Ngắm ngẫm nghĩ hôm nay

Đà Nẵng: Nhà gươl người Cơtu dần bê tông hoá

(PetroTimes) - Thôn Tà Lang và Giàn Bí (xã Hòa Bắc, huyện Hoà Vang) là 2 trong 3 thôn có đông đảo người đồng bào Cơtu sinh sống tại Đà Nẵng. Đặc trưng nổi bật nhất của người Cơtu là nhà gươl, nhưng giờ đây đang đứng trước nguy cơ bê tông hoá nặng nề. Nét kiến trúc truyền thống bao đời từ núi rừng linh thiêng, biểu tượng văn hoá người đồng bào Cơtu dần trở thành biểu tượng bằng bê tông, cốt thép…
Nhà Gươl của người Cơtu được xem là nơi để Hội đồng già làng (Tacooh pươl) họp bàn, đưa ra các quyết định những vấn đề hệ trọng, mang tính sống còn của cộng đồng… Đây cũng là nơi tổ chức nhiều lễ hội truyền thống như: Lễ ăn mừng lúa mới (Chaha Roo Tơmêê), Lễ ăn thề kết nghĩa anh em giữa hai làng người Cơtu (Pơ-Ngoót), Lễ ăn mừng được mùa (Bhuối AVí)…
Nhà Gươl trước kia thường được làm hoàn toàn bằng gỗ, do công sức của toàn thể thanh niên trong làng cùng nhau thực hiện. Đi cùng sự phát triển của xã hội, nhà Gươl thôn Giàn Bí đã được cải tạo với các cột nhà, kết cấu khung sườn được thay thế hoàn toàn bằng bê tông và do các nhà thầu xây dựng thực hiện.
Xã Hoà Bắc những năm gần đây đang phát triển du lịch với các tour tham quan hoà mình cùng thiên nhiên, sinh hoạt cùng người đồng bào và tìm hiểu về bản sắc dân tộc người Cơtu. Việc bê tông hoá nhà Gươl khiến các giá trị văn hoá người Cơtu dần mai một, các du khách tham quan không còn thích thú tìm hiểu về những nhà Gươl bằng bê tông cốt thép, thô cứng không còn giá trị văn hoá.
Tại thôn Tà Lang, 2 nhà gươl được xây dựng cùng một vị trí. Nhà Gươl cũ phần nền mòng được cải tạo bằng xi măng. Nhà gươl mới được xây dựng bằng bê tông, cốt thép với phần mái được lợp tôn, các cột nhà bằng xi măng và bao quanh bằng gỗ. Đây trở thành nơi sinh hoạt chính của người dân trong thôn, còn nhà Gươl cũ để trống, ít sử dụng.
Trong nhà Gươl thường được xây dựng 1 cột chính ở giữa và 8 cột trụ bao quanh, gọi là drưng măng (được xem là linh hồn của Gươl, tượng trưng cho người đàn ông trụ cột). Cột chính thường được làm bằng cây gỗ lớn, chạm khắc, trang trí các biểu tượng mang nhiều giá trị văn hoá của người đồng bào. Tuy nhiên, nhà gươl “kiểu mới” được dựng bằng cột bê tông và sơn giả gỗ.
Cột chính được xây dựng hoàn toàn bằng xi măng và sơn màu giả gỗ. Hiện nhà Gươl thôn Tà Lang không thường xuyên sử dụng nên các trụ xi măng bị tróc sơn, để lộ rõ lớp xi măng bên trong.
Kết cấu khung sườn được xây dựng bằng bê tông, riêng phần mái được sử dụng lá cọ để lợp và ống tre làm giá đỡ.
Hai hình đầu trâu trang trí nhà Gươl cũng được tạo bởi xi măng, sơn màu và gắn vào tường bằng ốc vít.
Bậc thang dẫn vào nhà gươl trước kia thường được làm bằng cột gỗ và ván gỗ lót. Giờ được các nhà thầu xây dựng tạo kiểu giả gỗ bằng xi măng.
Ông Hồ Phú Thanh - Phó Chủ tịch UBND xã Hoà Bắc cho biết, do các khó khăn trong việc tìm kiếm vật liệu cải tạo bằng gỗ do chính sách “đóng cửa rừng” của Nhà nước và tuổi thọ của gỗ thường không bền nên UBND xã và thôn quyết định sử dụng xi măng để cải tạo để tiết kiệm ngân sách và đảm bảo an toàn.
Chủ tịch xã Hoà Bắc cho biết thêm, việc cải tạo nhà gươl chỉ dừng lại ở việc xây dựng phần cột bằng xi măng và cốt thép, còn phần sàn và mái phía trên vẫn sử dụng vật liệu tự nhiên như gỗ, tre và lá cọ. Việc này vẫn giữ được nét hài hoà của nhà Gươl truyền thống của người Cơtu và vẫn đảm bảo được tính an toàn, tuổi thọ lâu và dễ thực hiện.
Trong thời gian tới, ngoài tập trung khôi phục văn hoá người Cơtu, UBND xã Hoà Bắc sẽ tập trung đẩy mạnh phát triển sinh thái cộng đồng. Trong đó có nhà Gươl cổ truyền người Cơtu, bằng cách sử dụng vật liệu tự nhiên để giữ nét hài hoà của nhà truyền thống, bảo tồn văn hoá của người Cơtu, qua đó thúc đẩy phát triển du lịch của cộng đồng người Cơtu xã Hoà Bắc.

Thành Linh

Mạng Y Tế
Nguồn: PetroTimes (https://petrotimes.vn/da-nang-nha-guol-nguoi-cotu-dan-be-tong-hoa-670454.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY