48 thầy cô giảng dạy trong các cơ sở giáo dục chuyên biệt, trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập và trung tâm bảo trợ xã hội là những tấm gương âm thầm và lặng lẽ cống hiến, từng ngày nâng ước mơ cho những đứa trẻ trên chặng đường hòa nhập cộng đồng.
Chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" do Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Bộ Giáo dục - Đào tạo, Bộ Lao - Thương binh - Xã hội tổ chức. Trong 3 năm qua, Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” đã tuyên dương 166 thầy giáo, cô giáo công tác tại các trường học điểm lẻ tại 64 huyện nghèo; Các trường học nằm trên đảo thuộc các huyện đảo và các đơn vị hành chính cấp huyện có xã đảo và các cán bộ chiến sĩ Bộ đội Biên phòng làm công tác dạy học giúp đỡ đến trường. Năm 2018, đối tượng tuyên dương là các giáo viên đang dạy khuyết tật.Mỗi thầy giáo, cô giáo được tuyên dương được nhận 01 sổ tiết kiệm trị giá 10 triệu đồng và Bằng khen của TƯ Hội LHTNVN, Bộ GD& ĐT và nhiều phần thưởng có ý nghĩa khác.
Câu chuyện về thầy Võ Duy Quang (27 tuổi, giáo viên Trường Khiếm thính Lâm Đồng) khiến cả hội trường rưng rưng. Không may mắn khi bị khiếm thính từ nhỏ, hành trình để thực hiện ước mơ trở thành một nhà giáo của thầy đong đầy mồ hôi và nước mắt."Ngọn nến nào cũng có thể thắp sáng, dù thẳng hay cong", khi nghĩ được như vậy, thầy Quang đã không cho phép mình bỏ cuộc. Và bây giờ, bằng sự đồng cảm, thầy lặng lẽ đi thắp sáng những ngọn nến cong khác, ở chính mái trường đã nuôi dưỡng ước mơ, để nối tiếp sự nghiệp của những người đã nâng bước mình trưởng thành.
Còn với cô Phạm Thị Thu Thanh (giáo viên Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, TPHCM), nếu được lựa chọn lại, cô vẫn sẽ chọn nghề giáo, đặc biệt được dạy dỗ những đứa trẻ đặc biệt. Dù cho ngày này 10 năm trước, cô đã khóc nấc khi cầm trên tay quyết định về công tác tại mái trường Nguyễn Đình Chiểu, thậm chí giấu bố mẹ vì sợ gia đình lo lắng. Chính tinh thần lạc quan và nghị lực vươn lên trở thành người có ích của các học trò khiếm thị là động lực để cô không từ bỏ công việc. Bằng cả nhiệt huyết và sự thông hiểu của mình, cô Thanh và nhiều giáo viên khác đã tiếp thêm nghị lực để các học trò chưa may mắn thêm tự tin, dám ước mơ và thực hiện mơ ước.
Thầy giáo Võ Duy Quang, thầy giáo khiếm thính đang dạy học tại trường nuôi dạy trẻ khiếm thính Lâm Đồng chia sẻ về công việc chuyên biệt của mình.
Thầy giáo Nguyễn Thái Dương - Trung tâm Hỗ trợ phát triển Giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật Đắk Lắk chia sẻ những khoảnh khắc vừa làm người thầy dạy chữ, vừa là người lao công dọn vệ sinh cho các em chậm phát triển...
Đến dự buổi Lễ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã gửi lời tri ân tới tất cả những người thầy cô giáo - Những người đã mang đến không chỉ là kiến thức mà còn cả tấm lòng, lẽ sống, ý thức vươn lên khó khăn trong cuộc sống và ý thức trách nhiệm với cộng đồng và đặc biệt là 48 giáo viên có nhiều cống hiến trong công tác giảng dạy cho học sinh khuyết tật. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam xúc động chia sẻ: Sự hy sinh của các thầy cô, dù nói bao nhiêu cũng không đủ. Ngoài nghị lực, sự kiện trì còn là tấm lòng hết sức bao la... Tất cả những tấm gương của thầy cô là sự nhắc nhở với cá nhân tôi và những người khác, là còn rất nhiều người thiệt thòi hơn mình nhưng vẫn luôn vươn lên trong cuộc sống. Nhiều thầy cô là người khuyết tật đã làm được những việc mà người bình thường chưa thể làm được. Hơn 1 triệu thầy cô trên cả nước đều vô cùng trân trọng và nhắc nhở mình phải cố gắng hơn nữa để hoàn thành sự nghiệp trồng người".
Phó Thủ tướng cũng cám ơn tất cả những tấm gương khuyết tật mặc dù thiệt thòi về thể chất, tinh thần nhưng đã nỗ lực vươn lên. Có nhiều người làm được những việc kể cả người lành lặn, khỏe mạnh, có điều kiện vô cùng thuận lợi vẫn không làm được. Không chỉ trong học tập, hoạt động xã hội mà còn cả trong lĩnh vực thể thao. Nhiều người trong số họ đã làm cho thế giới biết hơn về đất nước của chúng ta.
Cũng theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam hiện nhiều trường học bình thường đã đón các cháu khuyết tật hòa nhập và đây không chỉ là nỗ lực của thầy cô, mà còn cả phụ huynh và học sinh.Tuy nhiên, số trẻ khuyết tật đến trường hiện còn quá thấp : "Thực tế, trong 100 trẻ khuyết tật trong độ tuổi đi học mới có khoảng 6 trẻ được đến trường. Điều này là nội dung rất quan trọng trong việc đổi mới giáo dục trong thời gian tới” – Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
Anh Lê Quốc Phong - Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn thay mặt Đoàn Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam và các đơn vị tổ chức gửi lời chúc mừng và tri ân các thầy cô giáo trong cả nước nhân ngày 20.11.Anh Phong cho biết, theo thống kê của Bộ LĐ - TB - XH, hiện Việt Nam có trên 2,5 trẻ khuyết tật. Đó là những mầm non cần chăm sóc dạy, dạy dỗ với tất cả sự quan tâm và tình yêu thương, là những ước mơ cần nâng niu chắp cánh để có cơ hội bay cao, vượt qua những mặc cảm tự ti để tự tin hòa nhập, khẳng định bản thân và có những đóng góp tích cực cho xã hội, cho đất nước.
“Khi thực hiện chương trình, chúng tôi tự hỏi: vì sao lại lựa chọn con đường gian nan đến thế, có cả những thầy cô còn rất trẻ cả tuổi đời lẫn tuổi nghề. Chọn nghề giáo dạy học sinh khuyết tật vất vả bội phần và không chỉ là hy sinh của bản thân còn là sự cảm thông của gia đình, người thân. Chúng tôi tìm được câu trả lời từ chính các câu chuyện đời, câu chuyện nghề của các thầy cô giáo, bởi các thầy cô đều có chung một lẽ sống “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng gian khổ biết dành phần ai”, anh Phong cho biết.
Thanh Loan
Chủ đề liên quan:
chia sẻ chia sẻ cùng thầy cô 2018 học sinh Học sinh khuyết tật hội liên hiệp thanh niên việt nam khuyết tật thầy cô vinh danh vinh danh 48 thầy cô dạy học sinh khuyết tật