Tâm linh hôm nay

Cuộc sống đời thường trên thế gian

Cuộc sống đời thường của con người trên thế gian, chúng ta thường nghĩ là quá quen thuộc, chúng ta đã biết quá rõ bởi vì đã trải qua rất nhiều năm tháng với nó. Thật ra đó là một ý nghĩ rất sai lầm, bởi vì thực ra chúng ta không hiểu mấy về cuộc sống của chính mình. Tại sao? Dưới đây là một số câu trả lời cho câu hỏi tại sao chúng ta chưa hiểu mấy về cuộc sống của chính mình.

Không biết thế gian và cuộc sống con người từ đâu mà có


Tuyệt đại đa số người trên thế gian dù hữu thần hay vô thần đều cho rằng thế giới vật chất là tự nhiên có, hoặc là do một đấng sáng tạo làm ra, nó có sẵn trước khi con người sinh ra. Thế giới là độc lập, khách quan, đối với ý thức của con người. Triết thuyết này đã có từ thời xa xưa và tới thời cận và hiện đại, những nhà triết học và nhà khoa học đã phát biểu lập trường rõ ràng về quan niệm này có thể kể là Karl Marx và Einstein. Cái triết thuyết mà họ đưa ra dù có đặt tên chính thức hay không chính thức, được gọi là chủ nghĩa duy vật (materialism). Họ cho rằng vũ trụ, thế giới là có thật, đó là thế giới có nền tảng là vật chất. Ý thức của con người chẳng qua là sản phẩm của bộ não. Bộ não người là một cấu trúc tinh vi phức tạp, được hình thành qua quá trình hàng tỉ năm tiến hóa của vật chất, từ vô cơ tới hữu cơ, từ sinh vật đơn giản chỉ có một tế bào cho tới sinh vật vô cùng phức tạp cao cấp nhất là con người.


Giữa Karl Marx và Einstein cũng có chỗ khác nhau. Einstein tin có Chúa là Đấng Sáng Tạo nhưng đó không phải là nhân vật hữu ngã mà là một sức mạnh vô ngã có trí tuệ, có khả năng hướng dẫn vật chất tạo ra sinh vật và con người. Marx thì không tin có Chúa, cho rằng chỉ có vật chất tự thân vận động theo quy luật tự nhiên, theo thuyết tiến hóa của Darwin để hình thành thế giới mà chúng ta thấy ngày nay. Nhưng cả hai đều có sai lầm rất cơ bản, nó chứng tỏ họ không thật sự biết thế gian và cuộc sống con người từ đâu mà có.


Thuyết sinh vật tiến hóa của Darwin qua thế kỷ 21 đã bị phản bác rất nhiều, tỏ ra không còn đáng tin cậy nữa. Có thể xem chi tiết tại website này:


Bất đồng quan điểm về khoa học với học thuyết Darwin

https://viethungpham.com/2016/08/15/scientific-dissent-from-darwinism-bat-dong-quan-diem-ve-khoa-hoc-voi-hoc-thuyet-darwin/


Nhận thức cơ bản của chủ nghĩa duy vật cũng đã bị khoa học phản bác. “Vật chất tồn tại độc lập, khách quan đối với ý thức” là một quan điểm sai lầm mà cả Karl Marx và Einstein đều phạm phải.


Thí nghiệm hai khe hở chứng tỏ vật chất (cụ thể là hạt electron) không độc lập đối với ý thức.


Double Slit Experiment – Thí Ngiệm Hai Khe Hở – Phụ đề Việt ngữ

https://www.youtube.com/watch?v=65zcksBusxA


Cuộc tranh cãi lớn giữa Niels Bohr và Einstein đã kết thúc vào năm 1982. Quan điểm của Einstein cho rằng thế giới là khách quan, hạt photon lúc nào cũng có sẵn đặc trưng như: vị trí, khối lượng, điện tích, số đo spin, đã bị chứng minh là sai lầm. Nguyên lý bất định của Werner Heisenberg công bố năm 1927 có ý nghĩa khoa học và triết học vô cùng cơ bản. Thí nghiệm của Alain Aspect năm 1982 tại Paris về liên kết lượng tử (quantum entanglement) chứng minh rằng hạt photon không có sẵn những đặc trưng kể trên. Những đặc trưng đó chỉ xuất hiện khi con người tiến hành quan sát và đo đạc. Nó chứng tỏ rằng những đặc trưng đó là do con người gán ghép cho vật. Hay nói một cách rõ ràng hơn như kinh điển Phật giáo từ lâu đã nói: Tất cả các pháp đều không có tự tính (Nhất thiết pháp vô tự tính 一切法無自性). Mọi tính chất của các pháp đều do con người tưởng tượng ra, mà kinh điển dùng thuật ngữ “thế lưu bố tưởng” (tưởng tượng đã lưu truyền phổ biến trên thế gian). Ví dụ:

Dương Quý Phi do Phạm Băng Băng sắm vai

Hình ảnh Dương Quý Phi chỉ là tưởng tượng của con người. Chứ bản thân tấm ảnh chỉ là những điểm ảnh (pixels) vô nghĩa. Chỉ có con người mới tưởng tượng đó là ảnh của Dương Quý Phi, một trong tứ đại mỹ nhân Trung Quốc, chứ đối với con mối, ảnh của Dương Quý Phi không hề tồn tại, nó chỉ cảm thấy đó là giấy có thể ăn được. Rồi khi ảnh đó được dựng lên trong không gian ba chiều, chỉ có con người là tưởng tượng đó là Dương Quý Phi trong cơ thể bằng xương bằng thịt của Phạm Băng Băng. Nhưng đối với những con vi trùng thì Phạm Băng Băng không tồn tại, chúng chỉ cảm nhận có máu, thịt, tế bào… Nhưng máu, thịt, tế bào vẫn còn là tưởng tượng của chúng, đi sâu hơn nữa vào cấu trúc phân tử và nguyên tử, chỉ còn là proton, neutron, electron. Mà theo kết quả khảo sát của Alain Aspect năm 1982, các hạt cơ bản như photon, electron cũng chỉ là tưởng tượng của con người chứ không có thật. Sự thật là cái gì thì không ai biết. Triết gia Immanuel Kant từ thế kỷ 18 đã gọi đó là điều bất khả tri. Vật tự thân, hay vật tự thể (Das Ding an sich) nó là cái gì thì không ai biết, không ai có thể biết, người ta chỉ có thể gán ghép tưởng tượng của mình cho nó mà thôi.


Mỗi khi con người nhìn nó thì nó liền biến thành hạt vật chất electron với những đặc trưng do con người tưởng tượng và các nguyên tử, phân tử và sự nhân rộng của các cấu trúc ảo của vật chất để cuối cùng thành thân thể của sinh vật, nhà cửa, xe cộ, vật dụng, sơn hà, đại địa, biển đảo, hành tinh, ngôi sao và vô số thiên thể trong vũ trụ.


Như vậy thế giới vật chất hay cõi thế gian là một sự tưởng tượng đồng bộ của sáu giác quan (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân thể, ý thức). Sáu giác quan hội tụ lại trong một cái “ngã”, cái tôi mà Duy Thức Học gọi là Mạt-na thức. Và tất cả chúng sinh trong Tam giới đều nằm trong một kho chứa khổng lồ vô cùng lớn gọi là A-lại-da thức.


Vật chất chỉ là cảm giác và tưởng tượng. Vật chất không thật sự có những đặc tính như: cứng, đặc, hình dáng, màu sắc, mùi thơm, thúi, vị ngọt, mặn, chua, chát, cảm giác trơn, nhám, êm ấm hay nóng rát…Tất cả mọi cảm giác đó đều là tưởng tượng của sáu giác quan. Mạt-na thức dựa vào tập khí, thói quen của nó, đối chiếu với cấu trúc ảo cũng do nó phóng hiện ra và tưởng tượng đồng bộ thành vật. Sự kiện này khoa học gọi là sự sụp đổ chức năng sóng và xuất hiện hạt vật chất như photon, electron và các hạt cơ bản khác, từ đó xuất hiện nguyên tử, phân tử rồi cố thể vật chất. Quá trình này được mô tả trong video sau :


Vạn Pháp Duy Thức


A-lại-da thức của Duy Thức Học được kinh điển Phật giáo gọi chung là Tâm. Tâm là bao gồm tất cả không phân biệt chơn vọng. Một thuật ngữ khác gọi là Bất nhị. Bất nhị không phải là Một cũng không phải là Nhiều, mà là không có số lượng (non quantity). Khi khoa học nghiên cứu về lượng tử thì khám phá ra 3 tính cơ bản của lượng tử là không có thật (non realism), không có vị trí nhất định (non locality) và không có số lượng (non quantity).


Như vậy Phật giáo nói Tâm là nguồn gốc của thế gian và con người. Người đời có biết hay không ? Thế gian là do tưởng tượng chứ không phải có thật. Chính vì vậy Bát Nhã Tâm Kinh mới nói : Không có vô minh, không có hết vô minh; Không có già ch*t, cũng không có hết già ch*t (無無明、亦無無明盡、乃至無老死、亦無老­死盡 VÔ VÔ MINH, DIỆC VÔ VÔ MINH TẬN, NÃI CHÍ VÔ LÃO TỬ, DIỆC VÔ LÃO TỬ TẬN )


Sở dĩ Kinh nói không có, bởi vì tất cả mọi cảnh giới đều chỉ là tưởng tượng chứ không phải có thật. Tưởng tượng đó không phải chỉ có ý thức mà cả 6 thức đều tưởng tượng đồng bộ, bởi vậy con người không thể hình dung nổi là thế gian không có thật. Sở dĩ kinh nói không có hết Già ch*t, không có hết sinh tử Sinh Tử, không có hết Vô Minh, bởi vì đó là biểu hiện của Tâm. Tâm là không có gì cả, nhưng biểu hiện của nó là Vật chất, là Sinh Tử. Điều kiện cần thiết để có biểu hiện thành cuộc sống thế gian là phải có Vô Minh. Trong nhất niệm vô minh của Tâm thì hạt photon, electron, các hạt cơ bản xuất hiện, cố thể vật chất xuất hiện, thế gian xuất hiện, sinh tử xuất hiện.


Những lầm tưởng cơ bản của con người


Từ chỗ tưởng tượng vật chất là có thật, là vững chắc, cái ta là có thật, con người phát sinh rất nhiều thứ mê lầm. Những mê lầm này khiến cuộc sống con người trên thế gian trở nên bất hạnh.


Một trong những bất hạnh đó là ham muốn, tranh giành, bạo lực, chiến tranh. Chiến tranh xảy ra khi con người tranh giành tài nguyên, lãnh thổ. Như cuộc chiến tranh tại Syria hiện nay là một thí dụ. Sau 5 năm chiến tranh, đã có 250.000 người ch*t, 1,6 triệu người bị thương, 11 triệu người (một nửa dân số) bỏ nước ra đi chủ yếu sang Châu Âu, hàng ngàn người bỏ mạng trên biển trong đó có trẻ em, là những ảnh gây xúc động.


Chiến tranh vũ trang giữa các quốc gia là hình thái dữ dội nhất của mê lầm chấp ngã và chấp pháp. Còn trong cuộc sống đời thường, trong gia đình thì anh chị em tranh giành tài sản, ngoài xã hội thì cướp bóc, giựt dọc, Gi*t người cướp của. Ngày nay còn có những hình thái tệ hại khác như đánh bom tự sát, xả súng bừa bãi nơi công cộng, trường học…


Lỗ Tấn (1936 –2012) trong Nhật Ký Người Điên, ông nói :


“Mình là một kẻ có truyền thống ăn thịt người trên bốn nghìn năm”…”Mình đã sống bao nhiêu năm ở một nơi mà người ta ăn thịt lẫn nhau từ bốn nghìn năm nay”…

Lỗ Tấn là nhà văn Trung Quốc nổi tiếng, bậc thầy thể loại truyện ngắn, người đặt nền móng cho văn chương hiện đại Trung Quốc. Chủ đề “truyền thống ăn thịt người của dân tộc Trung Hoa” ám ảnh suốt những trang văn của ông như một lời cảnh báo nước Trung Hoa đã, đang và sẽ bị chủ nghĩa DUY ÁC thống trị. Ông kể ra một số câu chuyện :


Tuyệt tác “ Tây Du ký” của Ngô Thừa Ân mô tả sư phụ Trần Huyền Trang và đệ tử Trư Bát Giới đi thỉnh Kinh Thiên Trúc đã mấy lần bị yêu quái, bị bọn đầu lĩnh lục lâm thảo khấu toan làm thịt ăn nếu không có đệ tử Tôn Ngộ Không kịp đến cứu thoát…Ngay cả một số nữ yêu quái xinh đẹp cũng thèm ăn thịt nhà sư điển trai này…


“Đông Chu liệt quốc” từng kể nhiều chuyện ăn thịt người như là một truyền thống văn hóa Trung Hoa. Chỉ xin nêu ra mấy thí dụ :


Tề Hoàn công được coi là minh quân thời Xuân Thu, từng làm chủ soái chư hầu trong 35 năm, được sử phong là vua tốt có văn hóa “Hoàn văn”, lại chỉ thèm món thịt trẻ con, nghe nói ngon lắm mà mình chưa được ăn. Dịch Nha là bề tôi nịnh thần chiều ý nhà vua, bèn về đè con trai thừa tự của mình ra giết thịt, làm ra các món ngon tuyệt dâng Tề Hoàn công. Tề Hoàn công khen món thịt trẻ con ngon nhất trần đời, bèn ngỏ ý tháng nào cũng ăn cho đỡ nhớ…


Một thuở Nước Sở vây thành nước Tống. Người Tống hết lương thực, bèn đổi con cho nhau mà giết ăn, còn xương trẻ con thì dùng thay củi nhóm lửa để nhà này xào nấu thịt trẻ con nhà khác và ngược lại…

Tấn Châu Xước bắt được hai tướng nước Tề là Thực Xước và Quách Tối bèn giết thịt ăn, da hai ông này dùng làm nệm trải gường vừa êm vừa ấm…


Đến các thủy thần trên hàng nghìn con sông lớn bé Trung Hoa mỗi năm cũng ăn thịt đến hàng trăm ( có thể hàng nghìn) gái trinh vô tội. Mỗi lần thủy thần dâng vỡ đê lụt lội, dân làng lại phải ném một cô gái trinh còn sống xuống sông cho Thủy thần ăn tươi nuốt sống…


Sau khi kể một số câu chuyện về ăn thịt người, nhà văn Lỗ Tấn đi đến kết luận rằng Nho Giáo của Khổng Tử phải chịu trách nhiệm về truyền thống ăn thịt người đó.


“Học thuyết ăn thịt người” là lời lên án không thể nặng hơn của Lỗ Tấn hồi đầu thế kỷ XX khi ông đánh thức văn hóa Trung Hoa về bộ mặt của Nho giáo. Lúc đó, dưới ảnh hưởng của phong trào “Ngũ Tứ”, khắp Đông Á, Nho giáo được nhìn nhận bằng con mắt phê phán nghiêm khắc nhất trong so sánh với văn hóa Phương Tây. Những níu kéo, cản trở của Nho giáo trong xã hội hiện đại được phân tích, phải nói là, khó có thể sâu sắc hơn.


Ở Trung Quốc đại lục, ngay trong cơ chế mệnh lệnh – hành chính, Khổng tử vẫn tồn tại như một thực thể chính trị đến mức bị đem ra phê phán cùng với Lâm Bưu cuối những năm 60 (thế kỷ XX) trong thời “Cách mạng văn hóa”. Với sự kiện này, một lần nữa các di sản văn tự Nho giáo lại bị mất mát. Mộ Khổng tử ở Khúc Phụ cũng suýt bị quật lên. Những tưởng Nho giáo sẽ vĩnh viễn đi vào lịch sử, nhưng không.


Ở các xã hội Nho giáo khác – Đài Loan và Hồng Kông, Hàn Quốc và Singapore, Nho giáo chẳng những không mất đi vị thế của mình trong những thập niên công nghiệp hóa, mà ngược lại còn được đánh giá là nhân tố văn hóa tích cực, góp phần làm nên những con hổ mới (NICs/NIEs) ở Đông Á. Các giá trị cần cù, hiếu học, cộng đồng, trách nhiệm, gia đình… được đã được nhiều học giả Đông và Tây coi là những phẩm chất tốt đẹp mà các nước NICs biết kế thừa và duy trì từ truyền thống văn hóa Nho giáo.


Ngày nay, xu hướng đánh giá tích cực, thậm chí đề cao Nho giáo lại được hồi phục bắt đầu từ cuối những năm 80 (thế kỷ XX) ngay tại Trung Quốc Đại lục. Theo tuyên bố của Văn phòng Tiểu tổ lãnh đạo công tác dạy Hán ngữ đối ngoại nhà nước (viết tắt Hanban tức Hán Biện漢辦) Học viện Khổng Tử (孔子学院) là một cơ quan trao đổi giáo dục và văn hóa do Hanban thành lập trên phạm vi toàn cầu nhằm phổ cập Hán ngữ, truyền bá văn hóa và Quốc học Trung Hoa. Học viện Khổng Tử đầu tiên trên thế giới được Hanban thành lập tại Seoul thủ đô Hàn Quốc ngày 21/11/2004. Tính đến tháng 10/2014 đã có 471 Học viện Khổng Tử (孔子学院Confucius Institute, thông thường đặt tại các trường đại học nước sở tại) và 730 Lớp học Khổng Tử (Confucius Classroom, 孔子课堂, tại các trường trung học và tiểu học) được lập ra tại 125 quốc gia và vùng lãnh thổ trên phạm vi toàn cầu.


Những chuyện của Lỗ Tấn kể không phải không có, nhưng ngày nay chúng ta hoàn toàn thấy rõ, hiểu rõ, chính ông là người gán ghép cho Nho Giáo cái đặc tính “ăn thịt người” chứ không phải nó vốn có. Việc đó cũng giống như Einstein và tất cả chúng ta, là những người gán ghép cho hạt photon hoặc hạt electron các đặc trưng như vị trí, khối lượng, điện tích, số spin, chứ không phải chúng vốn có.


Lầm tưởng cơ bản là cho rằng ta khác với người. Ta và người trở thành thù địch và tàn hại lẫn nhau. Không biết rằng ta và người đều xuất phát từ một Tâm bất nhị. Lầm tưởng cơ bản nữa là cho rằng các pháp nhất là vật chất là có thật, là hữu hạn, nên mọi người xúm lại tranh giành.


Ngoài chuyện tranh giành dẫn đến chiến tranh xung đột. Con người còn có nhiều mê lầm khác về các cảnh giới trên thế gian. Ngay cả các nhà khoa học cũng không hoàn hiểu rõ về thế giới vật chất nên lý giải của họ mang tính chất thiển cận. Ví dụ về vấn đề thiên tai.


Ví dụ đối với một trận động đất. Khoa học cho rằng do cấu tạo địa tầng có những vết nứt gãy, các khối địa chất đè ép nhau, trượt lên nhau gây ra động đất. Giải thích của họ rất có lý. Nhưng nó thiển cận ở chỗ nào ? Nó không hiểu được tại sao lại có cấu tạo địa tầng, tại sao có những vết nứt gãy. Khoa học không thể hiểu được tại sao vỏ Trái đất mong manh, trôi nổi trên một đại dương dung nham nóng chảy. Với cấu tạo địa chất như vậy không thể không có động đất. Nhưng tại sao lại có cấu tạo địa chất như vậy ? Khoa học không thể có câu trả lời rõ ràng, họ cho rằng thế giới tự nhiên là như vậy.


Đức Phật là bậc thánh trí giác ngộ, thấu hiểu rằng chính cái tâm điên đảo, cộng nghiệp dữ dằn, mê muội, luôn chao đảo của chúng sinh là nguồn gốc của cấu tạo mong manh dễ sụp đổ như vậy. Còn những chúng sinh có đức hạnh, tâm có nguyện lực thanh tịnh vững chắc thì tạo thành cõi giới cực lạc do Phật A Di Đà giáo hóa. Cảnh giới đó như sau : (trích trong các kinh Vô Lượng Thọ, Quán Vô Lượng Thọ và Phật Thuyết A Di Đà Kinh).


1 – Bảo Ðịa


Toàn cõi Cực Lạc, đất lưu ly trong suốt. Phía dưới có tràng kim cương nâng đỡ. Tràng kim cương ấy tám góc đều đặn, mỗi mặt có trăm thứ bảo châu. Mỗi bảo châu phóng nghìn tia sáng. Mỗi tia sáng có 84.000 màu, chói đất lưu ly sáng như nghìn ức mặt trời. Mặt lưu ly bằng phẳng, có dây vàng ròng cùng thất bảo giăng phân khu vực và đường xá. Mỗi dây báu phóng ra tia sáng trăm màu. Tia sáng ấy hình như hoa, như sao, như trăng, chiếu lên kết thành đài sáng chói ở giữa chừng không. Bên những đài sáng ấy có trăm ức tràng hoa, cùng vô số nhạc khí. Từ trong đài sáng thổi ra tám thứ gió nhẹ mát, làm rung động những nhạc khí ấy reo lên tiếng diễn nói pháp “Khổ, Không, Vô Thường, Vô ngã, Từ bi, Hỷ Xả, các pháp Ba La Mật”.


2 – Bảo Thọ


Trên bảo địa có vô số cây Chiên-đàn hương, vô số cây Kiết Tường quả, ngay hàng thẳng lối, nhánh, lá, bông, trái đều đặn chỉnh tề. Mỗi cây cao 8.000 do tuần. Thân, lá, bông, trái đều là chất thất bảo. Hoặc thứ cây thuần vàng, thuần bạc, thuần lưu ly, thuần pha lê, thuần xa cừ, thuần mã não, thuần chơn châu. Hoặc thứ cây gốc vàng thân bạc, nhánh, lá, thân, trái cũng phân vàng bạc, đây là cây hai chất báu. Có thứ cây gốc vàng, thân bạc, nhánh lưu ly, lá, bông, trái cũng phân vàng, bạc, lưu ly, đây là cây ba chất báu. Hoặc thứ cây thời bốn chất báu, thứ thời năm chất báu, thứ thời sáu chất báu, thứ thời bảy chất báu, cùng xen lẫn nhau hiệp thành.


Tất cả Phật sự trong cõi Cực Lạc đều hiện rõ bóng trong cây, và cả thập phương thế giới cũng hiện bóng rõ trong cây, như trong gương sáng.


Mỗi lá rộng 25 do tuần, một nghìn màu, đồng phát ánh sáng đẹp, làm gân lá như chuỗi ngọc.


Những bông xinh đẹp sắc vàng diêm phù đàn xen trong kẽ lá, sáng rỡ như những vòng lửa. Trên bông tự nhiên có trái thất bảo hình như chiếc bình quý của Thiên Ðế. Nơi trái phóng ra ánh sáng lớn tụ thành vô lượng tràng phan cùng bảo cái. Trong bảo cái ấy chói hiện tất cả Phật sự trong nước Cực Lạc cùng cả thập phương thế giới.


Bảy lớp lưới kết bằng diệu chơn châu giăng trên mỗi bảo thọ. Mỗi khoảng lưới có cung điện xinh đẹp như cung trời Phạm Vương. Trong cung điện tự nhiên có các Thiên đồng. Mỗi Thiên đồng đeo chuỗi năm trăm hột ngọc ma ni. Mỗi hột ma ni chiếu sáng trăm do tuần, làm cho trên cây chiếu sáng như trăm ức mặt trời mặt trăng hiệp lại.


3 – Bảo Trì


Cực Lạc thế giới nơi nơi đều có ao tắm. Thành ao bằng thất bảo. Ðáy ao trải cát Kim Cương nhiều màu. Ao rộng trăm nghìn do tuần xem như biển cả.


Mỗi ao có sáu mươi ức hoa sen thất bảo. Mỗi bông tròn lớn 12 do tuần, đủ các màu đẹp, màu nào chiếu ánh sáng màu nấy. Trong ao, nước bát công đức từ Như Ý Châu Vương sanh, màu thất bảo, lên xuống theo cọng sen chảy lòn vào cánh bông. Tiếng nước chảy thanh tao diễn nói pháp mầu: Khổ, Không, Vô Thường, Vô Ngã, các môn Ba La Mật.


Nơi Như Ý Châu Vương phóng ánh sáng sắc vàng ròng. Trong ánh sáng hóa thành các thứ chim đẹp đủ màu, bay lượn, kêu hót hòa nhã diễn nói pháp: ngũ căn, ngũ lực, thất Bồ Ðề, bát chánh đạo, cùng ca ngợi niệm Phật, niệm pháp, niệm Tăng.


Mặt nước, làn sóng gợn lăn tăn, nổi lên nhiều tiếng dịu dàng: tiếng Phật, Pháp, Tăng; tiếng không, vô ngã, đại từ bi; tiếng ba la mật; tiếng thập lực, vô úy, bất cộng; tiếng thần thông, trí tuệ; tiếng vô tạo tác, bất sanh diệt, vô sanh nhẫn; nhẫn đến tiếng cam lồ quán đảnh, cùng vô biên diệu pháp. Người nghe đến những tiếng nầy, tâm liền thanh tịnh, thiện căn thành thục, hẳn không thối chuyển nơi đạo vô thượng Bồ Ðề.


Các thượng thiện nhơn, người Cực Lạc, lúc vào ao để tắm, nếu ý muốn ngập chơn, thời nước chỉ ngập chơn, nếu ý muốn nước đến bụng thời nước liền ngang bụng, cho đến ý muốn nước đến cổ thời mặt nước liền lên cao đến cổ. Nước ao tùy theo ý muốn của mỗi người mà sâu cạn, ấm mát điều hòa rất thuận thích. Người tắm, thân thể nhẹ nhàng khoan khoái, tâm thần vui vẻ, tịch tịnh, sáng suốt.


4 – Bảo Lâu


Bốn phía ao báu, những thềm bực đường sá do vàng, bạc, lưu ly, pha lê v.v… hiệp thành. Trên có vô số cung điện nhiều từng.


Những tòa lâu đài nầy đều bằng vàng, bạc, lưu ly, pha lê v.v… nhẫn đến vô lượng chất báu xây thành.


Giảng đường, tịnh xá, lầu các cung điện của A Di Ðà Phật, của chúng Bồ Tát, Nhân dân, trăm nghìn muôn lần quý hơn cung điện của Tự Tại Thiên Vương nơi cõi Ta Bà nầy.


Những đền đài ấy, có thứ nổi lên ở giữa chừng không như mây, cao lớn tùy theo ý muốn của người ở. Có hạng không theo ý muốn mà trụ trên bảo địa. Ðó là do công hạnh tu hành sâu dày hay kém ít nên chỗ ở khác nhau như thế. Nhưng những sự hưởng dụng như ăn mặc v.v… đều bình đẳng.


Bốn phía đền đài đều trang nghiêm với những hoa tràng cùng vô lượng nhạc khí. Gió mát nhẹ rung những nhạc khí ấy hòa reo thành tiếng pháp: Khổ, Không, Vô Thường, Vô Ngã, Từ Bi, Hỷ Xả, các môn ba la mật.


5 – Bảo Tọa


Cực Lạc thế giới, đức Phật, chư Bồ Tát, cùng nhân dân đều ngồi trên tòa sen báu. Những tòa sen ấy, từ một chất báu, hai chất báu, nhẫn đến vô lượng chất báu hiệp thành, màu sắc đẹp lạ, quang minh sáng chói, lớn nhỏ xứng theo thân người ngồi.


Dưới đây là tòa sen báu của đức Phật ngự.


Tòa sen nầy có 84.000 cánh. Mỗi cánh rộng 250 do tuần, 100 màu. Trên mỗi cánh sen có 84.000 lằn gân phóng ra 84.000 tia sáng. Xen vào mỗi cánh sen có trăm ức hột châu ma ni. Mỗi hột châu ma ni phóng nghìn tia sáng. Các tia sáng nầy kết tụ nhau lại như hình cây lọng.


Đài sen bằng chất Thích-ca-tỳ-lăng-già bảo. Trang nghiêm với tám muôn thứ ngọc kim cương, ngọc ma ni, cùng mành lưới kết bằng chơn châu.


Trên đài sen, tự nhiên có bốn trụ báu. Mỗi trụ báu cao đẹp như trăm nghìn muôn ức núi Tu Di. Trên đầu bốn trụ báu, mành lưới trùm giăng rộng lớn như cõi trời Dạ Ma. Mành lưới báu ấy có năm trăm ức hột bảo châu. Mỗi bảo châu chiếu ra 84.000 tia sáng. Mỗi tia sáng ấy có 84.000 thứ kim sắc. Các sắc vàng sáng ấy chói khắp mặt bảo địa, nơi nơi biến hóa thành những tướng trạng khác nhau: hoặc hóa ra đài kim cương, hoặc hóa ra lưới chơn châu, hoặc hóa làm những lùm cây hoa đẹp sáng v.v… hiện thành Phật sự ở khắp các nơi trong cõi Cực Lạc…


Khi giảng xong sự lớn đẹp vi diệu của tòa sen báu, đức Bổn Sư kết luận rằng: Tòa sen báu ấy có hiện ra đó, là do nguyện lực thuở tiền thân của Phật A Di Ðà, ngài Pháp Tạng Bồ Tát.


Cõi Cực Lạc có thật hay không ? Cõi đó có thật một cách tương đối, cũng tương tự như cảnh thế gian nhưng tốt đẹp hơn và trên đời cũng có người đến được cõi đó, về kể lại :


57 Du Ký Tây phương Cực lạc của Pháp Sư Khoan Tịnh


Chúng ta có thể nêu câu hỏi. Tại sao cảnh giới Tây phương cực lạc lại an lành tốt đẹp như vậy ? Đó có phải là tưởng tượng không? Đúng là tưởng tượng, nhưng cõi trần gian cũng vậy. Thí nghiệm của Alain Aspect năm 1982 tại Paris chứng tỏ rằng hạt photon hoặc electron đều là do tưởng tượng mà có. Kể cả hạt nhân nguyên tử, nguyên tử và phân tử cũng đều là tưởng tượng. Muôn vàn cảnh giới của thế gian cũng là tưởng tượng. Video sau đây thuyết minh rõ điều đó.


Universe 2 – Nguyên Tử Phân Tử Cũng Là Sóng – VD

https://www.youtube.com/watch?v=ofj2JiCFQGo


Cõi giới Tây phương Cực lạc cũng thế, đó là một cõi giới do Tâm tạo. Nhưng Tâm thanh tịnh thì tạo ra cảnh giới an lành vững chắc, không bao giờ có thiên tai như dông bão, lũ lụt, động đất. Không có cảnh khổ do nghèo đói bệnh tật. Chúng sinh cõi đó khi cần ăn uống thì thức ăn sẽ tự hiện ra.


Ăn Uống Ở Cõi giới Tây phương Cực lạc

https://www.youtube.com/watch?v=jL1gIabXwrE


Kinh điển từ lâu đã nói rằng Tam giới Duy Tâm, tất cả mọi cảnh giới đều là do Tâm tạo. Nhưng Tâm bất nhị mới có đủ sức mạnh to lớn để tạo ra Tam giới. Còn tâm điên đảo mộng tưởng nhỏ bé của một cá nhân thì phải khó khăn lắm, gian nan lắm, mới tạo được một cơ ngơi, nhà cửa xe cộ. Nhưng cũng phải có phước đức lớn mới tạo được cơ ngơi bề thế, nhưng cũng không chắc là vững bền. Tục ngữ có câu “Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời” ý muốn nói sự biến đổi bể dâu của thế gian, không có gì vững chắc cả.


Tóm lại trong phần này chúng ta có những chứng cứ để nghĩ rằng thiên tai, nhân họa không phải là ngẫu nhiên, không phải là trời giáng tai họa, mà đó là cộng nghiệp của một tập thể chúng sinh. Động đất, lũ lụt, cuồng phong bão tố…là cộng nghiệp của chúng. Những người biết giữ tâm thanh tịnh, làm nhiều thiện nghiệp, cũng có khả năng tránh được thiên tai, nhân họa, ngay trên cõi thế gian này, hoặc họ có thể hướng đến một cõi giới khác thanh tịnh hơn.


Sai lầm của chủ nghĩa duy vật


Karl Marx (1818-1883) là người đưa ra chủ nghĩa duy vật biện chứng (dialectical materialism) nhưng chúng ta không cần phải trách ông ấy, bởi vì hiểu biết của ông bị hạn chế bởi thời đại. Thời đó khoa học cổ điển của Newton, sinh vật tiến hóa luận của Darwin, tất định luận của La Place, đang toàn thắng. Thuyết tương đối của Einstein, cơ học lượng tử của Max Planck, nguyên lý bất định của Werner Heisenberg, định lý bất toàn (incompleteness theorems) của Kurt Friedrich Gödel đều chưa ra đời, có nghĩa là nền khoa học thời kỳ đó chưa trưởng thành.


Cho đến ngày nay, chúng ta đang ở cuối thập niên thứ hai của thế kỷ 21, khoa học đã tiến bộ nhiều. Những phát hiện mới của khoa học đều đi tới chỗ nhận định rằng chủ nghĩa duy vật là sai lầm. Chính Kurt Gödel đã phát biểu ngắn gọn : Materialism is false (chủ nghĩa duy vật là sai lầm)


Chủ nghĩa Duy vật là tư tưởng và học thuyết cho rằng toàn bộ thế giới hiện thực là vật chất và chỉ có vật chất mà thôi – không tồn tại bất cứ cái gì là phi vật chất hoặc siêu tự nhiên, không có Chúa, không có phép mầu,… Với chủ nghĩa duy vật, các khái niệm tưởng là phi vật chất như tư tưởng, tinh thần, xét cho cùng cũng chỉ là sự biểu lộ của hoạt động vật chất (bộ não).


Thế nhưng chủ nghĩa duy vật là sai lầm vì xét cho cùng vật chất không có thực thể. Các hạt cơ bản tạo thành vật chất (elementary particles) như 18 loại hạt mà con người đã biết (6 quarks, 6 leptons, 5 forces trong đó có graviton mới phát hiện, và higgs boson) đều là hạt ảo, chúng có thể xuất hiện là hạt vật chất khi bị khảo sát, nhưng chúng cũng có thể đồng thời là sóng phi vật chất trong tư thế vật tự thể (Das ding an sich = The thing in itself) khi không có người hay thiết bị khảo sát. Và cả những cấu trúc của chúng như nguyên tử, phân tử, cố thể vật chất, cũng đều như vậy. Điều quan trọng cơ bản là chúng không độc lập, không tồn tại khách quan đối với ý thức.


Khoa học ngày nay đã đi tới chỗ nhất trí với Phật giáo, hiểu rằng vật chất là do Tâm hoặc Thức tạo ra.


Universe 8 – Thức trong Vật Lý Lượng Tử – Phụ đề Việt ngữ

https://www.youtube.com/watch?v=3jVJOVk9fK4


Sai lầm mà hầu như toàn bộ nhân loại đều mắc phải, đó là cho rằng vật chất là có thật, vật chất đặc cứng, vững bền. Ngày nay khoa học đã biết rõ rằng những tính chất cứng chắc, vững bền cũng như mọi tính chất khác của vật chất đều là do tưởng tượng, là kinh nghiệm của Thức, chứ thực tế không phải như vậy. Thực tế là vật chất không hề có đặc tính, đặc trưng gì cả, như Kinh Hoa Nghiêm đã nói :


一切法無自性 Nhất thiết pháp vô tự tính: Tất cả các pháp đều không có tự tính


Hoặc :


一切唯心造 Nhất thiết duy tâm tạo: Tất cả đều là do Tâm tạo


Kết luận


Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức. Vũ trụ vạn vật, thiên hà, thái dương hệ, ngôi sao, hành tinh, sơn hà đại địa đều là do Tâm tạo. Thiên tai, nhân họa, hạnh phúc, đau khổ là do nghiệp lực, cộng nghiệp của tập thể chúng sinh, chứ không phải tự nhiên có, không phải do Trời tùy tiện ban phúc, giáng họa.


Trong Đạo Đức Kinh, Lão Tử nói :


天地不仁 以萬物為芻狗 Thiên địa bất nhân dĩ vạn vật vi sô cẩu

(Trời đất không nhân từ, coi vạn vật là con chó rơm)


Sự thật không phải như vậy, vạn vật ở dưới trần thế sung sướng hay đau khổ là do nghiệp lực của chúng, do tâm thức của chúng, không phải là do trời đất bày đặt ra để làm khổ chúng.


Con người sống trên cõi thế gian mang theo thói quen (tập khí習氣) vô minh mà Phật giáo gọi là thế lưu bố tưởng (tưởng tượng đã trở thành phổ biến trên đời). Bởi vì không biết đó là mê lầm, cho là thật, nên cứ theo cái tập khí đó mà hành động mê muội dẫn đến bao nhiêu cảnh đời bất hạnh cho chính bản thân mình và cho người chung quanh. Ngay cả những điều tưởng chừng như là thiên nhiên, do trời đất làm ra như thiên tai, động đất, sóng thần, mưa gió, lũ lụt…cũng không phải tự nhiên có. Đó là cộng nghiệp của một tập thể chúng sinh nên một cá nhân nhỏ bé khó tránh khỏi. Tuy nhiên nếu con người giác ngộ Tam giới duy tâm, phá bỏ dần các chấp trước, tập khí thì có thế giải trừ tất cả mọi khổ nạn như Bát Nhã Tâm Kinh đã nói. Ví dầu chưa giải trừ được hết các khổ nạn nhưng hiểu bản chất ảo của thế gian cũng giúp con người vơi đi nhiều đau khổ.


Cư sĩ Truyền Bình

Truyền Bình

Mạng Y Tế
Nguồn: Phật giáo (https://phatgiao.org.vn/cuoc-song-doi-thuong-tren-the-gian-d24310.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY