Bài viết với tiêu đề “Việt Nam chiến thắng cuộc chiến Covid-19” đã được đăng trên báo Inquirer (Philippines) ngày 18/4. Tác giả bài viết là Giáo sư kinh tế Anis Chowdhury ở Sydney (Australia) - quan chức cấp cao của Liên Hợp Quốc tại New York và Bangkok và Giáo sư Jomo Kwame Sundaram tại Kuala Lumpur (Malaysia) - cựu trợ lý Tổng thư ký Liên Hợp Quốc.
Theo bài viết, Việt Nam nằm giáp với Trung Quốc, nơi khởi phát dịch Covid-19, và là nước đông dân thứ 15 thế giới với 97 triệu người. Tuy nhiên, tính đến sáng 20/4, Việt Nam mới chỉ có 268 ca dương tính với Covid-19 và không có bất kỳ trường hợp Tu vong nào.
Bài viết trên Inquirer cho biết, nhờ hành động nhanh chóng của các nhà chức trách trong việc truy tìm và xét nghiệm những người đã tiếp xúc với các ca bệnh, đồng thời cách ly và điều trị cho những người nhiễm virus, Việt Nam đã kiểm soát thành công giai đoạn 1 của dịch hồi tháng 1. Sau giai đoạn 2 với 41 ca nhiễm mới, Việt Nam đã thực hiện cách ly toàn xã hội từ ngày 31/3. Việt Nam đã tiến hành hơn 121.000 xét nghiệm, với hơn 75.000 người bị cách ly.
Cũng theo bài viết, sau khi phát hiện các ca nhiễm mới liên quan tới bệnh viện Bạch Mai ở Hà Nội, các nhà chức trách tại Việt Nam đã truy tìm những người có tiếp xúc gần với người bệnh, khuyến cáo hơn 10.000 người tới bệnh viện từ ngày 12/3 thực hiện xét nghiệm, đồng thời phong tỏa một ngôi làng trong 14 ngày.
Inquirer dẫn nhận định của Viện Chính sách Chiến lược Australia nêu rõ, “kinh nghiệm của Việt Nam cho thấy, nếu tập trung vào việc đánh giá sớm rủi ro, tuyên truyền hiệu quả, hợp tác tốt giữa chính phủ và người dân, thì một đất nước dù có nguồn lực hạn chế với hệ thống chăm sóc sức khỏe còn hạn chế vẫn có thể kiểm soát tốt dịch bệnh. Khi đối mặt với một nguy cơ chưa rõ ràng, sự lãnh đạo quyết liệt, thông tin chính xác và đoàn kết cộng đồng đã tiếp thêm sức mạnh cho người dân Việt Nam để họ tự bảo vệ mình và bảo vệ lẫn nhau".
Báo Philippines cho biết, các tổ chức uy tín như Diễn đàn Kinh tế Thế giới, tạp chí Financial Times và một số tổ chức khác đã ca ngợi Việt Nam như một tấm gương chống Covid-19 thành công với chi phí thấp mà các nước nghèo với nguồn lực hạn chế có thể học hỏi.
Bài viết đã điểm lại một số “chìa khóa” giúp Việt Nam đạt được thành công trong cuộc chiến với dịch Covid-19.
Với kinh nghiệm đối phó với dịch SARS, cúm gia cầm cùng nhiều dịch bệnh khác gần đây, Việt Nam đã hành động sớm và chủ động trong việc ứng phó với mối đe dọa Covid-19. Khi mới chỉ có 27 ca mắc Covid-19 được phát hiện ở thành phố Vũ Hán, Trung Quốc hồi giữa tháng 12/2019, Bộ Y tế Việt Nam đã ban hành các hướng dẫn phòng ngừa dịch bệnh, bao gồm giám sát chặt chẽ các khu vực biên giới và thực hiện các bước để ngăn chặn lây nhiễm trong dân cư.
Khi Trung Quốc chính thức xác nhận ca Tu vong đầu tiên vì Covid-19 hôm 11/1, Việt Nam nhanh chóng siết chặt kiểm soát y tế ở tất cả cửa khẩu và sân bay. Việc kiểm tra nhiệt độ cơ thể được thực hiện đối với mọi hành khách nhập cảnh và bất kỳ ai có triệu chứng như ho, sốt, đau ngực, khó thở đều được cách ly nhanh chóng để xét nghiệm và theo dõi nghiêm ngặt tại các cơ sở y tế. Những người tiếp xúc gần với họ cũng được truy tìm và theo dõi.
Ngoài ra, một loạt các biện pháp khác được triển khai sau đó, gồm đóng cửa trường học, yêu cầu đeo khẩu trang, hủy một số chuyến bay và hạn chế nhập cảnh với phần lớn người nước ngoài. Chính phủ cũng yêu cầu người dân khai báo y tế trực tuyến và thường xuyên gửi tin nhắn cập nhật thông tin trên cả nước.
Việt Nam là nước đầu tiên sau Trung Quốc phong tỏa một khu dân cư lớn. Sau khi các ca nhiễm được xác định có liên quan tới người lao động trở về từ Vũ Hán, từ ngày 13/2, lệnh cách ly 21 ngày đã được thực hiện đối với một khu vực tại tỉnh Vĩnh Phúc, phía bắc Hà Nội, nơi có hơn 10.000 sinh sống.
Chính phủ cũng yêu cầu tất cả những ai nhập cảnh vào Việt Nam đều phải cách ly và những trường hợp tới Việt Nam sau ngày 8/3 phải trải qua kiểm tra y tế.
Trong vòng 1 tháng, Việt Nam đã phát triển thành công một bộ xét nghiệm nhanh, hiệu quả với giá cả hợp lý. Nhiều nước cũng quan tâm tới bộ xét nghiệm sử dụng công nghệ được Tổ chức Y tế Thế giới phê chuẩn của Việt Nam. Bộ xét nghiệm được phát triển nhanh chóng sau các cuộc tham vấn khẩn cấp của hàng loạt nhà khoa học phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ.
Thay vì xét nghiệm hàng loạt, biện pháp được xem là chìa khóa trong chiến dịch ứng phó Covid-19 của đất nước Hàn Quốc giàu có, Việt Nam tập trung cách ly và truy tìm những trường hợp F1 (những người tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm virus) và F2 (những người tiếp xúc với F1), để theo dõi và xét nghiệm những trường hợp có nguy cơ lây nhiễm cao.
Các sinh viên y khoa, y bác sĩ về hưu cũng được huy động tham gia cuộc chiến chống Covid-19 tại Việt Nam. Một chiến dịch gây quỹ để mua các thiết bị y tế và đồ bảo hộ cho các y tá, bác sĩ, công an, bộ đội tiếp xúc gần với bệnh nhân và những người bị cách ly được phát động từ ngày 19/3 và thu được số tiền lớn.
Cổng thông tin trực tuyến của Bộ Y tế Việt Nam liên tục công bố từng ca nhiễm mới cho các hãng truyền thông lớn và công chúng, với thông tin chi tiết về địa điểm, cách thức nhiễm bệnh và biện pháp được thực hiện. Các thông tin được công bố trên truyền hình và mạng xã hội, bao gồm tin nhắn gửi tới tất cả điện thoại của người dân.
Các bộ ngành cũng cùng nhau phát triển một ứng dụng dễ sử dụng, cho phép người dùng khai báo thông tin y tế và lịch sử đi lại để được xét nghiệm, biết được các "điểm nóng" có ca nhiễm mới và nhận thông tin cập nhật liên quan tới tình hình dịch bệnh tại Việt Nam cũng như thế giới.
Chiến lược đối phó dịch bệnh của chính phủ Việt Nam đã nhận được mức độ tin tưởng cao từ người dân. Khoảng 62% người Việt Nam được hỏi trong một cuộc khảo sát về Covid-19 cho biết, chính phủ đã thực hiện “đúng đắn” trong cuộc chiến chống dịch.
Việt Nam đã thể hiện tinh thần đoàn kết nhân đạo khi cả thế giới phải đối mặt với mối đe dọa Covid-19. Việt Nam đã hỗ trợ chuyển 450.000 bộ đồ bảo hộ DuPont được sản xuất tại Việt Nam tới Mỹ và quyên tặng 550.000 khẩu trang cho 5 nước châu Âu. Việt Nam cũng tặng đồ bảo hộ, khẩu trang y tế, bộ xét nghiệm và thiết bị xét nghiệm, trị giá hơn 300.000 USD, cho Campuchia và Lào, đồng thời gửi các bộ xét nghiệm tới Indonesia.
Chủ đề liên quan:
chìa khóa covid 19 Covid 19 COVID_19 dịch covid 19 tại việt nam kiểm soát kiểm soát tốt quốc tế việt nam virus corona