Kinh tế xã hội hôm nay

Chủ tịch PNJ: Để chủ động ứng phó với Covid, doanh nghiệp phải nhìn vào kịch bản xấu nhất!

Việc đầu tiên của các doanh nghiệp, theo bà Cao Thị Ngọc Dung – Chủ tịch PNJ, là phải xác định rằng, chắc chắn mình sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực, bởi đại dịch Covid-19. Bước tiếp theo là soạn thảo ra từng kịch bản cụ thể để đối phó với tất cả diễn tiến của dịch bệnh, cuối cùng mới là siết lại các hoạt động như chuyển đổi số.

Dịch bệnh sẽ tác động sâu – rộng lên tất cả ngành nghề và doanh nghiệp, trừ ngành y tế cùng nhu yếu phẩm

"Sau 3 tuần lễ thực hiện giãn cách xã hội, theo quan sát của tôi, không doanh nghiệp nào có thể đứng ngoài cuộc khủng hoảng, dù đó là tập đoàn lớn hay SMEs. Khủng hoảng lần này sẽ rất khác những lần trước, nên nếu các doanh nghiệp vẫn lạc quan và chủ quan là không tốt.

Minh chứng rõ nhất: đầu tháng 3, khi Chính phủ khuyến khích người dân giãn cách xã hội, thì gần như hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp - trừ ngành y tế và nhu yếu phẩm hằng ngày, đều đứng lại.

Doanh thu của doanh nghiệp vào cuối tháng so với đầu tháng rớt theo cấp số nhân chứ không phải cấp số cộng, tức là chỉ có tiền chi ra không có tiền thu vào", bà Cao Thị Ngọc Dung khẳng định trong Hội thảo trực tuyến với chủ đề Cú đấm vào nền kinh tế và doanh nghiệp Việt Nam.

Theo bà Dung, sở dĩ bà phải nhấn mạnh đến điều nói trên đầu tiên là bởi không ít doanh nhân vẫn đang ngó lơ dịch bệnh Covid-19, vì nghĩ nó rồi cũng sẽ qua nhanh và nền kinh tế Việt Nam sẽ nhanh hồi phục như các khủng hoảng trước đây.

Năm 2008, khi khủng hoảng tài chính diễn ra, Việt Nam chưa là nền kinh tế mở như bây giờ và chúng ta cũng không nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu; lúc đó, hầu hết chúng ta có nghe nói và tác động của khủng hoảng 2008 lên các doanh nghiệp lớn chưa là gì cả.

Ngoài ra, trong 3 năm trở đây, doanh nghiệp Việt và từng cá nhân đang có sự phát triển rất tốt nên họ khá hưng phấn, kéo theo có sự chủ quan nhất định.

"Theo các thống kê gần đây, trong quý I/2020, nền kinh tế Việt Nam vẫn có sự tăng trưởng, nhưng đó là nhờ dư địa của cuối năm 2019 và thường mùa cao điểm trong năm của ngành bán lẻ là sau Tết Nguyên Đán.

Khi dịch bệnh bắt đầu tàn phá Trung Quốc từ cuối tháng 12 Âm và đầu tháng 1 Âm, tại Việt Nam, Tết và các lễ hội vẫn được diễn ra; khiến tác động của dịch bệnh lên các doanh nghiệp là chưa rõ ràng (trừ ngành du lịch).

Chúng ta nhất định không được chủ quan cho rằng dịch Covid-19 không ảnh hưởng đến mình, mà hãy chuẩn bị kỹ phương án để đi thẳng vào tâm bão", bà Ngọc Dung giải thích.

Sau khi nhìn thẳng vào sự thật rằng: đại dịch Covid-19 sẽ ảnh hưởng sâu rộng đến hầu hết doanh nghiệp Việt, thì việc tiếp theo cần làm chính là nhìn lại bản thân và xem doanh nghiệp của mình đang ở đâu trên thương trường, nhằm có kế sách chuẩn bị chu đáo.

Ngoài nhìn tương lai của doanh nghiệp trong tháng 4, trong quý II/2020, chúng ta cần nhìn tương lai xa hơn – rộng hơn, như khi khủng hoảng y tế thế giới trong dịch bệnh Covid-19 sẽ ảnh hưởng đến khủng hoảng kinh tế thế giới và sau đó là kinh tế Việt Nam như thế nào?

Chủ tịch PNJ: Để chủ động ứng phó với Covid, doanh nghiệp phải nhìn vào kịch bản xấu nhất! - Ảnh 1.

Bà Cao Thị Ngọc Dung đang tham gia hội thảo trực tuyến do HAWEE tổ chức thông qua Zoom.

Bức tranh lớn sẽ như thế này: khi các nước phát triển bị dịch bệnh Covid-19 tấn công, tức nhu cầu tiêu dùng ở đó giảm đột ngột khiến thị trường bị đóng băng; mà các nước phát triển cũng là đầu ra chủ yếu của rất nhiều ngành hàng thế mạnh từ nền sản xuất Việt Nam.

Không ít doanh nghiệp may mặc là thành viên của HAWEE phản ánh rằng, các đơn hàng từ châu Âu – Mỹ của họ đã bị ngừng.

Để chủ động ứng phó, chúng ta nên nhìn vào kịch bản xấu nhất

"Chúng ta phải xây dựng các kịch bản cụ thể như nếu doanh nghiệp giảm 50% - 30% - 50% doanh thu thì chúng ta phải làm gì, như giảm chi phí ở đâu, bài toán nhân sự ra sao, quy mô hoạt động như thế nào…; để khi tình trạng đó xuất hiện, chúng ta có thể ngay lập tức ứng phó.

Bài toán tài chính cũng cần phải tính đến: chúng ta cần cắt bỏ phần chi tiêu không cần thiết, cách tối ưu chi phí nhân sự - chúng ta cần bỏ ai và giữ ai…

Chúng ta phải ngồi lại để bàn với nhau xem việc gì cần làm, như thuyền vượt biển mà gặp bão thì cần vứt bỏ cái gì để không ch*t chìm. Thay vì ‘thấy người ta ăn khoai mình cũng vác mai đi đào’, các doanh nghiệp cần tập trung vào lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp khi tính kế", bà Ngọc Dung nêu khái quát vấn đề.

Ví dụ: nếu doanh nghiệp mất 50% doanh thu, chúng ta sẽ thu hẹp hoạt động, cắt giảm chi phí bằng cách cắt những chi phí có thể cắt và tiếp tục trả những chi phí buộc phải chi. Sau khi đàm phán để bớt tiền thuê mặt bằng cũng như giảm chi phí nhân sự tối đa…; chúng ta còn lỗ bao nhiêu?

Hiện tại dòng tiền của chúng ta đang như thế nào? Tiền mặt còn đủ nuôi doanh nghiệp trong bao nhiêu tháng? Rồi chúng ta cần đi tìm kiếm dòng tiền ở đâu và như thế nào nhằm tiếp tục nuôi doanh nghiệp khi chúng ta cạn tiền?

Ở bước này, trong lúc cân đo đong đếm dòng tiền, chúng ta cũng cần thảo luận với nhân sự chủ chốt – người lao động, để cho họ thấy cần thu hẹp quỹ lương như thế nào mới giúp doanh nghiệp tiếp tục tồn tại trong thời gian cụ thể.

Hoặc biết đâu, cái khó sẽ ló cái khôn. Bị hoàn cảnh thúc ép, phòng R&D của công ty sản xuất có thể sáng tạo ra sản phẩm mới nào đó, giúp doanh nghiệp chiến thắng trong mùa dịch.

"Tôi rất tự tin cũng như thường có suy nghĩ lạc quan, nhưng trong lúc xây dựng các kịch bản, tôi luôn nhìn nhiều vào kịch bản xấu nhất.

Vì thế, lúc Chính phủ ra lệnh đóng cửa các hàng quán, tôi vẫn thấy bình thường, không bất ngờ. Nhờ chuẩn bị kỹ lưỡng, năng suất làm việc của tầng lớp lãnh đạo PNJ còn cao hơn bình thường trước đây", bà Ngọc Dung chia sẻ.

Thay vì lãnh đạo tự xoay sở, nên chia sẻ thực trạng khó khăn của doanh nghiệp với tất cả nhân viên

Theo bà, tâm lý của người Việt Nam mình thường muốn "lá lành đùm là rách" và đề cao tính nhân văn chứ không lạnh lùng như cách hành xử của doanh nghiệp ở các nước tư bản. Trong tháng 2, đã có rất nhiều tập đoàn FDI hoạt động ở Việt Nam cắt giảm nhân sự với số lượng lớn, nhưng doanh nghiệp nội địa vẫn chưa.

Chủ tịch PNJ: Để chủ động ứng phó với Covid, doanh nghiệp phải nhìn vào kịch bản xấu nhất! - Ảnh 2.

Bà Cao Thị Ngọc Dung đang tham dự một hội thảo với các thành viên của HAWEE.

Cho nhân sự nghỉ việc vì doanh nghiệp gặp khó khăn là không tốt, vì bình thường lao động nuôi doanh nghiệp nên bây giờ doanh nghiệp cần đáp lễ, nhưng chúng ta cần cắt giảm lương bổng thì công ty mới có thế sống sót.

Phương án mà bà Dung đưa ra để tốt cho cả hai là: công ty nên chủ động cho người lao động thấy là mình đang gặp khó khăn như thế nào, để cùng ‘đồng cam cộng khổ’.

Cụ thể: lãnh đạo doanh nghiệp không nên tự mình xoay sở, mà nên để các cấp quản lý và nhân viên cùng biết tình hình thực tế của doanh nghiệp đang như thế nào; thậm chí còn để họ thảo luận và tìm giải pháp khắc phục.

Tại PNJ, nhân viên đã tự đề nghị giảm 50% lương sau những buổi thảo luận như thế, như cách bên dưới chia sẻ khó khăn với công ty.

Trong ‘thời chiến’ như thế này, văn hóa ứng xử với người lao động của doanh nghiệp càng quan trọng. Doanh nghiệp phải luôn tự hỏi là mình cần phải đối xử với nhân sự cốt cán và nhân viên bình thường như thế nào, để khi dịch bệnh qua đi, chúng ta vẫn còn đủ người hữu dụng để tiếp tục công việc kinh doanh như trước đây.

"Ngoài ra, không chỉ PNJ mà nhiều doanh nghiệp Việt vừa trải qua thời gian phát triển ‘nóng’, nên có nhiều chuyện cần thiết cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp mà chúng ta chưa làm hoặc làm không tốt do trước đây không có nhiều thời gian.

Giai đoạn này là cơ hội tốt để doanh nghiệp siết lại cơ cấu – tổ chức, quy định – quy trình, văn hóa doanh nghiệp…

3 tuần vừa qua, các lãnh đạo và nhân sự làm việc không liên quan trực tiếp đến bên thứ 2 của PNJ, thậm chí còn làm việc nhiều hơn so với trước đây. Các nhân sự của PNJ đang tích cực xây dựng các kế hoạch – chương trình mới và sáng tạo, mà nếu như bình thường họ sẽ không có thời gian để làm việc đó. Bản thân tôi có ngày phải tham dự đến 4 cuộc họp.

Thế nên, tôi tin rằng, sau khi dịch bệnh kết thúc, chúng tôi sẽ có bước tiến mới ứng với câu ‘trong nguy có cơ’", Chủ tịch PNJ tiết lộ.

Chuyển đổi số quan trọng là chuyển đổi tư duy chứ không phải vấn đề tài chính

Một trong những việc mà bà Ngọc Dung cảm thấy PNJ đã làm tốt hơn trước đây nhờ dịch bệnh là chuyển đổi số.

Theo lời kể của bà, doanh nghiệp này đã bắt đầu chuyển đổi số từ năm 2018, dù đã cố gắng và quyết tâm làm cho bằng được, song tiến trình chuyển đổi của họ không thể nhanh vì nhiều nhân viên PNJ vẫn ngại tiếp xúc với công nghệ.

Nhưng khi Chính phủ khuyến khích giãn cách xã hội, nhân viên buộc phải làm việc ở nhà tức là họ bị buộc phải sử dụng công nghệ trong lúc làm việc. Đến lúc này, bộ phận chuyển đổi số của PNJ không cần phải đi thuyết phục từng người, mà tất cả nhân viên của công ty đều tự nguyện tham gia.

Chủ tịch PNJ: Để chủ động ứng phó với Covid, doanh nghiệp phải nhìn vào kịch bản xấu nhất! - Ảnh 3.

Một buổi livestream bán hàng của các nhân viên PNJ trên fanpage của doanh nghiệp.

Ví dụ: do các cửa hàng phải đóng cửa, các nhân viên của các cửa hàng PNJ buộc phải tham gia việc live stream hàng hóa trên mạng nếu muốn bán hàng online.

Hay trước đây khi nghe họp online, các chị em lớn tuổi trong HAWEE khá ngại, nhưng vì Covid-19, họ đành phải thực hiện và sau buổi họp đầu tiên thành công, tất cả mọi người đều rất vui vẻ tham gia các buổi họp online tiếp theo.

Ở mặt khác, bà Ngọc Dung cho rằng, chuyển đổi số quan trọng là chuyển đổi tư duy chứ không phải vấn đề tài chính. Nhiều SMEs cứ chần chừ trong việc chuyển đổi vì nghĩ sẽ tốn rất nhiều tiền.

Song, rõ ràng có những startup chuyển đổi số rất thành công mà không bỏ ra chi phí lớn. Tất cả đều có giải pháp phù hợp với nhu cầu và khả năng tài chính của từng doanh nghiệp, chỉ cần chúng ta muốn chuyển đổi số.

Ví dụ: nếu không có tiền mua các hệ thống công nghệ quản trị phức tạp, doanh nghiệp có thể dùng Zoom – phần mềm miễn phí, để tổ chức các cuộc họp.

"Khó khăn của chuyển đổi số, theo tôi chính là tìm cách tiếp cận đúng đắn với tiềm lực và nhu cầu của bản thân, đồng thời có người biết sử dụng các công cụ. Nếu người chủ biết sử dụng các công cụ tiện lợi thì dễ dàng truyền cảm hứng cho nhân viên, tạo nên được văn hóa chuyển đổi số cho doanh nghiệp.

Nếu chỉ một người trong tổ chức không có tính kỹ luật hay không tuân thủ các quy trình, rất khó để doanh nghiệp có tư duy chuyển đổi số hay văn hóa chuyển đổi số. Theo kinh nghiệm của tôi, đừng than khó quá mà hãy thử nghiệm, vì chỉ qua 1 lần thành công sẽ ổn.

Sau khi chuyển đổi số, chúng ta cũng cần liên tục bổ sung các kiến thức và củng cố văn hóa chuyển đổi số, cũng như đo lường chúng nhằm đưa ra các giải pháp cải tiến kịp thời", bà Ngọc Dung đề nghị.

Ví dụ: hiện 5.000/7.000 nhân viên của PNJ thường tiếp xúc với khách hàng và các đối tác, nếu họ không ý thức được tầm quan trọng của các thông tin trên các mạng xã hội hay nôm na là không sống trên nền tảng công nghệ, thì rất nguy hiểm; bởi nếu họ không hành xử cẩn thận với bên thứ hai và thông tin tiêu cực đó lan truyền trên mạng xã hội, sẽ ảnh hưởng rất xấu đến hình ảnh thương hiệu PNJ.

Chủ tịch PNJ: Để chủ động ứng phó với Covid, doanh nghiệp phải nhìn vào kịch bản xấu nhất! - Ảnh 5.

Mạng Y Tế
Nguồn: SoHa (https://soha.vn/chu-tich-pnj-de-chu-dong-ung-pho-voi-covid-doanh-nghiep-phai-nhin-vao-kich-ban-xau-nhat-20200424100954906.htm)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY