Ngày 27/7, bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hương, khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Medlatec, cho biết khi mang thai hệ miễn dịch của mẹ bầu yếu hơn, rất dễ bị tấn công bởi các virus. Bệnh nhân này không chỉ được chẩn đoán bị cúm A, mà còn mắc cả sốt xuất huyết.
"Việc đồng nhiễm hai bệnh truyền nhiễm trên thai phụ là rất nguy hiểm, làm tăng nguy cơ, biến chứng ở cả mẹ và thai nhi như gây dị tật thai nhi, sảy thai, chết lưu, sinh non hoặc nguy cơ tiền sản giật", bác sĩ Hương nói. May mắn bệnh nhân đến viện khám sớm nên được chẩn đoán và điều trị hiệu quả, tránh các biến chứng.
Cúm mùa gây ra bởi các virus cúm là bệnh truyền nhiễm, lây chủ yếu qua đường hô hấp và dễ bùng phát thành dịch. Cúm mùa tiến triển thường lành tính, nhưng cũng có thể biến chứng nặng và nguy hiểm hơn ở người có bệnh lý mạn tính về tim mạch và hô hấp, người suy giảm miễn dịch, người già (trên 65 tuổi), trẻ em (dưới 5 tuổi) và phụ nữ có thai. Bệnh có thể tiến triển nặng gây viêm phổi nặng, suy đa phủ tạng dẫn đến tử vong.
Tại Việt Nam, các virus gây bệnh cúm mùa thường gặp là cúm A/H3N2, A/H1N1 và cúm B. Bệnh này xảy ra hàng năm, thường vào mùa đông xuân, nhưng năm nay bệnh bùng phát và diễn biến mạnh trong mùa hè.
Trung tâm xét nghiệm medlatec nửa đầu tháng 7 có gần 5. 000 trường hợp xét nghiệm cúm, trong đó số ca dương tính là khoảng 2.500, với cúm a chiếm 97%, còn lại là cúm b. nhóm tuổi có tỷ lệ mắc cao nhất là trên 18, chiếm gần 50%. so với tháng 1/2021, 1/2020 được xem là thời gian cao điểm của dịch cúm, thì tỷ lệ mắc vẫn thấp hơn những ngày đầu tháng 7 năm nay.
Người dân xét nghiệm cúm và sốt xuất huyết tại bệnh viện. ảnh: thu ngô
Bác sĩ Trần Tiến Tùng, Chuyên khoa Truyền nhiễm, cho biết triệu chứng đặc trưng cúm là sốt cao đột ngột, rét run, đau đầu, đau mỏi mình mẩy, viêm họng, chảy nước mũi, nhưng có thể nhầm lẫn với cảm lạnh thông thường và cúm. Vì vậy, xét nghiệm được xem là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán cúm.
Chẩn đoán chính xác cúm có ý nghĩa quan trọng trong phát hiện sớm bệnh để làm giảm việc sử dụng kháng sinh không đúng và lựa chọn liệu pháp kháng virus. Đồng thời, chẩn đoán kịp thời, bệnh nhân được cách ly và điều trị nên hạn chế biến chứng và khả năng lây lan ra cộng đồng.
Phụ nữ mang thai tuyệt đối không được tự ý mua thuốc sử dụng tại nhà nếu không có tư vấn của bác sĩ. Theo dõi sát nhiệt độ, vì sốt có thể gây ảnh hưởng khôn lường cho thai. Nếu sốt trên 38 độ C, mẹ bầu cần hạ sốt bằng chườm ấm, dùng thuốc hạ sốt theo hướng dẫn của bác sĩ, bổ sung nước và tăng cường các loại nước trái cây (nước chanh, cam, bưởi, dưa hấu...), mặc quần áo rộng, mỏng. Mang khẩu trang, vệ sinh bàn tay, tuân thủ các biện pháp phòng dịch. Tiêm phòng cúm hàng năm là biện pháp phòng bệnh hữu hiệu.
Để tránh bệnh sốt xuất huyết cần mắc màn khi ngủ, vệ sinh môi trường sống sạch sẽ nhằm không cho muỗi vằn phát triển, tránh đến nơi có người mắc để hạn chế lây nhiễm.