúng tôi nhắc đến bản án tòa đã tuyên bị cáo, bà chua xót nói: "Nghĩ mà tức cho thằng T. lắm, chuyện không đáng lại xé ra to. Nhưng mà chuyện cũng lỡ rồi, nó còn trẻ khỏe mà phải đi tù đến 12 năm, nghĩ cũng tội nghiệp quá. Tôi sắp xếp việc nhà ổn thỏa, sẽ đi hỏi người ta cách làm thủ tục bãi nại cho nó". Nhắc về tiền bồi thường, bà cười xòa: "Thôi, nó làm gì có tiền mà trả".
Chủ đề liên quan:
Bình Chánh chạy xe ôm chém lìa tay người chạy xe ba gác chém lìa tay người bạn chạy xe ba gác Trần Thái vụ án xe ôm