Huyết áp , Tim mạch hôm nay

Chống dịch xâm nhập bệnh viện: Sẵn sàng ứng phó trong tư thế chủ động

Dịch COVID-19 đang có những diễn biến phức tạp, số ca nhiễm mới đang gia tăng. Ở vị trí trọng yếu của công tác khám chữa bệnh tại phía Nam, các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM đã và đang triển khai những giải pháp quyết liệt, không để dịch bệnh xâm nhập.

Người dân phải thực hiện khai báo y tế trước khi vào bệnh viện

Chặn các “lỗ hổng” trong khai báo y tế

Chỉ tính riêng cơ sở 1, mỗi ngày BV Ung Bướu TP.HCM đã tiếp nhận hơn 3.000 lượt khám và điều trị các bệnh lý ung thư khác nhau. Bệnh nhân ở bệnh viện không chỉ đến từ TP.HCM mà còn từ nhiều địa phương khác nhau trên cả nước, kể cả những “điểm nóng” trong giai đoạn dịch bệnh.

Theo đó, ngay từ ban đầu, công tác phòng, chống dịch bệnh xâm nhập luôn là một trong những trọng tâm hàng đầu của bệnh viện.

TS.BS Diệp Bảo Tuấn – Phó giám đốc BV Ung Bướu cho biết, bệnh viện tiến hành triển khai khai báo y tế 3 vòng (gồm khai báo và giám sát khai báo y tế ở cổng vào; điều dưỡng kiểm soát tại lối vào các khoa; bác sĩ tham gia giám sát tại phòng khám) là phương án tăng cường giám sát khai báo y tế được bệnh viện triển khai, đảm bảo các “lá chắn” phòng chống dịch bệnh xâm nhập vào bệnh viện. Đặc biệt, sau thời gian nghỉ lễ vừa qua, lượng người dân nội thành di chuyển đến các tỉnh thành phố sau đó trở lại TP.HCM rất lớn, nguy cơ dịch bệnh bùng phát càng cao. Nếu chỉ dựa vào khai báo y tế từ cổng vào thì khó có thể nhận diện được tất cả các trường hợp nghi ngờ, nguy cơ “lọt” ca bệnh là điều có thể xảy ra.

Bác sĩ Lê Đức Lợi, một trong những bác sĩ trực tiếp khám cho bệnh nhân, cũng là người ở vị trí chốt chặn cuối cùng trong quy trình sàng lọc 3 vòng cho biết: Nếu bệnh nhân có đến các tỉnh thành được công bố ca bệnh COVID-19, ngay lập tức khoa sẽ “kích hoạt” các biện pháp tiếp theo. Cụ thể, sẽ chuyển người bệnh đến phòng cách ly của khoa. Báo cáo lên Ban giám đốc của bệnh viện để có biện pháp xác định lại, lấy mẫu xét nghiệm nếu cần. Trong quá trình chờ kết quả xét nghiệm, người bệnh vẫn được khám, điều trị theo phác đồ.

Nhân viên y tế tiếp tục đo thân nhiệt và kiểm tra thông tin dịch tễ của người dân

Cùng quan điểm trên, BS.CKII Võ Hồng Minh Phước - Trưởng phòng Kế hoạch -Tổng hợp, BV Ung Bướu cũng chia sẻ, trước đó, thời điểm dịch bệnh bùng phát tại Đà Nẵng (đợt dịch cuối tháng 7-8/2020), bệnh viện đã kịp thời phát hiện nhiều trường hợp khai báo y tế thiếu trung thực. Điển hình, một bệnh nhân đến Đà Nẵng, khám bệnh tại BV Đà Nẵng trong thời gian dịch bệnh. Sau đó, bệnh nhân trở lại TP.HCM, đến BV Ung Bướu khám, khai báo y tế không trung thực. Khi vào đến khoa Khám bệnh, các bác sĩ kiểm tra các kết quả chụp chiếu, xác định được thực hiện tại BV Đà Nẵng. Ngay sau đó, bệnh nhân được cách ly, toàn khoa và bệnh viện khẩn trương các biện pháp chống dịch. May mắn, kết quả xét nghiệm bệnh nhân không mang mầm bệnh.

Bác sĩ khám bệnh là chốt chặn thứ 3 trong hệ thống khai báo y tế tại bệnh viện Ung Bướu TP.HCM

Nâng cao chất lượng điều trị và dồn lực phòng, chống dịch

Tại BV Thống Nhất, bệnh viện tuyến cuối có đối tượng khám, chữa bệnh chủ yếu là người cao tuổi, có nhiều bệnh lý nền kèm theo. Hệ miễn dịch yếu là một trong những nhóm đối tượng có nguy cơ cao, do đó công tác phòng chống dịch bệnh xâm nhập cũng được triển khai với sự huy động toàn lực.

Sàng lọc và đo thân nhiệt tại Bệnh viện Thống Nhất

PGS.TS Lê Đình Thanh – Giám đốc BV Thống Nhất cho biết, ngoài việc nâng cao chất lượng điều trị thì việc đảm bảo phòng, chống dịch bệnh xâm nhập đang được bệnh viện quan tâm. Cụ thể, bệnh viện đang dồn lực tổ chức phân luồng, đo nhiệt độ, khai báo y tế, trang bị dung dịch sát khuẩn tại cổng, khoa, khu vực hành lang…

Hơn 1.200 máy rửa tay tự động đã được trang bị để phục vụ công tác phòng, chống dịch trong bệnh viện. Đặc biệt, bệnh viện vừa trang bị thiết bị robot đa năng tích hợp khử khuẩn, đo thân nhiệt, rửa tay tự động ngay tại cổng vào, nhằm giảm thiểu khả năng lây nhiễm cho cán bộ y tế và người khám bệnh khi tiếp xúc gần.

Bệnh viện cũng đang ứng dụng robot vận chuyển tự động thức ăn, nước uống và vật dụng trong khu cách ly tránh tiếp xúc gần, giảm khả năng lây nhiễm chéo cho nhân viên y tế trong trường hợp có ca bệnh.

Tổ chức xét nghiệm định kỳ, thường xuyên cho hơn 1.300 cán bộ, viên chức của bệnh viện, cho đến nay tất cả kết quả đều âm tính.

Để chủ động bảo vệ đội ngũ y bác sĩ, đến nay bệnh viện đã tổ chức tiêm vắc xin ngừa COVID-19 mũi đầu tiên cho 1.020 cán bộ, viên chức theo số lượng phân bổ. Bệnh viện sẽ tiếp tục tiêm vắc xin cho nhân viên y tế trong thời gian tới.

Các bệnh viện cũng đã triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 theo kế hoạch

Rà soát toàn diện, sẵn sàng kịch bản

Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, Sở Y tế TP đã yêu cầu tất cả bệnh viện nghiêm túc tổ chức rà soát, đánh giá và đánh giá lại mức đạt của các bệnh viện theo “Bộ tiêu chí bệnh viện an toàn phòng chống dịch COVID-19 và các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp” của Bộ Y tế cũng như các quy định về phòng, chống dịch.

Các bệnh viện cần chủ động tổ chức lớp đào tạo, đào tạo lại cho bác sĩ, điều dưỡng về khai thác yếu tố dịch tễ, khám sàng lọc, phân luồng, cách ly người bệnh, lấy mẫu xét nghiệm; cập nhật các phác đồ điều trị liên quan đến viêm đường hô hấp cấp do SARS-CoV-2 do Bộ Y tế ban hành.

Nâng cao năng lực về hồi sức tích cực trong hô hấp, điều trị ca bệnh nặng. Kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng lây nhiễm dịch bệnh; tổ chức diễn tập các tình huống cần truy vết người có liên quan; người tiếp xúc với ca bệnh nghi ngờ; tình huống cần phong tỏa một khoa…

Hoài Thương - Phúc Võ

Nguồn: suckhoedoisong.vn

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khỏe toàn dân (http://suckhoetoandan.vn/p/6094d2baf8ec6ebdb637f752)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY