Sức khỏe và đời sống hôm nay

Sức khỏe và đời sống

Con không lớn nữa xin ngoại đừng già đi

Mới ngày nào đó tôi nói chắc như đinh đóng cột với ngoại rằng con không lớn nữa nên xin ngoại đừng già đi, còn bắt ngoại hứa. Vậy mà ngoại vẫn gật đầu cười nụ cười nhân hậu.

Con không lớn nữa xin ngoại đừng già đi - Ảnh 1.

Mới ngày nào đó tôi là đứa tấu hài cực mạnh làm cho cả đám bạn cười nắc nẻ về câu chuyện: "Bà mình năm nay gần 100 tuổi rồi. Nhiều khi thương bà mình bảo sao bà không đi chơi loanh quanh trong xóm với các cụ cho khuây khỏa". Bà trả lời: "Tao không thèm chơi với mấy cái bọn nít ranh bảy tám mươi đó".

Ấy vậy mà sắp kết thúc một năm. Một năm trôi đi ngoại lại già thêm một tuổi. Chiều nay, gió đông đến, lòng tôi giăng kín nỗi nhớ ngoại khôn nguôi.

Mới ngày nào đó tôi nói chắc như đinh đóng cột với ngoại rằng "con không lớn nữa nên xin ngoại đừng già đi", còn bắt ngoại hứa. Vậy mà ngoại vẫn gật đầu cười nụ cười nhân hậu.

Tôi thương ngoại nhiều lắm. Gần 100 tuổi rồi ngoại có đủ "con cháu chắt chút chít" đếm không hết. Cũng vì già rồi nên ngoại nhớ không hết bầy cháu, nhưng ngoại luôn nhớ tôi, thương tôi nhiều nhất, chắc do tôi không còn mẹ.

Tôi nhớ về bếp củi của ngoại. Là góc bếp nhỏ ngăn nắp, sớm chiều bềnh bồng làn khói êm ả như ru, trong khung cảnh ấy, ngoại tựa bà tiên độ lượng giữa bao la miền cổ tích. Ấy là căn nhà nhỏ nơi mà dù nắng hay mưa có khi giông bão vẫn là nơi ấm áp, cất giữ cả tuổi thơ tôi êm đềm.

Mỗi lần về thăm ngoại, dù làm mẹ rồi tôi vẫn nũng nịu nép vào lòng ngoại, muốn được ngoại ôm ấp vỗ về. Tôi thích ngắm khuôn mặt của ngoại. Nét mặt hiền từ lúc nào cũng cười. Nhiều người bảo tôi xinh giống ngoại. Tôi thích mùi trầu từ tóc ngoại phả ra ấm áp và nồng nồng. Hít hà cũng đủ thấy được bình yên sau những ngày mỏi mệt gồng gánh đi làm ở phố thị.

Thương đứa cháu nhỏ lâu ngày mới được về thăm, ngoại bao giờ người cũng dặn dò tôi thật kỹ, bàn tay lốm đốm vết đồi mồi dịu dàng nắm lấy tay tôi. Nhìn con gái tôi ngoại bảo "mặt giống cha nó như đúc nhỉ" rồi cười tít cả mắt với vẻ ngập tràn hạnh phúc. Cũng bởi thế mà dù có ngược xuôi giữa dòng đời với bao hoài bão, mơ ước, lòng tôi chưa bao giờ quên mất đường về với ngoại - bến đỗ bao dung và yên lành.

Nhớ về ngoại, là cái thời còn khó khăn, điện còn chưa có, ngoại bày tôi học chữ học đếm dưới ánh trăng, học dưới ánh đèn dầu. Không chỉ vậy, ngoại còn là một kho đầy ắp truyện cổ tích, truyện Tấm Cám, Thạch Sanh... Bao giờ cũng thế, khi kể xong ngoại lại khuyên bảo tôi những điều hay lẽ phải, những bài học trong cuộc sống.

Nhớ về ngoại, tôi nhớ tất thảy những gì thân thuộc từng ngày gắn bó với người. Là dáng lưng còng mà tôi hay ví như dấu hỏi lom khom quét lá khô rụng đầy, là cái chum đựng nước đã lên rêu, là cái quạt mo cau quạt cho tôi ngủ những trưa hè oi bức. Là những buổi chiều chờ ngoại đi chợ về cho cái kẹo, ly chè, là nhiều rất nhiều kỷ niệm thân thương.

Gió đông đã len lỏi về, mắt cay xè khi nhớ thương về ngoại. Chắc giờ này ngoại đang nhóm lửa cho ấm cả căn nhà. Vẫn là ánh mắt nhìn xa xăm như trông ngóng cháu chắt về quây quần ôm ấp. Ngoại à, ngoài kia nhiều mệt nhoài vẫn muốn ngoại gật đầu hứa như năm đó rằng "con không lớn nữa xin ngoại đừng già đi" có được không?

Con sẽ đếm ngược thời gian để Tết được về ôm sà vào lòng ngoại.

Theo Nguyễn Thị Thùy Hương/Dân Trí

Mạng Y Tế
Nguồn: Gia đình (http://giadinh.net.vn/gia-dinh/con-khong-lon-nua-xin-ngoai-dung-gia-di-2020121410381799.htm)

Chủ đề liên quan:

già đi gia đình tâm sự

Tin cùng chuyên mục

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY