Bệnh ung thư hôm nay

Diễn biến tâm lý bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối

Bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối thường trải qua nhiều các giai đoạn tâm lý phức tạp và cần được chăm sóc một cách đặc biệt.

ThS. DS. Nguyễn Thị Vũ Thành - Chuyên gia Y tế công cộng Quỹ toàn cầu cho biết bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối thường có diễn biến tâm lý khó có thể kiểm soát, cú sốc tinh thần này sẽ làm cả thể trạng lẫn tâm lý của bệnh nhân suy sụp hoàn toàn. Vì vậy, người thân cần chú ý theo dõi tình trạng sức khỏe cũng như tâm lý của người bệnh theo từng giai đoạn để có cách chăm sóc phù hợp.

Giai đoạn bất ngờ

Ở giai đầu, sau khi biết mình bị ung thư giai đoạn cuối bệnh nhân sẽ cảm thấy sửng sốt, thậm chí, một vài trường hợp còn rơi vào tình trạng trầm cảm, u uất và nghĩ đến cái ch*t. Tâm lý của người bệnh lúc này rất bất ổn, họ chuyển sang trạng thái nghi ngờ về chẩn đoán của bác sĩ và hy vọng điều đó là sai.

Thông thường, ở giai đoạn này sự tư vấn về tâm lý cho người bệnh là hết sức khó khăn.

Giai đoạn hy vọng

Ở giai đoạn tiếp theo, tinh thần bệnh nhân sẽ bớt căng thẳng, tin vào phác đồ điều trị của bác sĩ và hy vọng các liệu pháp đó sẽ cứu sống mình. Trong thời điểm này này, các bác sĩ sẽ can thiệp vào việc điều trị cũng như trấn an tâm lý cho bệnh nhân dễ dàng hơn.

Giai đoạn chấp nhận

Sau khi phẫu thuật hoặc sử dụng các phương pháp điều trị khác, bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối thường chuyển sang tâm lý chấp nhận căn bệnh, tiếp tục theo dõi và sử dụng các phương pháp điều trị theo phác đồ của bác sĩ đưa ra, không còn mặc cảm về bệnh tật.

ThS. DS Nguyễn Thị Vũ Thành cũng cho biết việc chăm sóc tâm lý cho bệnh nhân ung thư trong giai đoạn cuối là vô cùng cần thiết, nếu thực hiện tốt sẽ giúp cho việc điều trị bệnh của họ tiến triển tích cực hơn.

Quan tâm đến tâm lý bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối

Những bệnh nhân bị ung thư giai đoạn cuối thường có tâm lý sợ bị mọi người bỏ rơi và lãng quên. Thêm vào đó, quá trình điều trị làm người bệnh bị rụng tóc, da dẻ thâm sạm sẽ khiến họ tự ti, tự cảm thấy mình đang dần trở nên vô dụng vì không thể tự chăm sóc bản thân, không giúp gì được cho gia đình và xã hội.

Vì vậy, việc nhận được sự quan tâm từ gia đình, bạn bè phần nào làm vơi bớt nỗi sợ hãi đó. Họ sẽ cảm thấy vui vẻ hơn, được mọi người yêu thương, có thêm động lực để cố gắng chiến đấu với bệnh tật.

Để bệnh nhân tự do

Trong khoảng thời gian này, tâm lý của người bệnh rất bất ổn. Họ sẽ nghĩ rằng thời gian không còn nhiều nên muốn làm những điều thực sự có ích cho người thân cũng như xã hội. Vì vậy, gia đình nên động viên, tạo điều kiện cho người bệnh được tự do làm những gì mình mong muốn.

Đồng thời, người thân có thể khuyến khích người bệnh tự làm các công việc cá nhân nếu vẫn còn khả năng đi lại. Những buổi giao lưu với bạn bè, đi những chuyến đi gần hoặc ăn những món ăn yêu thích cũng là một trong những cách giúp người bệnh vơi đi những nỗi đau do căn bệnh ung thư gây ra.

Giải quyết – Bàn giao

Với bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối, sức khỏe không cho phép họ tiếp tục thực hiện những công việc còn đang dang dở, hầu hết đều phải gác lại để tập trung điều trị cho ung thư.

Vì vậy, họ cần tự sắp xếp cũng như giải quyết những công việc còn lại của mình. Nếu không đủ khả năng để làm tất cả mọi việc, người bệnh có thể lên kế hoạch hoặc bàn giao lại cho người thân. Khi công việc đã được giải quyết và bàn giao xong xuôi, bệnh nhân sẽ không còn dằn vặt bản thân và cảm thấy thanh thản hơn.

Đỗ Hiên

Mạng Y Tế
Nguồn: Vnexpress (https://vnexpress.net/suc-khoe/dien-bien-tam-ly-benh-nhan-ung-thu-giai-doan-cuoi-4085413.html)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY