Cả nhà đang ngủ say thì chị Nguyễn Thị Hoa (Hà Nội) thấy bé Bi tấm tức khóc kêu đau tai. Chị lấy nước muối S*nh l* nhỏ cho con, một lúc thấy bé ngủ tiếp chị mới yên tâm đi ngủ. Chưa đầy 10 phút sau bé Bi khóc váng lên vì tai đau hơn. Thế là nửa đêm hai vợ chồng lật đật đưa con đi cấp cứu ở Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và được bác sĩ xác định là bé bị viêm tai giữa.
Chị Hoa nhớ tới chồng chị năm ngoái cũng bị viêm tai giữa, nhưng do bận việc chủ quan nên tới khi tai chảy dịch vàng, chị hối thúc anh mới đi khám. Hậu quả là điều trị lâu và uống rất nhiều Thu*c đặc trị, rất tốn kém và ảnh hưởng tới sức khỏe. Giờ bé Bi thì vốn bé bỏng lại uống nhiều thứ Thu*c thì sẽ còn còi cọc tới mức nào. Chị chia sẻ lo lắng với bác sĩ và được động viên là giờ đã có phương pháp thổi bóng điều trị viêm tai giữa mới hiệu quả, tiết kiệm bớt chi phí và quan trọng là không phải uống nhiều Thu*c như trước.
Theo định nghĩa y học, bệnh viêm tai giữa là hiện tượng tạo dịch trong lòng tai giữa (hòm tai) và các tế bào xương chũm (một trong 3 cấu trúc của tai giữa). Mùa mưa, giao mùa, thời tiết thay đổi, đi bơi lội về... là nhiều người có thể xuất hiện chứng viêm tai giữa - nhất là trẻ nhỏ. Nếu không kịp thời chữa trị đúng cách sẽ biến chứng nặng gây mất thính lực, nhiễm trùng, thậm chí là ảnh hưởng đến não.
Trẻ em rất hay mắc bệnh viêm tai giữa. Ảnh minh họa.
Viêm tai giữa chia thành 2 loại:
- Viêm tai giữa cấp: Hay gặp do nhiễm khuẩn đường hô hấp trên ở trẻ em (nhất là khi bị sởi, cúm, bạch hầu, ho gà... dưới 3 tuần). Bệnh ảnh hưởng đến tai giữa, màng nhĩ và nếu không chữa trị sớm đúng cách sẽ có mủ, chảy mủ và có thể tạo thành dịch… và để lâu khiến dịch chảy liên tục gây thủng màng nhĩ.
- Viêm tai giữa có dịch tiết (tai giữa nhìn thấy dịch không nhiễm trùng trong hơn 3 tháng), thường không có các triệu chứng cơ năng chỉ điểm, đôi khi bệnh nhân mô tả có cảm giác đầy nặng tai.
Dù ở loại nào thì viêm tai giữa cũng ảnh hưởng đến khả năng nghe, nếu tiết dịch còn gây khiếm thính kéo dài, không tốt cho sức khỏe, cuộc sống, sinh hoạt của bệnh nhân.
Sơ đồ viêm tai giữa do BV Đại học Y Hà Nội cung cấp
Nguyên nhân gây viêm tai giữa chủ yếu do viêm nhiễm mũi họng gây tắc vòi nhĩ, viêm mũi xoang mủ hoặc do vi khuẩn. Ngoài ra, bệnh nhân bị viêm đường hô hấp, dị nguyên, bệnh trào ngược, môi trường ô nhiễm, khí hậu lạnh cũng gây ra viêm tai giữa.
- Trẻ nhỏ bị sốt cao có thể lên đến 39 - 40 độ C, quấy khóc, bỏ bú, kén ăn, nôn mửa kèm co giật, hay lắc đầu, dùng tay giụi lỗ tai.
- Trẻ lớn sẽ kêu đau tai, rối loạn tiêu hóa (dạng lỏng, đi ngoài nhiều lần), kèm sốt.
Khi thấy trẻ em hay sốt, nôn mửa, tiêu chảy cần báo với bác sĩ để được thăm khám kỹ, kịp thời phát hiện được bệnh viêm tai giữa cấp, kẻo bệnh rất nhanh trở nặng, gây vỡ và chảy mủ ra ngoài bởi màng tai bị thủng.
Khi màng tai thủng trẻ sẽ giảm sốt, quấy khóc, ăn uống tốt hơn, giảm tình trạng rối loạn tiêu hóa, đi vệ sinh bình thường, giảm tình trạng đau tai… Nhưng đó là dấu hiệu bệnh biến chuyển nặng, chuyển sang viêm tai giữa mạn tính, hay viêm tai - xương chũm mạn tính và nguy cơ xảy ra biến chứng rất cao.
Viêm tai giữa gây đau nhức rất khó chịu. Ảnh minh họa.
Người lớn bị viêm tai giữa thấy đau tai xuất hiện nhiều lần, thậm chí là giật và đau nhói rất khó chịu, có thể lan đến đầu khiến hai bên bị tê cứng, chạm vào thấy nóng. Thính lực bị ù, nghe kém, ọc ọc như nước đọng trong tai. Khi thời tiết thay đổi thì dịch chảy ra nhiều hơn, màu vàng và hôi. Lúc này rất cần đi khám ở các bệnh viện chuyên khoa lớn, có trang thiết bị tốt, bác sĩ lành nghề để được nội soi, chữa trị đúng cách.
Tuy viêm tai giữa không nguy hiểm tính mạng, nhưng không điều trị sớm sẽ gặp nhiều biến chứng phức tạp. Điều trị bệnh viêm tai giữa chủ yếu là khôi phục lại thính lực, hạn chế bệnh lý phát triển, nếu không thủng màng nhĩ thì 8 ngày là ổn (tùy tình trạng bệnh).
Khi tai chảy dịch là bệnh đã nặng rồi, cần điều trị ngay. Ảnh minh họa.
Việc điều trị viêm tai gữa không khó nếu không phải là những trường hợp đặc biệt (như viêm tai giữa sau sởi, viêm tai giữa do lao), nhưng bệnh rất hay tái phát nếu do có nguyên nhân từ viêm mũi họng. Vì vậy cha mẹ cần kiểm soát viêm mũi họng ở trẻ để bệnh không có nguy cơ lan vào tai giữa.
Các bác sĩ thường dùng phác đồ điều trị viêm tai giữa bằng Thu*c kháng sinh, kháng viêm, Thu*c làm loãng dịch.
Hoặc điều trị tại chỗ bằng Thu*c nhỏ mũi, nhỏ tai bằng các Thu*c kháng sinh, kháng viêm, giảm sung huyết. Bệnh nhân nặng hơn sẽ chích, rạch màng nhĩ, đặt ống thông khí.
Mới đây các bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đưa phương pháp bóng thổi phối hợp dùng Thu*c, chích rạch dẫn lưu màng nhĩ, đặt ống thông khí… để điều trị bệnh viêm tai giữa. Theo đó bác sĩ điều trị sẽ thổi khí vào tai giữa để dồn dịch ra và cân bằng áp lực giữa môi trường bên ngoài và tai giữa.
Ưu điểm của cách điều trị này là giúp bệnh nhân viêm tai giữa chóng hồi phục hơn, hạn chế việc phải uống Thu*c như phương pháp điều trị cũ, giảm bớt chi phí điều trị cho bệnh nhân...
Khi tai có vấn đề cần đi khám ngay kẻo ảnh hưởng tới chức năng nghe. Ảnh minh họa.
Cách thổi bóng rất đơn giản:
- Bệnh nhân được làm sạch mũi (để khi thổi tránh dịch từ mũi xoang vào lại tai giữa).
- Đặt một đầu bóng vào một bên lỗ mũi, bịt bên mũi còn lại. Thổi dồn hơi từ vùng họng mũi (vòm mũi họng) đi qua vòi tai (ống thông giữa mũi với tai giữa) vào tai giữa.
- Thời gian thổi bóng kéo dài từ 10 - 14 ngày thì bệnh tiến triển tốt dần lên. Quá trình hồi phục tai giữa lâu nên thời gian thổi bóng có thể kéo dài tới 4 tuần.
Các bác sĩ khuyến cáo là bệnh nhân dùng phương pháp thổi bóng mới này cần được thực hiện ở các cơ sở y tế có chuyên khoa khám tai mũi họng để được giám sát, điều chính cách thở, phù hợp, kiểm soát được dịch trong mũi... Nếu sau 7 ngày thổi bóng mà bệnh không tiến triển thì đó là do dịch trong tai giữa quá đặc, bám dính chặt… các bác sĩ sẽ cân nhắc chuyển phác đồ điều trị khác phù hợp hơn.
Bệnh viện Đại học Y Hà Nội
Chủ đề liên quan:
bóng thổi đại học y hà nội nhiễm khuẩn đường hô hấp Phạm Thị Bích Đào thời tiết thay đổi thuốc nhỏ mũi viêm tai giữa