Biến thể Delta đã gây một làn sóng dịch ở Ấn Độ, tiếp tục sinh ra các đột biến như Delta Plus để trở thành “biến thể đáng quan tâm” trên thế giới. Bên cạnh đó, có những biến thể đang thu hút sự chú ý của giới nghiên cứu khoa học và đã được đưa vào vùng cảnh báo màu đỏ- là biến thể Lambda.
Biến thể Lambda (C.37) có nguồn gốc từ Peru, chỉ trong 4 tuần biến thể này đã được phát hiện ở hơn 30 quốc gia trên thế giới, nhiều nhất là ở các nước Nam Mỹ như Peru, Chile, Ecuador và Argentina. Biến thể Lambda xuất hiện lần đầu ở Peru hồi tháng 4, khi đó nó chỉ chiếm 1% các ca COVID-19, nhưng đến tháng 6, biến thể này xuất hiện ở 81% các ca COVID-19, đặc biệt, Peru là quốc gia có tỷ lệ Tu vong do COVID-19 cao nhất thế giới. Tại Chile, biến thể Lambda chiếm 31% các trường hợp dương tính.
Biến thể Lambda có nguồn gốc từ Peru, xuất hiện trên 81% các ca COVID-19 ở quốc gia này
Thế giới vẫn đang vật lộn với những tác động của biến thể Delta và Delta Plus- gây ra làn sóng dịch thứ hai ở Ấn Độ và là nguyên nhân làm gia tăng các ca nhiễm trùng trên khắp thế giới. Trong hoàn cảnh này, một biến thể mới của virus mang tên Lambda đang nổi lên như một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra sự lây lan của dịch bệnh. Ngoài châu Mỹ Latinh, Lambda đã xuất hiện tại châu Úc như Australia, và châu Âu như Anh.
Tổ chức y tế thế giới (WHO) đã phân loại Lambda “là biến thể được quan tâm” vào ngày 14/6. Các nhà khoa học lo ngại biến thể Lambda này có mức độ lây nhiễm mạnh hơn biến thể Delta. Bộ Y tế Malaysia cảnh báo rằng, biến thể Lambda “nguy hiểm hơn biến thể Delta”. Nó không chỉ gây dịch bệnh cho hàng chục quốc gia, mà còn vượt biên giới tiến ra ngoài khu vực châu Mỹ La tinh.
Tiến sĩ Alicia Demirjian - Giám đốc giải quyết các vấn đề khẩn cấp liên quan đến COVID-19 tại Cơ quan y tế công cộng Anh (PHE), đã nói với hãng tin BBC rằng: “Hiện tại có rất ít bằng chứng về biến thể này . PHE hiện đang thực hiện các nghiên cứu trong các phòng thí nghiệm để xác định đặc điểm và tác động có thể có của nó đối với sự lây truyền trong cộng đồng. Hiện không có bằng chứng cho thấy biến thể này gây ra bệnh nặng hơn hoặc làm cho các loại vắc xin hiện đang được triển khai ít hiệu quả hơn.
Ở nhiều quốc gia biến thể Lambda đang được nghiên cứu trong phòng thí nghiệm
Ông Ricardo Soto-Rifo, một nhà virus học tại Đại học Chile, người đã nghiên cứu về Lambda, cho biết: “Chúng tôi không có nhiều thông tin về Lambda so với các biến thể khác. Tuy nhiên các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, dù chưa được báo cáo, nhưng bước đầu các nhà khoa học cho rằng, các kháng thể được tạo ra sau tiêm vắc xin có hiệu quả ít hơn đối với biến thể Lambda so với chủng ban đầu, tuy nhiên vắc xin vẫn có thể chống lại và vô hiệu hóa biến thể Lambda. Theo các nhà khoa học, kháng thể cũng không phải là cách bảo vệ duy nhất của cơ thể chống lại virus bởi nếu virus xâm nhập, các thành phần khác của hệ thống miễn dịch, như tế bào T, cũng có thể bảo vệ cơ thể con người.
Ông Kerry Bowman, Giáo sư đạo đức sinh học và sức khỏe toàn cầu tại Đại học Toronto, nói thêm rằng vẫn còn sớm để hiểu đầy đủ về mức độ nghiêm trọng của biến thể Lambda, nhưng càng có nhiều người được tiêm chủng đầy đủ, chúng ta sẽ càng sẵn sàng đối mặt với bất kỳ biến thể mới nào.
Ngoài Delta, Delta Plus, thế giới lo ngại biến thể Lambda sẽ khiến dịch bệnh kéo dài
Hiện nay, nhiều biến thể - như Delta, Lambda - sẽ nhắm “mục tiêu” tấn công những người chưa được tiêm chủng, nên để bảo vệ sức khỏe cộng đồng “chúng ta cần càng nhiều người tiêm chủng đầy đủ càng tốt, và tốc độ tiêm càng nhanh càng tốt", ông Bowman nói. Tuy nhiên, để giảm thiểu sự lây lan và xuất hiện của những biến thể mới này, theo chuyên gia sức khoẻ toàn cầu Bowman, cần phải bắt đầu xem xét các nỗ lực tiêm chủng ở các nước bên ngoài Canada.
“Nhìn vào bức tranh toàn cảnh về đại dịch này, khi việc tiêm chủng tăng lên ở Canada, chúng ta phải bắt đầu suy nghĩ về phần còn lại của thế giới về cả bình diện virus, dịch tễ học và đạo đức,” ông Bowman nhận định. “Nhiều nơi trên thế giới này, tỷ lệ tiêm chủng rất thấp … sẽ còn những biến thể khác sẽ tiếp tục đến với thế giới. Tôi cho rằng chúng ta cần phải có nghĩa vụ giúp đỡ những người khác nếu muốn chấm dứt đại dịch. " ….
Chủ đề liên quan:
Sức khỏe toàn dân sức khỏe việt nam Viêm phổi cấp virus corona Virus corona Virus corona