Tin y tế hôm nay

Tin y tế

Cựu cascadeur Lữ Đắc Long: Sống để trả ơn

TP HCM-Trở về từ cõi chết sau khi mắc Covid, cựu cascadeur Lữ Đắc Long làm phim tri ân y bác sĩ và thực hiện các dự án thiện nguyện như một cách trả ơn cuộc đời.

Tại quán cà phê khuất trong con hẻm đông đúc ở quận 1, ông Lữ Đắc Long (56 tuổi, cựu cascadeur - diễn viên đóng thế cảnh hành động, phóng viên tự do, nhiếp ảnh gia) cùng bạn phác họa các bức ảnh 3D sẽ triển lãm vào tháng 9 tới. Chủ đề cuộc trưng bày là "Nghĩa tình nghệ sĩ" với sự tham gia của nhiều tay máy lão làng: Giản Thanh Sơn, Thái Ngọc Sơn, Trần Hữu Trí, Đỗ Duy Ngọc, Thái Nhàn, Huỳnh Mỹ Thuận...

Đây không phải lần đầu ông cùng bạn bè làm triển lãm ảnh với mục đích từ thiện, song là dự án đầu tiên ông ấp ủ để "trả ơn đời" sau khi hồi sinh từ cửa tử. Ông cho biết, dù đã lên ý tưởng ngay khi mới xuất viện, tháng 8/2021, nhưng bị các di chứng nặng nề hậu Covid-19 nên vài tháng gần đây ông mới bắt tay thực hiện. Ông đóng góp khoảng 20 tác phẩm. Toàn bộ số tiền thu về từ triển lãm sẽ tặng cho nghệ sĩ khó khăn và người nghèo.

Trước đó, số tiền 140 triệu đồng mà bạn bè ủng hộ khi ông lâm trọng bệnh, đã được ông gửi tặng những người đang túng thiếu, bệnh tật trong mùa dịch và các bếp ăn 0 đồng. "Tôi biết ơn vì gia đình mình đã được sống. Sẽ thật ích kỷ nếu chỉ biết nghĩ cho riêng mình", ông nói.

Ông Lữ Đắc Long (trái) và nhiếp ảnh gia Thái Ngọc Sơn trong một buổi bàn về dự án triển lãm ảnh từ thiện. Ảnh: Thư Anh

Giữa năm ngoái, ông Long tưởng mình đã chết nhiều lần trong hơn 40 ngày mắc Covid-19. Nhớ lại giai đoạn đó, ông vẫn rùng mình ám ảnh. Đó là thời điểm dịch bệnh ở Sài Gòn bùng phát dữ dội. Con hẻm nhà ông bị phong tỏa nhiều tuần vì có hàng trăm ca nhiễm mới. Sau lần ngất trong nhà tắm, ông có kết quả test nhanh dương tính, được chuyển tới một bệnh viện gần nhà cách ly, điều trị.

Sự tấn công của nCoV cộng với bệnh nền đái tháo đường, tăng huyết áp và chưa tiêm vaccine đã quật ngã người đàn ông từng là võ sư. "Lúc đó tôi chỉ có thể ngồi dựa lưng vào tường, ho từng tràng rũ rượi như muốn rút phổi ra ngoài. Miệng cứng, lưỡi tê, họng và ngực đau rát khiến tôi thở hụt hơi, suy hô hấp, phải hỗ trợ thở oxy", ông kể.

Diễn tiến bệnh sau đó xấu hơn, ông có dấu hiệu đông máu, rối loạn nhịp tim, viêm phổi nặng nên được chuyển tới Bệnh viện Chợ Rẫy cấp cứu. Trong thời gian này, ông bất tỉnh nhiều lần vì suy hô hấp cấp. Các y bác sĩ phải túc trực theo dõi cả ngày lẫn đêm, sẵn sàng đặt nội khí quản, liên tục thay đổi phác đồ điều trị với nỗ lực cao nhất để cứu được ông.

Chứng kiến bệnh nhân cùng phòng hấp hối, T* vong cùng nỗi lo cho bệnh tình của vợ và hai con trai cũng bị F0, ông Long mất ăn mất ngủ. Hai tuần đầu nằm viện, ông từ 68 kg chỉ còn 56 kg, suy kiệt cả thể chất lẫn tinh thần.

Bệnh nhân Covid-19 dễ cô đơn, hoảng loạn nên các bác sĩ, điều dưỡng thường xuyên hỏi thăm, giải thích, trò chuyện để giúp họ bình tĩnh. Ông Long đặc biệt ấn tượng với một nam bác sĩ trẻ tuổi, dáng cao lớn, mỗi khi vào phòng đều cười nói rộn ràng. Anh đến từng giường bệnh, nắm tay hỏi han, dặn "chỉ cần ăn - chơi - ngủ - nghỉ - tập thở, còn đâu để bác sĩ lo". Thỉnh thoảng anh kể chuyện cười, hoặc trêu chọc, đọc ngược tên ông thành "Long Lắc Lư", khiến cả phòng bật cười theo. Sự vui vẻ lạc quan ấy xua bớt không khí ảm đạm trong buồng bệnh đậm mùi thuốc sát trùng và âm thanh "tít tít" bất tận của máy thở.

Đặc biệt, với ông Long, liều thuốc tinh thần mạnh nhất là hay tin vợ con đã khỏi bệnh, hết cách ly và được về nhà. "Gánh nặng trút đi quá nửa", ông kể. Từ hôm ấy, như có phép màu, sức khỏe nam diễn viên dần hồi phục. Ông cai dần xuống oxy liều thấp, rồi có thể đi lại, thậm chí tập võ, trồng cây chuối bằng đầu. Sau hơn 20 ngày điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, ông được xuất viện.

Khỏi bệnh, ông cùng một đoàn làm phim vào Bệnh viện Chợ Rẫy và Trung tâm hồi sức Covid-19 thực hiện phóng sự Những ngày giông bão. Bộ phim dài 42 phút ghi lại sự hy sinh và cuộc chiến khốc liệt của các y bác sĩ với Covid-19 trong nỗ lực giành giật sự sống cho từng người bệnh. Ông xem đó là sự tri ân nhỏ bé với những người đã chìa bàn tay cứu mình lúc thập tử nhất sinh.

Khi còn điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy, được bạn bè đồng nghiệp gửi tiền vào tài khoản cá nhân, ông nhận nhưng tặng lại cho những người khó khăn hơn. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Qua biến cố sinh tử, chứng kiến nhiều người thân, bạn bè đột ngột qua đời, cựu cascadeur nhận ra bản thân phải sửa nếp sinh hoạt. Thay vì thường xuyên thức đêm làm việc, hay quên uống thuốc tiểu đường và tăng huyết áp như trước, nay ông đặt báo thức để tự nhắc mình. Ông cũng giảm cường độ làm việc, duy trì tập gym tối thiểu 30 phút mỗi ngày, ngủ trước 22h... Ông cũng dành nhiều thời gian ở bên gia đình, gặp gỡ bạn bè và tham gia hoạt động thiện nguyện. Với những người bạn cũ, từng giận nhau nhiều năm, hay xa cách không trò chuyện, ông chủ động liên hệ, giảng hòa.

"Một lần đi qua cái chết, nhìn cuộc đời sẽ thấy nhẹ nhàng hơn", ông nói.

Thư Anh

Mạng Y Tế
Nguồn: Vnexpress (https://vnexpress.net/cuu-cascadeur-lu-dac-long-song-de-tra-on-4471720.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY