Huyết áp , Tim mạch hôm nay

Dịch bệnh COVID-19: Hơn 400 hành vi bạo lực nhằm vào nhân viên y tế

Theo báo cáo của một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Geneva, trong năm 2020 xảy ra đại dịch COVID-19, lực lượng trên tuyến đầu chống dịch là các y bác sĩ, nhân viên y tế đã hứng chịu hơn 400 hành vi bạo lực như lăng mạ, đánh đập hay bắt giữ.

Một báo cáo mới công bố của Insecurity Insight có trụ sở tại Geneva và Đại học California công bố cho thấy có ít nhất 1.172 hành vi bạo lực và tấn công xảy ra đối với nhân viên y tế hoặc nhắm vào các cơ sở y tế vào năm ngoái. 

Báo cáo cho biết, hơn 1/3- khoảng 412 các hành vi liên quan trực tiếp đến dịch bệnh COVID-19, trong đó, tại Mexico đã có trường hợp một y tá bị tấn công và bị thương bởi một nhóm người cho rằng cô là nguồn gốc lây lan virus. Tuy nhiên đây là điều cáo buộc vô căn cứ và có tính kỳ thị đối với lực lượng đang trên tuyến đầu chống dịch.

Tại thủ đô Dakar của Senegal, 3 nhân viên xã hội đã bị những cư dân địa phương ném đá phản đối không cho chôn một nạn nhân Tu vong vì COVID-19 ở gần nhà của họ. Ở Birmingham, Anh, một nhân viên y tế đã bị một người hàng xóm khạc nhổ và lăng mạ.

Theo báo cáo, có khoảng 80% thủ phạm của các vụ bạo lực là dân thường, nhưng cũng có các vụ việc do nhầm lẫn từ nhà chức trách. 

Bạo lực đối với nhân viên y tế ảnh hưởng tới 79 quốc gia

Tổ chức Insecurity Insight đã ghi nhận có 802 cuộc tấn công xảy ra ở các quốc gia có chiến tranh hoặc ở các nơi có xung đột dân sự, chẳng hạn như vụ đánh bom bệnh viện ở Yemen hay vụ bắt cóc bác sĩ ở Nigeria.

Giám đốc Insecurity Insight Christina Wille cho biết trong một tuyên bố: “Bản đồ về thực trạng bạo lực đối với nhân viên y tế và cơ sở  chăm sóc sức khỏe là một cuộc khủng hoảng toàn cầu vào năm 2020, ảnh hưởng đến 79 quốc gia".

Đối tượng bị tấn công có thể là bất cứ người nào trong lực lượng y tế từ bác sĩ đến y tá, nhất là ở khu vực xung đột. Các chuyên gia cho biết, đại dich COVID-19 làm gia tăng những nguy cơ bị tấn công. Tại Nigeria hai y tá đã bị tấn công bởi gia đình của một bệnh nhân COVID-19 khi người này qua đời. Một y tá bị gãy xương, người kia bị đánh đến hôn mê.

Sau vụ hành hung, các y tá tại Trung tâm Y tế Liên bang ở thành phố Owo, Tây Nam Nigeria đã ngừng điều trị cho bệnh nhân, yêu cầu bệnh viện cải thiện tình trạng an ninh. Sau đó bệnh viện đã tăng cường lực lượng an ninh, bảo vệ suốt ngày đêm. “Chúng tôi không có cuộc sống của mình". Francis Ajibola, một lãnh đạo của Hiệp hội Y tá và Hộ sinh Quốc gia Nigeria cho biết.

Một y tá phục vụ trong ngành suốt 40 năm tại Mexico, Ligia Kantun cho biết,  chưa bao giờ cảm thấy bị đe dọa cho đến thời gian đầu năm 2020. Đó là một ngày tháng 4, khi cô rời bệnh viện ở Merida, cô nghe thấy ai đó hét lên từ "kẻ lây nhiễm bệnh!" Cô nói với AP rằng: “10 phút sau, tôi trở về nhà, tôi đã ôm con gái và khóc. Chúng tôi cảm thấy rất sợ hãi và nghĩ bụng tại sao họ có thể làm điều này với tôi?'. Kantun cho biết, nhiều người ở Mexico lúc đó nghĩ rằng các nhân viên y tế tiếp xúc với bệnh nhân COVID-19 sẽ lây bệnh cho những người khác. “Chính sự thiếu hiểu biết đó đã khiến họ hành động như vậy", cô nói.

Các nhà nghiên cứu cho biết, họ đã chứng kiến nhiều vụ tấn công nhất vào mùa xuân và mùa hè năm ngoái khi dịch bệnh COVID-19 quét qua toàn cầu. Tuy nhiên, các sự kiện gần đây ở  Nigeria hay Hà Lan, nơi những kẻ bạo loạn đã phóng hỏa vào một trung tâm thử nghiệm phòng chống dịch bệnh, cho thấy mối đe dọa vẫn còn. Bác sĩ cấp cứu có tại California Rohini Haar cho biết, trong đại dịch sự sợ hãi,  ngờ vực thường nhiều hơn, nên dẫn tới các cuộc tấn công tăng lên. Nhiều cuộc tấn công có thể đã không bị phát hiện vì chúng không bao giờ được báo cáo. Giám đốc Insecurity Insight- Wille cho biết,  đã cố gắng mở rộng sự giám sát phát hiện các vụ bạo lực với nhân viên y tế ngay cả ở các quốc gia có truyền thống là an toàn.

Ví dụ, tại Mỹ, các nhà nghiên cứu đã thống kê có khoảng chục mối đe dọa đối với nhân viên y tế vào năm ngoái. Theo Cục Thống kê Lao động, nhân viên y tế ở Mỹ có nguy cơ trở thành nạn nhân của một vụ cố ý gây thương tích cao gấp gần 6 lần so với người lao động bình thường. Tháng trước, một trợ lý y tế ở Minnesota đã thiệt mạng trong một vụ xả súng tại một phòng khám bởi một bệnh nhân cũ của phòng khám. Thông tin sai lệch cũng thúc đẩy tình trạng bạo lực. 

Theo các chuyên gia, mặc dù nhân viên y tế là mục tiêu của các vụ tấn công, nhưng toàn bộ cộng đồng phải bị ảnh hưởng khi người khám chữa bệnh cho họ hoặc cơ sở y tế buộc phải đóng cửa do bị đe dọa.

Người đứng đầu bộ phận truyền thông của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) về các trường hợp khẩn cấp Nyka Alexander cho biết: “Những người thực hiện hành vi tấn công nhân viên y tế đang cướp đi dịch vụ cung cấp cho cộng đồng".

Các khu vực xung đột bị tác động nhiều nhất

Dù có hay không có đại dịch, những nơi nguy hiểm nhất đối với nhân viên y tế thường là những khu vực có xung đột và biến động chính trị. Năm ngoái, hàng trăm lời đe dọa và hành động bạo lực đã xảy ra tại Syria, Afghanistan, Yemen và Cộng hòa Dân chủ Congo.

Điều phối viên-  giám sát của Mạng lưới ứng phó và cảnh báo sớm của Syria - Naser Almhawish cho biết, ông đã nhiều lần đối mặt với các mối đe dọa khi làm bác sĩ ở thành phố Raqqa. Ông nhớ lại một ngày của năm 2012 tại Bệnh viện Quốc gia Ar-Raqqa khi những người đàn ông có vũ trang trấn áp bác sĩ ngay khi ông đang phẫu thuật, nói đe dọa sẽ giết bác sĩ nếu bệnh nhân ch*t.

Ông Naser Almhawish nói: “Đây là nhiệm vụ của chúng tôi. Tôi không cần biết bệnh nhân của tôi là quân nhân, người bình thường hay gì cả. Tôi chỉ biết, anh ấy là một con người cần được phẫu thuật. " Các nhà nghiên cứu cho biết bạo lực nhắm vào nhân viên y tế đã giảm ở nước này vào năm 2020.

Y tá ở Mexico- cô Kantun cho rằng, hiện tại, một năm sau đại dịch, mặc dù cảm thấy các nhân viên y tế được tôn trọng hơn, nhưng cô vẫn lo lắng. Cô nói: “Tôi đã từng sợ hãi khi ra ngoài và thấy xe của mình bị trầy xước, hoặc cửa kính xe của tôi bị vỡ. Tôi thực sự ám ảnh kể từ đó".

Ông Leonard Rubenstein, chủ tịch và người sáng lập của Liên minh Bảo vệ Sức khỏe trong Xung đột và là giáo sư tại Đại học Johns Hopkins, đã kêu gọi các chính phủ bảo vệ nhân viên y tế, bao gồm cả việc chống lại thông tin sai lệch.

Hải Yến

(Theo AFP)

Nguồn: suckhoedoisong.vn

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khỏe toàn dân (http://suckhoetoandan.vn/p/6041d5cdf8ec6eb08f7c5082)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY