Môi trường hôm nay

Ô nhiễm môi trường

Đại dịch Corona và nỗ lực giảm thiểu tin giả: Tạo ra màng lọc cho độc giả bằng thông tin minh bạch

(NBCL) Virus corona gây dịch bệnh viêm phổi cấp xuất phát từ Vũ Hán không chỉ thử thách hệ thống y tế các quốc gia mà còn là thách thức lớn với cơ quan chức năng và các đơn vị truyền thông trong nỗ lực giảm thiểu tin giả (fake news) trong cộng đồng.

Có thể nói, tin tức giả mạo và không đúng sự thật đang cản trở những nỗ lực về phòng, chống dịch bệnh có nguy cơ lan rộng thành đại dịch này.

Đại dịch “tin giả”

Chỉ trong vòng hơn một tháng virus Corona hoành hành, một “đại dịch” mới đã lan tràn trên mạng, đó là “đại dịch” tin giả.

Mỗi ngày, Facebook, Twitter, YouTube lại tràn ngập những thông tin mới, giật gân. Không chỉ tại Việt Nam, “đại dịch virus” tin giả đã lan truyền mạnh mẽ ra toàn cầu với tốc độ tăng chóng mặt hơn cả virus Corona. Tới mỗi một quốc gia, câu chuyện về virus Corona lại được thêm thắt với nhiều tình tiết ly kỳ, đáng sợ. Trong đó, “công thức” thường được sử dụng là “Theo một người bạn của em tại...”, “Tôi là người dân ở Vũ Hán...”, số ca nhiễm bệnh luôn nhiều gấp hàng chục, hàng trăm lần so với thông tin chính thức được đăng tải bởi chính quyền sở tại hoặc Tổ chức Y tế Thế giới.

Theo các chuyên gia, tin giả về dịch viêm phổi cấp do chủng virus nCov đã tạo nên một sự hoảng loạn trực tuyến và trong đời thực. Nỗi sợ hãi gia tăng và khuếch tán rộng, làm giảm khả năng sàng lọc thông tin của người dân. Lý do chính của sự lây lan như bệnh dịch này nằm ở cơ chế lan truyền của mạng xã hội trong bối cảnh việc chia sẻ đường link và thông tin cá nhân đơn giản, dễ dàng hơn trước rất nhiều. Nhiều người dùng chỉ đọc tiêu đề tin tức được chia sẻ mà không cần xem nội dung cụ thể, nguồn gốc ra sao, chỉ cần giật gân, gây sốc.

Thủ đoạn này rất nguy hiểm vì hình ảnh dễ gây chú ý, nội dung bịa đặt thường mang tính kích động mạnh, từ đó tạo ra một mê cung mà người đọc khó có thể phân biệt được thật giả. Những thông tin liên quan tới sức khỏe, sự sống ch*t luôn là thông tin dễ tác động mạnh tới cảm xúc của mọi người bởi nó động chạm tới bản năng nguyên thủy của con người về sự sống còn. Chính vì lẽ đó, sự lan truyền thông tin sai sự thật về bệnh dịch không chỉ làm mọi người hoang mang, lo sợ mà còn dẫn tới nhiều hậu quả tai hại về sức khỏe của mỗi người.

Không chỉ các hãng công nghệ, nhiều quốc gia trên thế giới đã mạnh tay trừng phạt những kẻ tung tin giả. Facebook cho biết đang tiến hành quét tìm và loại bỏ càng nhiều nội dung sai lệch càng tốt. Nội dung bị gỡ bỏ liên quan đến phương pháp chữa bệnh hoặc phòng ngừa phản khoa học, cũng như thông tin tạo ra sự nhầm lẫn về các tài nguyên y tế có sẵn như: nguồn cung khẩu trang và những trang thiết bị y tế khác.

Mạng Twitter - một trong những mạng xã hội có lượng tin về virus Corona nhiều nhất trong 4 tuần qua với hơn 15 triệu tweet về bệnh dịch, đã có động thái. Theo đó, khi người dùng tìm kiếm thông tin về virus Corona, họ sẽ được hướng tới việc sử dụng các kênh chính thức như: Tổ chức Y tế Thế giới hoặc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật. Trong khi đó, Google kích hoạt cảnh báo SOS về virus Corona. Khi tìm kiếm trên Google với từ khóa “Coronavirus”, người dùng sẽ nhận được cảnh báo SOS và kết quả tìm kiếm đầu tiên là từ website của WHO.

Chính quyền Thái Lan đã bắt giữ hai đối tượng tung tin giả và cho biết, hai người này có thể chịu án tù lên tới 5 năm. Trước đó, Malaysia cũng bắt giữ một nghi phạm và truy lùng ba nghi phạm khác tung tin giả trên mạng xã hội về số người nhiễm bệnh và Tu vong vì virus Corona. Nếu bị tuyên có tội, người này có thể phải trả mức tiền phạt tương đương 284 triệu đồng và bị phạt tù một năm. Còn tại Việt Nam, cơ quan chức năng cũng đã vào cuộc.

Lượng người bị triệu tập vì tung tin giả nhiều hơn số ca nhiễm virus Corona

Vài ngày trở lại đây, trên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, ngày càng xuất hiện nhiều những thông tin thất thiệt về tình hình lây nhiễm của virus Corona. Điều này đã gây ra tâm lý hoang mang cho cộng đồng và ảnh hưởng không nhỏ đến công tác phòng chống sự lan truyền của virus Corona.

Chỉ trong hai ngày 31/1 và 1/2, công an các tỉnh Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Cần Thơ, Thái Nguyên, Đà Nẵng, Vĩnh Long và TP.HCM đã xử phạt nhiều trường hợp tung tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh viêm phổi cấp.

Tại Bắc Ninh, ngày 31/1, Công an thành phố Bắc Ninh đã tiến hành xử phạt anh Nguyễn Công Hoàng (38 tuổi) và chị Vũ Quỳnh Mai (25 tuổi) mỗi người 12,5 triệu đồng về hành vi đăng tải nội dung sai sự thật về dịch bệnh viêm phổi. Đáng chú ý khi trong số các đối tượng này, có người thực hiện việc tung tin giả với mục đích thu hút nhiều người lượt theo dõi, từ đó tăng tương tác để bán hàng online.

Tại Vĩnh Phúc, ngày 31/1, công an đã xử phạt chị B.H.A. (23 tuổi) và chị L.T.P. (28 tuổi) mỗi người 12,5 triệu đồng về hành vi tung tin sai sự thật về diễn biến của dịch bệnh viêm phổi cấp.

Ngày 31/1, Công an quận Cái Răng (TP. Cần Thơ) cũng đã mời làm việc đối với Nguyễn Nhựt Tân (31 tuổi, ngụ huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh, tạm trú tại tỉnh Vĩnh Long) về việc đăng thông tin sai sự thật liên quan đến dịch Corona virus.

Theo cơ quan chức năng, hành vi của Nguyễn Nhựt Tân vi phạm điểm a, khoản 3 Điều 64, Nghị định 174/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện với mức phạt từ 10 - 15 triệu đồng.

Trong ngày 1/2, Công an tỉnh Thái Nguyên đã xử phạt chị Nguyễn Thị Hồng Minh và chị Ngô Thị Trang (cùng 30 tuổi, trú thành phố Sông Công) mỗi người 12,5 triệu đồng về hành vi cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân.

Công an Đà Nẵng đã lập biên bản vi phạm hành chính với khung phạt từ 10 đến 15 triệu đồng đối với 2 phụ nữ đăng tin sai sự thật về dịch bệnh virus corona. Hai đối tượng này bao gồm chị H.T.L. (SN1985, trú quận Liên Chiểu)  và chị Đ.T.Q. (SN 1979, trú quận Hải Châu) đều cư trú trên địa bàn Đà Nẵng.

Cũng trong ngày 1/2, Công an tỉnh Vĩnh Long đã phối hợp với Công an TP. Vĩnh Long cũng đã mời cô A.X (31 tuổi, ngụ TP Vĩnh Long) về làm việc do đăng tải, chia sẻ nội dung sai sự thật về dịch virus Corona trên mạng xã hội.

Trước đó, 3 nghệ sĩ gồm Cát Phượng, Ngô Thanh Vân và ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng đã được Sở TT&TT TP. HCM mời làm việc vì “đưa tin sai sự thật về dịch bệnh viêm phổi cấp do virus Corona trên mạng xã hội, gây tâm lý hoang mang cho cộng đồng”.

Theo các cơ quan chức năng, hành vi tung tin giả về dịch bệnh Corona của các đối tượng nói trên đều đã vi phạm điểm a, khoản 3 Điều 64, Nghị định 174/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện với mức phạt từ 10 - 15 triệu đồng.

Ứng phó với tin giả

Một trong những thông tin tích cực gần đây có lẽ là các cơ quan chức năng tăng cường xử lý những người phát tán tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội, không chỉ dừng lại ở những tài khoản bán hàng online, mà cả người trong giới nghệ thuật, những tài khoản có nhiều người theo dõi. Hầu hết các chuyên gia đều tin rằng việc xử lý tin đồn nhảm, kích động và vu cáo là cần thiết để làm môi trường thông tin tốt lên.

Trong khi đó, thiết lập các trang cung cấp thông tin từ những nguồn chính thức là cách đi cơ bản hiện nay của nhiều đơn vị, kể cả chính phủ lẫn các công ty tư nhân. Tại Việt Nam, người dân có thể theo dõi diễn biến tình hình dịch từ 2 website của Bộ y tế, với những thông tin sát theo diễn biến và các khuyến cáo phòng, chống dịch bệnh.

Việc cung cấp số liệu từ nguồn Bộ Y tế cũng được nhiều người đánh giá cao không chỉ là do đơn vị chuyên ngành, mà vì những thông tin phòng, chống dịch mang tính thực tế và ít phần tiêu cực, nên cũng được nhiều người chia sẻ hơn, giảm bớt sự căng thẳng không đáng có từ dịch bệnh.

Thế nhưng, cũng không thiếu những hình ảnh “xấu xí” cho thấy thông điệp truyền thông chính thống chưa thực sự “chạm” đến người dân, chẳng hạn như hình ảnh những lễ hội diễn ra trong dịp đầu năm. “Người dân chen chúc nhau trong đám đông ở những lễ hội khổng lồ như chùa Tam Chúc sẽ là một môi trường lý tưởng để lây nhiễm dịch theo cấp số nhân”, ông Ngọc bình luận.

Hay, trong một sự diễn tiến mới nhất, việc người dân đi xếp hàng, chen chúc, thậm chí là tranh giành nhau mua khẩu trang y tế để phòng dịch, sau một vài lời chia sẻ về việc khẩu trang khan hàng, tăng giá đột biến trên mạng xã hội. 

Việc xử lý nhanh những hiện tượng như vậy là một thách thức mới đối với cơ quan chức năng, bởi nếu như các tin tức không chính thống trước đây chỉ “góp vui” cho bữa cơm đầu năm mới thì nay đã trực tiếp ảnh hưởng đến sức khỏe, sự an toàn và túi tiền của người dân.

Mới đây, Bộ Y tế đã thành lập 45 đội phản ứng nhanh chống dịch viêm phổi Vũ Hán, sẵn sàng hỗ trợ khi có yêu cầu. Thiết nghĩ các cơ quan chức năng cũng cần một đội ngũ tương tự để hạn chế tối thiểu sự lan truyền thông tin sai lệch từ mạng xã hội ra ngoài đời thực.

Có thể nói, mối nguy của những tin tức giả về chủng virus nCoV đang lan truyền trên mạng xã hội còn cao hơn rất nhiều so với dịch bệnh vào thời điểm hiện tại. Đó chính là lý do mà Chính phủ của nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đã phải thực hiện những biện pháp mạnh tay đối với những người cố tình lan truyền fake news gây hoang mang cho cộng đồng xã hội. Nhiều người tung tin thất thiệt về dịch bệnh ở các nước đã bị cảnh sát bắt giữ. Ở Việt Nam cũng đã có một số trường hợp bị cơ quan công an gọi hỏi về hành vi bịa đặt về thực trạng dịch cúm do chủng virus nCoV.

Song, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng trong việc phòng chống dịch cúm do chủng virus nCoV, cũng như xử lý nghiêm khắc những trường hợp tung tin thất thiệt, thì mỗi người hãy tự trang bị cho bản thân một “màng lọc” thông tin để đủ tỉnh táo nhận biết đâu là tin thật, đâu là tin giả. Quan trọng hơn, mỗi người dân hãy tin tưởng vào quyết tâm cũng như khả năng ngăn chặn dịch bệnh của Chính phủ, để từ đó yên tâm, thực hiện đúng những khuyến cáo của các cơ quan hữu trách trong việc phòng chống dịch bệnh. 

Khánh An

Mạng Y Tế
Nguồn: Công luận (https://congluan.vn/dai-dich-corona-va-no-luc-giam-thieu-tin-gia-tao-ra-mang-loc-cho-doc-gia-bang-thong-tin-minh-bach-post73369.html)

Tin cùng nội dung

  • Những bất lợi do dùng Thuốc gây ra được gọi chung là “PHẢN ỨNG CÓ HẠI CỦA Thuốc” (người nước ngoài gọi ADR
  • Phát hiện sớm và can thiệp sớm trước tuổi đi học có thể tác động to lớn tới khả năng học các kỹ năng và sự hòa nhập xã hội của trẻ tự kỷ.
  • Chào Mangyte! Em là sinh viên ở Quận 5. Bác sĩ cho em hỏi là xét nghiệm HIV ở Viện Pasteur giá khoảng bao nhiêu và bao lâu có kết quả? Đi đến đó thì mình có được đảm bảo kết quả và giữ bí mật thông tin người bệnh? Mong nhận được câu trả lời sớm nhất của Mangyte ạ! Em chân thành cám ơn! (Châu Nguyễn - Quận 5 - TPHCM)
  • Bệnh tiểu đường (hay đái tháo đường) là danh từ dùng để chỉ một nhóm các bệnh lý ảnh hưởng đến cách cơ thể sử dụng đường trong máu, thường đặc trưng bởi tăng đường máu.
  • Động kinh là bệnh của hệ thần kinh trung ương trong đó hoạt động của tế bào thần kinh bị rối loạn, biểu hiện bởi những cơn co giật (cơn động kinh) với những hành vi, triệu chứng, và cảm giác bất thường, bao gồm cả mất ý thức khi lên cơn.
  • Bệnh sarcoidosis (sarcoidosis) là hậu quả sự phát triển các ổ viêm nhỏ tại nhiều cơ quan khác nhau của cơ thể - thường nhất ở phổi, hạch bạch huyết, mắt và da.
  • Sau đây, kênh Mạng Y Tế xin giới thiệu: Thông tin về Bệnh xơ cứng bì. Xin mời các bạn cùng tham khảo.
  • Hen phế quản (bệnh hen hay hen suyễn) là tình trạng đường dẫn khí bị hẹp và phù nề cũng như tăng tiết đàm nhầy. Điều này làm việc thở khó khăn và dễ gây ho, khò khè và thở hụt hơi.
  • Huyết áp thấp có thể gây ra các triệu chứng chóng mặt và ngất xỉu. Trong những ca bệnh nặng, huyết áp thấp có thể đe dọa đến tính mạng.
  • Bệnh ung thư, bạn đang muốn tìm hiểu để biết rõ hơn về nguyên nhân, triệu chứng, cách phòng và điều trị ung thư
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY