Thanh tra Bộ Công Thương vừa có kết luận thanh tra việc chấp hành các quy định của Luật Phòng chống tham nhũng, công tác cán bộ, công tác quản lý sử dụng ngân sách, hoạt động sự nghiệp có thu, công tác đầu tư, mua sắm trang thiết bị, công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo tại trường Đại học Điện lực.
Đáng chú ý, qua xác minh nội dung tố cáo việc thu tiền chống trượt của sinh viên cao đẳng khoá 16 (C16) là trái quy định của pháp luật, Thanh tra Bộ Công Thương nhận định, nội dung tố cáo là có cơ sở, có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Theo đó, khi làm việc với sinh viên là đầu mối thực hiện thu tiền chống trượt lớp C16, sinh viên này xác nhận có 22 sinh viên của lớp C16 nộp tiền chống trượt tốt nghiệp với tổng số tiền 70 triệu đồng. Số tiền này được sinh viên lớp đưa cho ông Chu Đức Toàn - Phó trưởng khoa Điều khiển tự động hoá.
Căn cứ kết quả xác minh, nguồn thông tin thu thập, xác nhận của đại diện lớp C16, ông Chu Đức Toàn có dấu hiệu chỉ đạo sinh viên và nhận tiền chống trượt của 22 sinh viên lớp C16 là trái quy định pháp luật.
Hành vi này có dấu hiệu lạm dụng chức vụ quyền hạn, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đạo đức nhà giáo, đến chất lượng đào tạo và uy tín, danh dự của trường Đại học Điện lực nên cần tiếp tục làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.
Thanh tra Bộ Công thương xác định ông Chu Đức Toàn đã nhận tiền chống trượt của 22 sinh viên còn ông Nguyễn Ngọc Trung thiếu hợp tác, không cung cấp các tài liệu liên quan. Ảnh: Website nhà trường.
Trước diễn biến nghiêm trọng này, Thanh tra Bộ Công Thương kiến nghị Bộ Công Thương giao trường Đại học Điện lực tiếp tục thực hiện việc xác minh, làm rõ các đơn thư phản ánh, xử lý nghiêm khắc đối với những sai phạm tại Khoa Điều khiển tự động hoá, các cá nhân có liên quan có dấu hiệu lạm dụng chức vụ quyền hạn gây hậu quả nghiêm trọng, vi phạm quy định của đảng, vi phạm đạo đức nghề giáo theo đúng quy định của pháp luật.
Đồng thời làm rõ trách nhiệm, xử lý kỷ luật theo quy định đối với ông Chu Đức Toàn – Phó trưởng khoa Điều khiển tự động hóa và các cá nhân liên quan có dấu hiệu lạm dụng chức vụ, quyền hạn nêu trên.
Liên quan đến một số sai phạm tại khoa Điều khiển và tự động hoá, Thanh tra Bộ Công Thương kiến nghị, trong trường hợp có dấu hiệu hình sự, chuyển cơ quan công an để xử lý theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, Khoa Điều khiển và tự động hoá cũng là khoa được biết đến với nhiều lùm xùm tai tiếng. Cụ thể, ngay trong quá trình đoàn thanh tra của Thanh tra Bộ Công Thương làm việc, một số cá nhân đã có biểu hiện không hợp tác.
Kết luận thanh tra nêu rõ, một số cá nhân tại Khoa Điều khiển và tự động hoá đã vi phạm quy định Điều 34, Nghị định 86, 22/9/2011 (quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thanh tra), do thiếu hợp tác với đoàn thanh tra trong quá trình làm việc, không cung cấp các tài liệu liên quan, giải trình không đầy đủ gồm ông Nguyễn Ngọc Trung – Phó trưởng khoa phụ trách khoa và 1 người khác.
Kết luận Thanh tra của Bộ Công thương tiếp tục chỉ ra hàng loạt sai phạm tại trường Đại học Điện lực. Ảnh: Cao Tuân
Trước đó, Báo Gia đình & Xã hội đã đăng tải loạt bài viết về việc nhóm cán bộ, giáo viên đang làm việc tại Đại học Điện Lực tố cáo ông Trương Huy Hoàng - Hiệu trưởng Đại học Điện lực đã cấp khống bằng tốt nghiệp cho hàng trăm sinh viên ra trường vào tháng 3/2019. Theo tài liệu cung cấp, qua rà soát, những sinh viên này thiếu một loạt các điều kiện như: Không có quyết định đào tạo, điểm thi dưới điểm trúng tuyển hay thậm chí không có cả điểm thi đầu vào nhưng vẫn được theo học và ra trường "trót lọt".
Phóng viên còn được những cán bộ tố cáo cung cấp bản danh sách 184 sinh viên thiếu điều kiện nhưng vẫn được tốt nghiệp tại Đại học Điện lực bao gồm: 84 sinh viên điểm thi đầu vào dưới điểm trúng tuyển, 24 sinh viên thiếu hồ sơ, 10 sinh viên trúng tuyển theo nhu cầu xã hội và 66 sinh viên không tìm thấy quyết định trúng tuyển.
Ngoài ra, PV Báo Gia đình & Xã hội cũng tiếp nhận thông tin tố cáo cùng nhiều bằng chứng về tình trạng tiêu cực một cách có hệ thống trong công tác đào tạo tại Khoa Điều khiển và Tự động hóa (khoa nổi tiếng và đông sinh viên nhất của Trường Đại học Điện lực).
Cụ thể, hàng trăm bài thi kết thúc học phần học kỳ I, năm học 2018 - 2019 của sinh viên Khoa Điều khiển và Tự động hóa đều chứa các ký hiệu lạ. Sau đó, những bài thi này đều đồng loạt được nâng điểm một cách khó hiểu.
Hai trong số rất nhiều bài thi tại Khoa Điều khiển và Tự động hóa bị phát hiện đánh dấu để nâng điểm bằng cách viết lên các ký hiệu lạ hoặc chép lại toàn bộ nội dung đề thi.
Đơn tố cáo nêu rõ, có ít nhất 13 túi bài thi bị phát hiện tình trạng sinh viên cố tình dùng các cách thức khác nhau để đánh dấu, viết lên các ký hiệu lạ như sử dụng đồng thời một số cụm từ in hoa, phía dưới chữ "BÀI LÀM" bao gồm: "BÀI THI MÔN: DTCS", "C1", "C2", "LTĐKTĐ2-3TC"... Hoặc thậm chí là chép lại toàn bộ nội dung đề thi vào mặt đầu tiên của trang giấy để nhận dạng - một hành động hiếm khi xảy ra với cách thi cử theo kiểu phát cho mỗi người một đề hiện nay.
Những túi bài này thuộc các môn: Truyền động điện, Điện tử công nghiệp, Điện tử công suất, Lý thuyết và điều khiển tự động...
Theo tố cáo, có ít nhất 3 giảng viên thuộc Khoa Điều khiển và Tự động hóa đã tham gia vào đường dây tiêu cực. Những người này đã cố tình hướng dẫn sinh viên cách thức viết ký hiệu vào bài thi rồi sau đó từ những đặc điểm nhận dạng dị thường, đã can thiệp thô bạo vào quá trình chấm thi hòng nâng điểm khống cho sinh viên.
Chỉ tính riêng trong 1 túi bài thi của môn Lý thuyết điều khiển tự động 2 đã ghi nhận tới 34 trường hợp được nâng ít nhất từ 0,5 tới 5 điểm. Như trường hợp số phách 601149 được nâng từ 3 điểm lên 7 điểm, số phách 601154 được nâng từ 1 điểm lên 6 điểm...
Tiếp nhận phản ánh của báo chí, tháng 7/2019, Thanh tra Bộ GD&ĐT đã vào cuộc và chỉ ra nhiều sai phạm trong công tác đào tạo tại trường Đại học Điện lực. Tiếp đó, tháng 10/2019, Thanh tra Bộ Công Thương cũng công bố quyết định thanh tra sau những lùm xùm kéo dài tại trường này. Quá trình làm việc Đoàn thanh tra đã phải gia hạn thời gian do có nhiều tình huống phức tạp.
Thanh tra Bộ Công thương nêu rõ, trách nhiệm để xảy ra những tồn tài, sai phạm trong công tác quản lý tài chính, đào tạo tại trường Đại học Điện lực thuộc về đảng uỷ nhà trường, trong đó có ông Trương Huy Hoàng - Bí thư, Hiệu trưởng nhà trường, ông Lê Anh Tuấn - Chủ tịch Hội đồng trường cùng một số lãnh đạo phòng, ban, đơn vị, cá nhân có liên quan như phòng Tổ chức cán bộ, phòng Kế hoạch Tài chính, phòng Đào tạo, phòng Thanh tra Pháp chế, phòng Quản lý đầu tư xây dựng, Trung tâm ACT, ART, khoa Điều khiển tự động hoá.
Chủ đề liên quan:
chức vụ đại học Đại học Điện Lực dấu hiệu điện lực hiệu trưởng Đại học Điện lực lạm dụng lạm dụng chức vụ lùm xùm tại Đại học Điện lực nghiệp quyền hạn sai phạm của Hiệu trưởng Đại học Điện lực Sai phạm tại Đại học Điện lực tốt nghiệp trượt tốt nghiệp xã hội