Hằng năm, cứ vào dịp giáp Tết, người dân Thủ đô lại chộn rộn chuẩn bị cho kỳ nghỉ lễ kéo dài nhất năm.
Kéo theo đó là hàng loạt thứ quá tải khiến nhiều người cảm thấy “vã mồ hôi” để bước vào dịp Tết sum vầy. Hãy cùng Báo ANTĐ “điểm mặt” những thứ quá tải này!
Giao thông
Đây có lẽ là nỗi “kinh hãi” của nhiều người khi nghĩ về sự quá tải vào
dịp giáp tết. Từ trước ngày ông Công, ông Táo (23 tháng Chạp âm lịch), đường phố đã bắt đầu ken đặc các phương tiện, khi người dân tích cực sắm sửa đồ cho Tết.
Bước chân ra đường vào những khung giờ “lành” (giữa giờ sáng, giờ trưa hoặc giữa giờ chiều) trong quãng thời gian này, mọi người vẫn phải chật vật di chuyển, khi ô tô, xe máy “chen nhau, đông khủng khiếp” như lời anh Ngô Thắng (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ.
Những tuyến đường nổi tiếng hay tắc vào giờ cao điểm như Trường Chinh, Trương Định, Chùa Bộc, Tôn Đức Thắng… thì lập tức trở nên “mong manh”, với khả năng tắc bất kỳ lúc nào.
Tình trạng này hoàn toàn trái ngược với thời gian bắt đầu Tết Nguyên đán, khi từ mùng 1 tới mùng 4 (âm lịch), đường phố Hà Nội lại quang đãng tới khó tin, sau khi nhiều người đã trở về quê ăn Tết.
Cô Kim Khánh (Tây Sơn, Hà Nội) chia sẻ rằng, dù có tan giờ làm thì cô vẫn ở lại cơ quan để “né” cảnh đứng chôn chân ngoài đường, giữa bầu không khí đặc mùi xăng xe và tiếng ồn.
Trong giai đoạn cao điểm này, không thể không nhắc tới vai trò của lực lượng cảnh sát giao thông, công an phường và dân phòng. Nếu thiếu đi sự cần mẫn và những giọt mồ hôi của các anh, chắc chắn tình trạng ùn tắc giao thông tại Hà Nội sẽ còn “kinh khủng” hơn nhiều.
Phương tiện vận tải
Là kỳ nghỉ kéo dài nhất năm nên vào giáp Tết Nguyên đán, lượng người về quê luôn đông đảo nhất. Điều này kéo theo tình trạng quá tải đáng kể trên các phương tiện vận tải liên tỉnh, như xe khách, xe buýt.
Mặc dù cơ quan chức năng đã thực hiện nhiều biện pháp để hạn chế tình trạng nhồi nhét khách, song trên thực tế, với tâm lý muốn về nhà càng sớm càng tốt, nhiều người sẵn sàng chấp nhận để nhà xe “nhồi”, dẫn tới nhiều cảnh dở khóc dở cười.
Tình trạng “chật như nêm” cũng tương tự trên các chuyến xe buýt liên tỉnh, khiến nhiều người thậm chí chỉ đứng được bằng… một chân, còn chân kia thì bị ép tới mức không đặt được xuống sàn.
Chị Nguyễn Giang (Lập Thạch, Vĩnh Phúc) chia sẻ rằng khi về tỉnh, đi xe buýt ở đây vào
dịp giáp tết, chị chẳng dám mang nhiều đồ vì “đến chỗ đứng còn chật vật thì đồ đạc biết để vào đâu”.
Theo khảo sát của phóng viên, hầu hết những người ở ngoại tỉnh đều có chung nỗi lo “chật chội” trên các chuyến xe vào
dịp giáp tết, cũng như sau Tết.
Siêu thị, trung tâm mua sắm đồ tiêu dùng
Giáp Tết cũng là khoảng thời gian cao điểm tại các siêu thị hay trung tâm mua sắm đồ tiêu dùng. Nhiều người hiện có tâm lý thích vào siêu thị sắm sửa, bởi lượng hàng phong phú, đa dạng, nhiều loại được khuyến mãi ưu đãi với mức giá rất hấp dẫn, trong khi các đại lý tạp hóa không có những yếu tố đó.
Cũng bởi vậy mà ở một siêu thị có tiếng trên đường Trần Duy Hưng (Cầu Giấy, Hà Nội), dù là vào buổi trưa của một ngày bình thường song lượng người ghé sắm sửa vẫn đông nghịt. Ai cũng tranh thủ chất đầy xe hàng của mình với bánh kẹo, bia, nước ngọt, café hộp…, tạo ra khung cảnh thực sự “quá tải”.
Nhiều mặt hàng ở đây thậm chí đã hết trước ngày 27 Tết (âm lịch), trong khi ở các quầy cân thực phẩm và thanh toán, hàng dài người phải xếp hàng chờ đợi.
Nhà hàng
Năm hết Tết đến, nhiều cơ quan, công ty tổ chức tiệc liên hoan tất niên, khiến các nhà hàng, dịch vụ ăn uống rơi vào cảnh “cháy hàng”, quá tải. Nếu không gọi điện đặt trước thì khó có thể tìm được một nơi liên hoan cuối năm trong hoàn cảnh “cầu vượt cung”. Cũng vì thế mà có những nhà hàng trở nên “sang chảnh” hơn, vì dù có ép giá hay đặt điều kiện thế nào, nhiều khách đặt cũng phải miễn cưỡng gật đầu, miễn là “có bàn”.
Chị Thúy Vi (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho hay: “Mình là thủ quỹ của phòng nên thường xuyên lo việc đặt chỗ ăn uống cho mọi người khi có dịp. Ngại nhất là vào thời gian giáp Tết thế này, vì để đặt đủ chỗ cho tất cả là rất khó, nhiều nơi báo lại là không còn một chỗ trống suốt mấy ngày liền”.
Thậm chí, anh Thanh Hậu (Thanh Xuân, Hà Nội) còn vui vẻ kể lại rằng do sắp tới kỳ nghỉ Tết mà công ty của anh mãi vẫn không đặt được chỗ nào ở nhà hàng nên cuối cùng quyết định liên hoan ngay tại… một quán nướng vỉa hè.
“Hóa ra lại thành vui, mọi người ăn uống, hát hò “sống” luôn ngay tại bàn. Mọi năm vào nhà hàng thì lại không được như vậy”, anh Hậu chia sẻ.
Công việc
Với nhiều người thì
dịp giáp tết là thời gian “chuẩn bị xả hơi”, để tập trung vào mua sắm, dọn dẹp nhà cửa. Song ở một số cơ quan hay công ty thì đây lại là giai đoạn cao điểm tới mức quá tải công việc, để hoàn thành những dự án dang dở, kịp bàn giao cho đối tác trước kỳ nghỉ kéo dài.
Anh Nguyễn Mạnh Hà (nhân viên công ty phần mềm) cho hay: “Nghỉ Tết là “Tết ta” của mình, trong khi đối tác nước ngoài thì vẫn làm việc bình thường, nên bên mình phải gấp rút thực hiện cho xong đơn hàng. Nếu để qua thời gian nghỉ Tết mới bàn giao thì chậm mất. Thành ra anh em trong công ty ai cũng bù đầu bù tai vì chạy đua với lượng công việc quá tải”.
Ngoài ra, chính những nhân viên làm trong các dịch vụ “quá tải” kể trên cũng phải đối mặt với lượng công việc khổng lồ vào
dịp giáp tết.
Từ các nhân viên bán hàng siêu thị tiêu dùng phải căng sức phục vụ, đáp ứng nhu cầu của khách hàng cho tới những nhân viên phục vụ tại các nhà hàng, dịch vụ ăn uống.
“Thời gian này thì bọn em gần như không có một chút thời gian nghỉ ngơi nào cả”, một nhân viên chạy bàn của nhà hàng trên phố Phan Bội Châu chia sẻ.
Những thứ quá tải nói trên vẫn luôn lặp đi lặp lại vào
dịp giáp tết, khiến nhiều người cảm thấy mệt mỏi và phải căng sức để hoàn thành. Có người còn nói vui rằng “sau thời gian này, tính kiên nhẫn của mình tăng lên đáng kể”. Tất nhiên, động lực để mỗi người vượt qua quãng thời gian “quá tải” chính là những giây phút thoải mái được ở bên gia đình, người thân vào dịp Tết sum vầy.
Theo An ninh Thủ đô