Huyết áp , Tim mạch hôm nay

Đại dịch COVID-19 khiến cuộc khủng hoảng việc làm thêm trầm trọng

Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), đại dịch COVID-19 kéo dài một năm rưỡi qua làm số việc làm sụt giảm, sự chậm trễ của việc tiêm vắc xin khiến sự hồi phục việc làm chậm, tăng nguy cơ bất bình đẳng để lại hậu quả lâu dài.

Theo Báo cáo "Triển vọng Xã hội và Việc làm Thế giới: Xu hướng 2021" (Xu hướng WESO) của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) được công bố mới đây cho thấy, cuộc khủng hoảng thị trường lao động xuất phát từ đại dịch COVID-19 còn lâu mới kết thúc và tăng trưởng việc làm sẽ không đủ để bù đắp cho những thiệt hại ít nhất còn phải kéo dài cho đến năm 2023.

ILO dự báo sự thiếu hụt việc làm  do cuộc khủng hoảng COVID-19 gây ra cho 75 triệu  người lao động vào năm 2021, trước khi giảm xuống 23 triệu người vào năm 2022. Khoảng cách liên quan đến số việc làm và số giờ giảm, tương đương với 100 triệu việc làm toàn thời gian vào năm 2021 và 26 triệu việc làm toàn thời gian vào năm 2022.  Sự thiếu hụt về việc làm và giờ làm việc này do tỷ lệ thất nghiệp cao kéo dài trước khủng hoảng, tình trạng lao động thiếu hụt và điều kiện làm việc tồi tệ.

Số người thất nghiệp toàn cầu dự kiến sẽ ở mức 205 triệu người vào năm 2022, vượt qua mức 187 triệu người vào năm 2019. Điều này tương ứng với tỷ lệ thất nghiệp là 5,7%.  Trừ thời kỳ khủng hoảng do COVID-19, điều này đã từng xảy ra  vào năm 2013. 


Số người thất nghiệp toàn cầu dự kiến sẽ ở mức 205 triệu người vào năm 2022

Các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong nửa đầu năm 2021 là Mỹ Latinh và Caribe, châu Âu và Trung Á.  Tổn thất giờ làm việc ước tính vượt 8% trong quý đầu tiên và 6% trong quý thứ hai, so với mức mất giờ làm việc toàn cầu lần lượt là 4,8% và 4,4% trong quý đầu tiên và thứ hai.

Phục hồi việc làm trên toàn cầu được dự báo sẽ tăng tốc trong nửa cuối năm 2021, với điều kiện là tình hình đại dịch nói chung không trở nên tồi tệ hơn. Tuy nhiên, điều này sẽ không đồng đều, do khả năng tiếp cận vắc xin không đồng đều và sự  hạn chế của hầu hết các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi trong việc tung ra các biện pháp kích thích. Bên cạnh đó, chất lượng của các công việc mới được tạo ra có thể sẽ xấu đi ở các quốc gia đó.

Việc giảm việc làm và số giờ làm việc đã dẫn đến thu nhập của người lao động giảm mạnh và tỷ lệ đói nghèo gia tăng. So với năm 2019, thêm 108 triệu người lao động trên toàn thế giới hiện được phân loại là nghèo hoặc cực kỳ nghèo (có nghĩa là họ và gia đình của họ sống với mức lương tương đương dưới 3,20 USD / người mỗi ngày). Báo cáo cho biết thêm rằng việc đạt được Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc về xóa đói giảm nghèo vào năm 2030 thậm chí  trở nên khó nắm bắt hơn.

Báo cáo cho thấy, cuộc khủng hoảng COVID-19  đã làm cho tình trạng bất bình đẳng tồn tại từ trước trở nên tồi tệ hơn bằng cách tác động mạnh hơn đến những người lao động dễ bị tổn thương. Tình trạng thiếu bảo trợ xã hội  khi có 2 tỷ lao động làm việc trong khu vực phi chính thức trên thế giới. Điều này đồng  nghĩa với việc có  sự gián đoạn công việc do  đại dịch, đã gây ra những hậu quả thảm khốc đối với thu nhập và sinh kế của gia đình.

Cuộc khủng hoảng cũng ảnh hưởng không nhỏ đến phụ nữ. Việc làm của phụ nữ  giảm 5% vào năm 2020 so với 3,9% ở nam giới. Nguyên nhân là phần lớn phụ nữ  rời bỏ thị trường lao động do nền kinh tế bị đình trệ bởi dịch bệnh. 

Trên toàn cầu, việc làm của thanh niên giảm 8,7% vào năm 2020, so với 3,7% ở người lớn, với mức giảm rõ rệt nhất ở các nước có thu nhập trung bình.  Hậu quả của sự chậm trễ và gián đoạn này đối với trải nghiệm thị trường lao động ban đầu của những người trẻ tuổi có thể kéo dài trong nhiều năm.

Tổng Giám đốc ILO Guy Ryder cho rằng, sự phục hồi hậu COVID-19 không chỉ là vấn đề sức khỏe. Những thiệt hại nghiêm trọng đối với nền kinh tế và xã hội cũng cần được khắc phục. Nếu không có nỗ lực có chủ đích để đẩy nhanh việc tạo ra việc làm tốt, hỗ trợ những thành viên dễ bị tổn thương nhất của xã hội và phục hồi các ngành kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề nhất, thì những hậu quả của đại dịch có thể sẽ kéo dài trong nhiều năm, làm mất đi tiềm năng kinh tế và con người, nghèo đói và bất bình đẳng gia tăng.

Tổng Giám đốc ILO nhấn mạnh thế giới cần một chiến lược toàn diện và có sự phối hợp, dựa trên các chính sách lấy con người làm trung tâm, được hỗ trợ bởi hành động và kinh phí. Không thể có sự phục hồi thực sự nếu không có sự phục hồi của những công việc tốt.

Báo cáo của ILO đưa ra một chiến lược phục hồi dựa trên 4 nguyên tắc gồm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên diện rộng và tạo ra việc làm hiệu quả; hỗ trợ thu nhập hộ gia đình và chuyển đổi thị trường lao động; củng cố nền tảng thể chế cần thiết cho tăng trưởng và phát triển kinh tế bao trùm, bền vững và có khả năng chống chịu; và bằng đối thoại xã hội để phát triển các chiến lược phục hồi , lấy con người làm trung tâm.

Hải Yến

(Theo ILO)

Nguồn: suckhoedoisong.vn

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khỏe toàn dân (http://suckhoetoandan.vn/p/60ba0435f8ec6ec884302cc2)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY