Tin y tế hôm nay

Tin y tế

Chuyển mùa, trẻ mắc bệnh hô hấp tăng

Hà Nội-Số trẻ mắc bệnh hô hấp tăng nhanh khi thời tiết giao mùa, trong bối cảnh dịch chồng dịch, khiến nhiều phụ huynh lo lắng.

Năm học mới bắt đầu được hơn hai tuần, bé Anh Thư, 6 tuổi, trú Đống Đa, đã phải nghỉ vì ốm sốt, đi khám phát hiện cúm A. Chị Thanh, mẹ bé Thư cho biết sau khi con nghỉ ốm, 5 bạn nữa cũng báo nghỉ chủ yếu do ho kèm sốt.

Hà nội đang chuyển mùa, trẻ quay lại trường học trước tình trạng nhiều bệnh đường hô hấp như cúm a/b, sốt xuất huyết dengue, virus hợp bào hô hấp (rsv), covid-19 gia tăng, khiến chị thanh và nhiều phụ huynh lo lắng.

Theo số liệu thống kê của trung tâm xét nghiệm, bệnh viện đa khoa medlatec, trong tuần đầu tháng 8 ghi nhận hơn 4800 ca xét nghiệm cúm, trong đó có hơn 1.400 ca cúm a, chiếm 30%; cúm b chiếm 3,2%. so với cùng kỳ tháng 7, số lượng người xét nghiệm cúm tăng 467% và phát hiện cúm a tăng 144%.

Tại Khoa Nhi, nhiều trẻ đến khám có tình trạng hắt hơi, sổ mũi, ngạt mũi, đau rát họng, ho, khàn tiếng, khò khè, mụn nước lòng bàn tay chân... Kết quả chẩn đoán trẻ mắc bệnh rất đa dạng, không chỉ cúm, mà còn mắc sốt xuất huyết, Covid-19, sốt virus.

"Thậm chí nếu kèm thêm khò khè thì lưu ý nhiễm virus hợp bào hô hấp RSV ở trẻ nhỏ, hen phế quản ở trẻ lớn, hoặc xuất hiện mụn tay chân thì lưu ý bệnh tay chân miệng", bác sĩ Dương Thị Thủy, chuyên khoa Nhi, cảnh báo.

Ngoài ra, bác sĩ Thủy lưu ý, sốt cũng có thể biểu hiện trong các trường hợp nhiễm khuẩn tai mũi họng, viêm phế quản phổi, tiêu chảy nhiễm khuẩn.

Một bệnh nhi suy hô hấp nặng điều trị tại Bệnh viện Nhi Trung ương hồi tháng 7. Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Cùng quan điểm, TS.BS Đỗ Thiện Hải, Phó giám đốc, Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi Trung ương, cũng cho biết ở nước có khí hậu nhiệt đới như Việt Nam, những bệnh viêm đường hô hấp thường xuyên lưu hành. Mỗi bệnh sẽ tăng lên theo mùa và ở thời điểm này - bệnh cúm ở trẻ em, đặc biệt trẻ nhỏ tăng so với thời gian trước.

Trung bình ba tuần trở lại đây, khoảng 20-30 bé phải nhập Trung tâm Bệnh nhiệt đới mỗi ngày do mắc cúm kèm các yếu tố nguy cơ nặng.

"Trẻ đi học ở trường, sinh hoạt trong môi trường có điều hòa, điều kiện không khí kém hơn, nguy cơ lây bệnh sẽ cao hơn khi ở cùng gia đình. Khi một bé mắc bệnh sẽ có nguy cơ tạo các ổ dịch nhỏ", bác sĩ Hải nói.

Tương tự, Trung tâm nhi khoa, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) hơn tháng nay vẫn duy trì điều trị nội trú cho khoảng 130 bệnh nhi mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp như cảm cúm, viêm mũi họng, viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi...

Bác sĩ Nguyễn Thành Nam, Giám đốc Trung tâm, cho biết các bệnh liên quan đường hô hấp ở trẻ thường diễn biến quanh năm. Tuy nhiên ca bệnh tăng nhiều hơn khi thời tiết chuyển mùa, do không khí ẩm, nóng lạnh thất thường.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cho rằng vi khuẩn, virus, nấm mốc, khí độc, bụi... là những nguyên nhân gây bệnh viêm đường hô hấp trên. Mầm bệnh lây lan nhanh chóng từ người sang người thông qua các giọt bắn hô hấp khi người bệnh ho, hắt hơi hay nói chuyện gần. Ngoài ra, nếu chạm tay vào các bề mặt có dính virus hay vi khuẩn gây bệnh rồi chạm lên mắt, mũi, miệng cũng có thể bị nhiễm bệnh.

Bác sĩ Hải cho biết triệu chứng điển hình của bệnh viêm đường hô hấp là ho, chảy mũi, hắt hơi, sốt... Bệnh diễn biến từ 3 đến 5 ngày, sau đó giảm dần và vào giai đoạn hồi phục. Tuy nhiên, khi đã giảm sốt, trẻ sốt lại kèm mệt mỏi, ăn kém... thì người nhà phải nghi ngờ liệu có bội nhiễm do vi khuẩn sau nhiễm virus. Lúc này cần cảnh giác và điều trị kịp thời, bác sĩ nhấn mạnh.

Bệnh nhi viêm đường hô hấp khám tại Bệnh viện Medlatec. Ảnh: Thu Ngô

Bác sĩ Hải khuyến cáo khi không may tiếp xúc với nguồn bệnh, cần có biện pháp phòng bệnh cho trẻ. Gia đình hoặc lớp học nên tắt điều hòa 2-3 lần/ngày, mở hết cửa để đảm bảo thông thoáng. Phụ huynh chú trọng vệ sinh đường hô hấp cho trẻ như nhỏ mũi, súc miệng nước muối, rửa tay, khử khuẩn thường xuyên.

Ngoài ra, cần bảo đầy đủ chất dinh dưỡng, uống nhiều nước; giữ môi trường sống thông thoáng, sạch sẽ. Tránh tập trung nơi đông người; nếu đến nơi đông người cần bảo vệ bằng đeo khẩu trang y tế; tiêm vaccine phòng bệnh.

Khi có những dấu hiệu bất thường về sức khỏe, kể cả những trường hợp có triệu chứng sốt nhẹ, phụ huynh nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để đánh giá sơ bộ, chẩn đoán bệnh. Đồng thời, nhân viên y tế sẽ tư vấn cách theo dõi các dấu hiệu nào cần cho trẻ nhập viện.

"Một số trường hợp, chúng ta có thể xác định sớm các tác nhân gây bệnh để có biện pháp điều trị phù hợp sớm, mang lại hiệu quả tốt hơn", bác sĩ Hải nói.

Lê Nga

Mạng Y Tế
Nguồn: Vnexpress (https://vnexpress.net/chuyen-mua-tre-mac-benh-ho-hap-gia-tang-4501095.html)

Chủ đề liên quan:

bệnh đường hô hấp cúm a

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY