PV: Chiến thuật xét nghiệm của Đà Nẵng trong làn sóng dịch COVID-19 lần này đã góp phần giúp thành phố xét nghiệm nhanh, phát hiện sớm các ca bệnh. Chiến thuật này là gì, thưa bà?
BS Trần Thanh Thủy: Ngay từ khi xuất hiện bệnh nhân COVID-19 mới, UBND TP Đà Nẵng đã ban hành Kế hoạch 89/KH-UBND ngày 07 tháng 5 năm 2021 về việc xét nghiệm cho đối tượng, khu vực, địa điểm có nguy cơ lây nhiễm cao liên quan đến các ca nhiễm SARS-CoV-2 được phát hiện tại thành phố.
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm cho các em sinh viên. Ảnh: Như Anh
Đà Nẵng hiện nay tập trung đẩy nhanh xét nghiệm bằng phương pháp Realtime-PCR phục vụ truy vết nhanh, kết hợp xét nghiệm diện rộng có chủ đích trên các đối tượng, khu vực có nguy cơ để phát hiện sớm các ca bệnh, cho kết quả sớm các F1.
Từ đó thực hiện các biện pháp khoanh vùng, cách ly y tế phù hợp và hạn chế tới mức thấp nhất ảnh hưởng đến các hoạt động đời sống xã hội.
Để thực hiện được yêu cầu này đòi hỏi năng lực xét nghiệm phải được tăng cường về mọi mặt, như nhân lực, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm… và áp dụng hiệu quả các phương pháp, kỹ thuật xét nghiệm.
Đặc biệt Đà Nẵng sớm thực hiện phương pháp gộp mẫu 5, 10 và bước đầu triển khai gộp mẫu kết hợp (gộp 20) để tăng công suất xét nghiệm.
Trong đợt dịch thứ hai vào cuối tháng 7/2020, theo số liệu thống kê từ ngày 05/8/2020 - 10/9/2020, số người được lấy mẫu xét nghiệm là 230.700 người và áp dụng phương pháp mẫu gộp 5.
Bước vào đợt dịch này từ ngày 3/5/2021, chỉ tính riêng số mẫu gộp que thu thập được từ ngày 08/5 đến ngày 13/5/2021 là 7.386 mẫu gộp từ 69.544 lượt người với số lượng mẫu lẻ trong mỗi nhóm từ 5 đến 10 mẫu, phần lớn là 10 mẫu lẻ/1 mẫu gộp. Như vậy, trong vòng 6 ngày, đã có 69.544 người đã được lấy mẫu xét nghiệm và đã phát hiện được 8 ca dương tính.
Năm 2021, bước vào đợt dịch thứ ba, CDC Đà Nẵng cải tiến phương pháp mẫu gộp nhóm 5 thành mẫu gộp nhóm 10.
Như vậy, trong vòng 6 ngày, đã có 69.544 người được lấy mẫu xét nghiệm và phát hiện được 8 ca dương tính trong tổng số này.
Phương pháp này giúp tiết kiệm tối đa lên đến 20 lần chi phí xét nghiệm so với xét nghiệm mẫu đơn.
Quan trọng hơn là có thể đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm trong điều kiện hạn chế về trang thiết bị, nhân lực, vật lực, phát hiện nhanh các ca bệnh trong cộng đồng.
Xử lý dứt điểm, nhanh chóng sớm ổn định tình hình. Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp trong các khâu của công tác xét nghiệm, đặc biệt áp dụng phương pháp gộp mẫu đã tiết kiệm được chi phí xét nghiệm và quan trọng hơn cả là có thể đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm.
Phát hiện sớm các ca bệnh trong cộng đồng, phục vụ truy vết, cách ly, khoanh vùng và điều trị hiệu quả.
PV: Năng lực xét nghiệm của Đà Nẵng được đầu tư và thay đổi ra sao so với đợt dịch bùng phát tại thành phố vào tháng 7/2020?
BS Trần Thanh Thủy: Đợt dịch COVID-19 thứ hai diễn ra vào cuối tháng 7/2020 ở thời điểm đó, chỉ có Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đà Nẵng là đơn vị đủ năng lực xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp Realtime-PCR, với công suất 400-500mẫu đơn/ngày.
Được sự hỗ trợ chuyên môn, trang thiết bị, vật tư … từ Bộ Y tế, Viện Vệ sinh dịch tễ TW, các Viện Pasteur, một số đơn vị khác …, thực hiện đào tạo nhân lực xét nghiệm tại chỗ, ngành Y tế Đà Nẵng khẩn trương thiết lập các phòng xét nghiệm đủ năng lực xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp Realtime-PCR.
Tính đến cuối đợt dịch thứ 2, đã có 9 đơn vị được Bộ Y tế, Sở Y tế công nhận đủ năng lực xét nghiệm SARS-CoV-2. thành phố áp dụng phương pháp gộp mẫu 5, nâng cao năng suất xét nghiệm của toàn thành phố gần 4.000 mẫu đơn/ngày, tương ứng với hơn 15.000 lượt xét nghiệm/ngày.
Khi đợt dịch thứ 2 kết thúc, nhằm chủ động trong công tác phòng chống dịch, ngành y tế Đà Nẵng tiếp tục đầu tư, huy động thêm trang thiết bị xét nghiệm cho các đơn vị.
Riêng đối với CDC Đà Nẵng, đã được trang bị thêm 2 máy tách chiết tự động và đang có kế hoạch trang bị 2 máy Realtime-PCR.
Các thiết bị mới được trang bị này kết hợp với phương pháp gộp mẫu 10 đã nâng công suất xét nghiệm lên đến 3.000-3.500 mẫu/ngày, tương ứng với khoảng 30.000-35.000 lượt người xét nghiệm/ngày theo phương pháp gộp mẫu 10. Năng suất xét nghiệm của toàn thành phố khoảng 5.000-5.500 mẫu đơn/ngày.
Thực hiện Công văn số 3842/BYT-DP ngày 10/5/2021 của Bộ Y tế về tăng cường năng lực xét nghiệm SARS-CoV-2 trên địa bàn, Sở Y tế Đà Nẵng chỉ đạo các đơn vị y tế có quy mô trên 300 giường bệnh rà soát, đánh giá năng lực, đề xuất đầu tư trang bị hệ thống xét nghiệm Realtime PCR để chủ động triển khai xét nghiệm phát hiện vi rút SARS-CoV-2 tại đơn vị.
Triển khai lấy mẫu bệnh phẩm cho người dân cả đêm để thực hiện truy vết nhanh. Ảnh: Quang Thắng
PV: Kinh nghiệm của Đà Nẵng về chuẩn bị năng lực xét nghiệm ra sao, dự phòng khi xảy ra dịch trên địa bàn, thưa bà?
BS Trần Thanh Thủy: Để dự phòng khi xảy ra dịch trên địa bàn, Đà Nẵng luôn trong trạng thái sẵn sàng, chủ động chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, vật tư, hậu cần… và đào tạo nhân lực liên tục. Cụ thể:
- Tăng số lượng các phòng xét nghiệm PCR có khả năng xét nghiệm vi rút SARS - CoV-2.
- Trên cơ sở Kế hoạch phòng chống dịch COVID-19 của thành phố, lập kế hoạch và chủ động thực hiện các thủ tục mua sắm chuẩn bị các vật tư, sinh phẩm để chủ động ứng phó khi dịch xảy ra.
- Chủ động tập huấn cho đội ngũ cán bộ ở tất cả các đơn vị y tế trên địa bàn thành phố để có thể thực hiện được tất cả các khâu công việc xét nghiệm để chủ động nguồn lực khi dịch xảy ra trên diện rộng.
- Duy trì hệ thống nhập và trả kết quả online của CDC Đà Nẵng với các đơn vị.
PV: Nhân lực lấy mẫu, dán mã, nhập mã, nhập số liệu, trả kết quả của Đà Nẵng được thực hiện ra sao để sớm có kết quả nhanh nhất?
BS Trần Thanh Thủy: Đây là những khâu tuy nhỏ nhưng rất quan trọng để có thể trả lời kết quả nhanh nhất, chính xác nhất. Cần phải có sự phối hợp nhịp nhàng giữa đơn vị lấy mẫu và đơn vị xét nghiệm, trả kết quả.
CDC Đà Nẵng đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông xây dựng và ứng dụng công nghệ thông tin trong các khâu nhập liệu, xử lý thông tin.
Sở Y tế phân công cho các đơn vị y tế chủ động việc lấy mẫu trên tinh thần sử dụng nguồn nhân lực tại chỗ của từng đơn vị. Do có sự chủ động trong công tác tập huấn lấy mẫu trước đó nên hiện nay tất cả các đơn vị y tế trên địa bàn thành phố đã triển khai rất tốt hoạt động này.
Sở Y tế điều phối, tăng cường nhân lực cho các đơn vị trong trường hợp số lượng mẫu lấy lớn, trong thời gian ngắn.
CDC Đà Nẵng thống nhất với các đơn vị gửi mẫu về biểu mẫu, thông tin gửi mẫu nên nhập mã, dán mã được thực hiện nhanh chóng.
Từ danh sách gửi mẫu, bộ phận nhận mẫu ráp tên từng người và mã code từng ống. Sau khi ráp xong, danh sách nhận mẫu sẽ gửi lên bộ phận đưa thông tin vào hệ thống quản lý trên Google sheet (Hệ thống).
Trên hệ thống này chia làm 3 nhóm nhỏ: Nhóm đưa dữ liệu lên hệ thống, nhóm ráp kết quả, nhóm rà soát làm sạch dữ liệu và thống kê báo cáo (nhóm báo cáo có trách nhiệm tham chiếu thông tin dịch tễ, các mã F1, F2, các trường hợp nguy cơ cao khác…).
Có sự phối hợp nhịp nhàng, hỗ trợ nhau giữa 3 bộ phận này. Kết quả được trả cho các đơn vị gửi mẫu qua 2 kênh: file gửi qua nhóm zalo và link trực tuyến (chỉ kết quả âm tính). Nhờ vậy, kết quả quả được cập nhật kịp thời, chính xác.
Trong trường hợp khẩn cấp, đặc biệt các trường hợp người bệnh có các biểu hiện sốt, ho, khó thở … đến khám và được lấy mẫu xét nghiệm, phòng xét nghiệm của CDC Đà Nẵng luôn cố gắng để trả lời kết quả sớm trong 6 giờ.
Những ngày có lượng người xét nghiệm lớn, CDC Đà Nẵng sẽ điều phối mẫu đến các đơn vị có thể xét nghiệm khác trong địa bàn thành phố để luôn bảo đảm xét nghiệm kịp thời phục vụ công tác phòng chống dịch.
Chủ đề liên quan:
nCoV Sức khỏe toàn dân sức khỏe việt nam Viêm phổi cấp virus corona Virus corona Virus corona