Tâm sự hôm nay

Cuộc chiến chống Diêm vương Ai sẽ phải cúi mặt?

Khi có một biến động, chúng ta sẽ nhận ra các khía cạnh khác nhau của cùng một vấn đề.
Khi có một biến động, chúng ta sẽ nhận ra các khía cạnh khác nhau của cùng một vấn đề. Cuộc sống giống như một khu rừng êm đềm, đến khi có một phát súng chỉ thiên mới bộc lộ rõ bản chất của nó: đó là sự hỗn loạn.

Chỉ với một hành động đơn giản để xác định bản chất: một kẻ thiếu hiểu biết, côn đồ, đưa vợ vào Khoa Cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai, không giữ được bình tĩnh mà lao vào đánh nhân viên y tế, trong đó có một nữ điều dưỡng mang bầu 7 tháng. Đó trước hết là hành động côn đồ vi phạm pháp luật và không-thể-biện-minh được. Nhưng chúng ta hãy cùng phân tích dư luận xung quanh vấn đề này. Chiều hướng thứ nhất, chúng ta kiên quyết phản đối những hành động côn đồ coi thường pháp luật. Nhân vật chính của câu chuyện rõ ràng đã bộc lộ phần “con”, giống như một kẻ chỉ biết đến sức mạnh và sự thống trị bằng sức mạnh để đàn áp người khác. Anh ta cho rằng một tình trạng đau bụng do rối loạn tiêu hóa nhưng mọi chỉ số sinh tồn đều đang ổn định của vợ anh ta nặng nề hơn những người đang hôn mê, phải thở máy, phải hỗ trợ tuần hoàn bằng dịch và các Thu*c vận mạch (loại Thu*c được sử dụng để tăng khả năng vận chuyển máu của hệ tuần hoàn). Trong khi anh ta còn được nghe vợ mình rên rỉ và kêu la, có những người thân chỉ biết nhìn từng giọt dịch truyền đang được đưa vào cơ thể của vợ mình, chồng mình, ông hay bà mình. Trong khi anh ta “bấn loạn” vì không thấy vợ mình được chăm sóc gì thêm thì người khác đang phải tuyệt vọng vì thấy người nhà mình đang được các nhân viên y tế lao vào bóp bóng, đặt nội khí quản, truyền các Thu*c vận mạch để mong nhịp tim còn hiện lên trên màn hình theo dõi.

Đối với cấp cứu y khoa, chúng tôi không phân loại bệnh nhân dựa vào sự hung hãn, khả năng chà đạp và xúc phạm người khác hay những đồng tiền được gói trong phong bì, chúng tôi dựa vào mức độ nặng của bệnh nhân. Đương nhiên, đã vào cấp cứu thì bệnh đều nặng, nhưng có lẽ “nặng” ở mức độ nào thì chỉ có các bác sĩ mới nắm được rõ nhất. Có người kêu la thảm thiết nhưng các xét nghiệm, các chỉ số sinh tồn đều ổn định, như vậy làm sao có thể so sánh với một người đã không còn khả năng kêu la nữa??? Hành động của anh ta đã cản trở công việc của những nhân viên y tế để cứu những người bệnh khác ở cùng thời điểm đó. Anh ta không có quyền cướp đi cơ hội sống của những người khác, điều đó còn hơn cả một sự ích kỷ, đó là sự tàn nhẫn. Những kẻ côn đồ tại bệnh viện có lẽ đã không biết phân biệt đâu là nơi phô diễn sức mạnh và đâu là nơi cần lòng yêu thương.

Chiều hướng thứ hai, lên án những hành động và lời nói vô tình của nhân viên y tế. Đây là một trào lưu không chỉ xuất hiện ở Việt Nam, không chỉ xuất hiện mới đây, mà đó đã là một chủ đề được bàn đến ở nhiều nơi và đã từ lâu. Bạn có tin rằng nếu như không có bảo hiểm và không có tiền, bạn sẽ bị bệnh viện từ chối cứu chữa? Đó là quyền của bệnh viện ấy, dù rằng người nhà của bạn đang sắp ch*t? Nhưng may mắn cho chúng ta, điều đó chỉ xảy ra trên đất Mỹ. Tại Việt Nam, không thể kể hết các trường hợp bệnh viện tuyến Trung ương cứu chữa cho những người bệnh không người thân. Có những trường hợp được đưa vào bệnh viện trong tình trạng hôn mê, trên người không còn giấy tờ tùy thân (có thể bị lấy đi khi đã bất tỉnh) và chúng tôi phải cứu mạng sống của họ trước tiên. Mọi chi phí sau đó nếu không lấy lại được thì bệnh viện và bác sĩ phải chi trả. Đó là hành xử thông thường đến mức chẳng buồn kể ra.

Ngược lại, có một bộ phận nhân viên y tế do sức ép công việc, do sự đi xuống của đạo đức mà chúng tôi gọi là “tu không đến chính quả của đạo làm Y”, đã có những thái độ nóng nảy và quát tháo người bệnh và người nhà. Quả thực, ngành y tại Việt Nam đang được hiểu như một cái Đạo mà trong đó, nhân viên y tế giống như các đạo sĩ. Đây là một ngành xã hội đặc thù bởi những hành động yêu thương chăm sóc con người, những trận chiến giành giật lại mạng sống từ tay của diêm vương, bởi vậy, các tu sĩ của Y đạo phải luôn là tấm gương yêu thương con người, là tấm gương của sự thân thiện và trìu mến.

Nhưng ở môi trường cấp cứu thì phải khác. Liệu có bao nhiêu người chịu được cảnh: chiến đấu giành giật với diêm vương hết ngày này tháng khác mà vẫn dành thời gian tươi cười với những ca bệnh cấp cứu? Và đôi khi những nụ cười trong tình trạng bệnh nặng của người khác thực sự rất vô duyên và phản cảm. Rõ ràng Y đạo dù có được tô vẽ đẹp đến đâu thì chúng ta cũng phải quay lại thực tại: tất cả những đơn vị cấp cứu y tế đều luôn trong tình trạng căng thẳng và sặc mùi ch*t chóc. Đó không phải là nơi dạo chơi để “thưởng nguyệt lãm hoa”. Đó là chiến trường. Nếu đặt địa vị là một người đang bị (diêm vương) đánh và có một người khác (nhân viên y tế) lao vào cứu mình (người nhà mình) thì bạn có lao vào đánh hay hỏi han những câu rất vô nghĩa với người đang bảo vệ mình hay không?

Một sự thật có phần lố bịch khác là ở các khoa cấp cứu, nếu thân thiện với người bệnh (người nhà) thì bạn sẽ phải bỏ ra thời gian dài gấp đôi để giải thích một câu chuyện đơn giản. Những người nhà của chúng ta giống như đang trong cơn khát của thông tin để mong hiểu được chuyện gì đã xảy ra với người bệnh, trong khi họ không hiểu được rằng để có câu trả lời chính xác thì bác sĩ và nhân viên y tế phải rất tập trung. Sự can dự của người nhà bệnh nhân sẽ làm giảm đáng kể mức độ tập trung vào công việc của nhân viên y tế. Vậy thì để lựa chọn giữa giữ mạng sống con người và một sự thân thiện mang tính viển vông, chúng tôi buộc phải tiết kiệm thời gian cho mục tiêu cứu người.

Nguồn gốc của những cơn khát thông tin của người bệnh và người nhà bệnh nhân chính bởi họ quá thiếu những kiến thức cơ bản về cơ thể con người, về các bệnh phổ biến và về các tình trạng cấp cứu. Khi đi giữa một hoang mạc thì chỉ cần có một con chim nhỏ kêu lên, bạn cũng sẽ tưởng rằng có một con quái vật sắp lao đến. Có những ảo tưởng như vậy là bởi vì ở thời điểm đó, bạn đã mất định hướng.

Khía cạnh cuối cùng của câu chuyện, nhân viên y tế có phải cúi mặt sau khi bị người nhà bệnh nhân lao vào hay không? Có. Anh chồng côn đồ phải cúi mặt trước pháp luật, nhiều kẻ phải cúi mặt vì thái độ thiếu kiên nhẫn và thiếu hợp tác ở phòng cấp cứu, một số nhân viên y tế phải cúi mặt vì là con sâu không đạt độ chín của Y đạo. A9 Bạch Mai chắc chắn là một nơi không thể nào chê về cả chuyên môn lẫn Y đạo, nhưng có lẽ ở đâu đó trên đất nước này, chúng ta không biết hết được, vẫn còn có kẻ đội lốt “chiến binh Y tế” tham gia cuộc chiến với diêm vương mà lợi dụng sự lo lắng của người nhà bệnh nhân để trục lợi cá nhân. Chính những con sâu ấy khiến cho các “đạo sĩ chân chính” của Y đạo bị thành kiến và do đó, khoét sâu thêm vào khoảng cách giữa người dân và nhân viên y tế. Có lẽ cũng đã đến lúc chúng ta cần phải khai trừ quyết liệt những KẺ-MẠO-DANH đang còn lẩn khuất. Không thể để có thêm một sự ủng hộ nào từ xã hội đối với hành động côn đồ mất nhân tính mà nạn nhân là nhân viên y tế.

BS. Thanh Huyền

Mạng Y Tế
Nguồn: Nguồn Internet (news-cuoc-chien-chong-diem-vuong-ai-se-phai-cui-mat-5719.html)
Từ khóa: diêm vương

Chủ đề liên quan:

cuộc chiến diêm vương

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY