Tin y tế hôm nay

Tin y tế

Điều dưỡng chăm sóc bé 3 tháng tuổi: Lo lắng, trống rỗng

15 phút trước khi em bé nhiễm nCoV nhỏ tuổi vào Bệnh viện Nhi Trung ương, điều dưỡng Tỉnh đã sẵn sàng trang phục bảo hộ để tiếp nhận.

"Chúng tôi hồi hộp chờ bệnh nhi đến, vừa lo lắng vừa trống rỗng bởi đây là ca bệnh đầu tiên nhỏ tuổi nhất nhiễm Covid-19 tại nước ta", nữ điều dưỡng nhớ lại.

Bệnh nhi được chuyển từ Vĩnh Phúc đến viện nhi đêm 11/2. Điều dưỡng Tỉnh và bác sĩ trong trang phục bảo hộ chờ sẵn. Ngay lập tức, mẹ và bé được đưa thẳng vào khu cách ly. Công việc diễn ra khẩn trương, chẳng ai kịp nói lời chào. Một đội gồm 2 bác sĩ và 2 điều dưỡng được thành lập cùng cách ly chăm sóc điều trị riêng cho bé.

Điều dưỡng Phùng Thị Liên Tỉnh 39 tuổi, là một trong nhóm 4 y bác sĩ riêng của bé. Khi bé đang trên đường được đưa từ Vĩnh Phúc về Hà Nội, chị Tỉnh có nhiệm vụ liên lạc với đồng nghiệp trên xe cứu thương để xác định chính xác thời gian xe đến viện nhi.

Đã chuẩn bị sẵn tâm lý nhưng "cảm giác vừa thương bé vì còn quá nhỏ đã mắc bệnh và cách chăm sóc, điều trị cho cháu ra sao khiến tôi hồi hộp vô cùng", chị tâm sự.

Điều dưỡng Phùng Thị Liên Tỉnh, Trung tâm Y học lâm sàng Các bệnh Nhiệt đới Trẻ em, Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh: Thùy An

Khu cách ly bệnh nhi nằm trong Trung tâm Y học lâm sàng Các bệnh Nhiệt đới Trẻ em thuộc Bệnh viện Nhi Trung ương. 

Ngoài nhóm y bác sĩ chăm sóc trực tiếp cho bé, còn có một đội ngũ nhân viên y tế hỗ trợ vòng ngoài. Tất cả đều phải sử dụng đầy đủ các phương tiện phòng hộ như quần áo, giày, kính mũ, khẩu trang chuyên dụng. Sau khi tiếp xúc với trẻ, họ phải tuân thủ quy trình vệ sinh các bề mặt và thay toàn bộ phương tiện phòng hộ. Riêng điều dưỡng luôn phải tập trung để kịp thời ứng phó, xử trí khi bệnh nhi có dấu hiệu bất thường. 

Mỗi ngày, kíp trực gồm một bác sĩ và một điều dưỡng thay phiên nhau vào chăm sóc bệnh nhi, hạn chế những việc không cần thiết để tránh lây nhiễm chéo. Mẹ bé được đặc cách cùng chăm sóc con, với điều kiện luôn giữ ở trạng thái bảo hộ tốt nhất như mặc áo bảo hộ và đeo khẩu trang để đảm bảo không lây nhiễm.

Từ cánh cửa kính buồng đệm, điều dưỡng Tỉnh thường xuyên quan sát tình trạng của bé và những thông số đo sức khỏe trên các thiết bị theo dõi. Chị cũng phải hướng dẫn mẹ bé cách vệ sinh tay, vệ sinh cá nhân và sử dụng phương tiện phòng hộ, cách cho trẻ bú đúng và bảo vệ nguồn sữa mẹ, chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi cũng như động viên tinh thần cho mẹ. 

"Trong lúc này, sự vững tin của người mẹ là nguồn động lực cho nhân viên y tế trong cuộc chiến giúp bé vượt qua bệnh tật", điều dưỡng Tỉnh cho biết. 

Từ ngày tiếp nhận bệnh nhi, công việc của điều dưỡng Tỉnh không có nhiều thay đổi, thậm chí khối lượng công việc giảm đi do chỉ chăm sóc một người. Tuy nhiên, áp lực công việc tăng lên, nhất là khi thông tin về số ca nhiễm bệnh, Tu vong và tỷ lệ nhân viên y tế tại vùng dịch của Trung Quốc lây nhiễm ngày càng cao. 

Điều dưỡng Tỉnh (áo bảo hộ trắng) phụ trách chăm sóc bệnh nhi nCoV trong 10 ngày ở viện. Ảnh: Xuân Tùng

Theo các bác sĩ, khó khăn lớn nhất khi điều trị là cháu bé còn quá nhỏ, sức đề kháng kém, nguy cơ có thể xảy đến bất cứ lúc nào. Các bác sĩ phải túc trực thường xuyên, theo dõi sát sao, chăm sóc kỹ lưỡng hơn các bệnh nhi khác. 

10 ngày chăm sóc bé, nhóm nhân viên y tế cũng được cách ly, theo dõi sức khỏe để tránh lây nhiễm. Sau ca trực, họ trở về phòng nghỉ ngơi và chờ đến ca trực tiếp theo nên "cảm giác ngày trôi qua thật dài".

Ngày 15/2, bệnh nhi được kết quả xét nghiệm nCoV âm tính lần một. Cầm kết quả của bé trên tay, điều dưỡng Tỉnh mừng rỡ, gọi về cho chồng báo tin. Ba ngày sau, bệnh nhi nhận kết quả âm tính lần hai, các chỉ số xét nghiệm sinh hóa, huyết học, X-quang tim phổi của bé đều bình thường. Kết quả xét nghiệm Covid-19 của người mẹ cũng âm tính hai lần liên tiếp. 

Trước khi cho bé xuất viện, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Trung tâm Y học Lâm sàng Các bệnh Nhiệt đới Trẻ em thuộc Bệnh viện Nhi Trung ương, đề nghị bé phải được tiếp tục chăm sóc và theo dõi kỹ lưỡng. Mẹ của bé được tư vấn cách chăm sóc con tại nhà và đề phòng các vấn đề sức khỏe của cháu, tránh bội nhiễm vi khuẩn và lây chéo bệnh khác.

Sáng 20/2, các bác sĩ đưa ra hai mẹ con từ viện Nhi ra xe cứu thương về Vĩnh Phúc. Ảnh: Giang Huy

Hôm nay, Bệnh viện nhi Trung ương không còn ca dương tính với Covid-19 nhưng nhân viên y tế vẫn luôn sẵn sàng trong mọi tình huống, kịp thời ứng phó. Tất cả nhắc nhở nhau tập trung cao độ trong cuộc chiến chung toàn cầu.

Riêng điều dưỡng Tỉnh vẫn nhớ và lo lắng cho em bé mình tận tay chăm sóc từ ngày đầu. Chị cho biết 15 năm làm nghề đã giúp chị rèn luyện bản lĩnh nghề nghiệp, yêu công việc mình đã chọn.

"Mỗi người, mỗi công việc đều có giá trị riêng. Giá trị nghề điều dưỡng là theo sát, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho người bệnh bằng tất cả tâm huyết của mình", nữ điều dưỡng cho biết.

Trước khi bệnh nhi xuất viện, chị tận tay sửa soạn quần áo, đồ đạc, dặn dò mẹ bé chăm sóc vệ sinh, theo dõi tại nhà để tránh bị nhiễm các bệnh khác. Với chị, bệnh nhi khỏi bệnh xuất viện không chỉ là niềm vui của gia đình, mà còn là sự công nhận dành đội ngũ nhân viên y tế đang nỗ lực chống dịch. 

"Rồi dịch bệnh sẽ được kiểm soát, chúng ta sẽ được đoàn tụ bên gia đình của mình thôi", chị Tỉnh nói. 

Thùy An

Mạng Y Tế
Nguồn: Vnexpress (https://vnexpress.net/suc-khoe/dieu-duong-cham-soc-be-3-thang-tuoi-lo-lang-trong-rong-4058457.html#box_comment)

Tin cùng nội dung

  • Chào Mangyte, Em nghe nói BV Đại học Y dược có phòng khám Tâm lý và Chăm sóc giảm nhẹ không biết có đúng không? Em muốn hỏi, bệnh nhân có triệu chứng rối loạn hành vi như tự làm đau bản thân có thể đến khám tại phòng khám Tâm lý không? Em có thể hẹn trước lịch khám không? Em cám ơn rất nhiều. (Nguyễn Thị Thanh Hoa - Quận 6, TPHCM)
  • Chào Mangyte. Tôi là người Đức gốc Việt. Nay tôi 67 tuổi muốn về Việt Nam sống vào thời gian cuối cùng của cuộc đời. Tôi muốn hỏi, nếu tôi mang quốc tịch Đức, thì tôi có được vào sống trong nhà dưỡng lão ORIHOME không? Tôi phải trả một tháng bao nhiêu? Mong nhận được sự giúp đỡ của Mangyte. (Phạm Văn Thi)
  • Chào Mangyte.vn, Xin tư vấn giúp tôi, TPHCM có dịch vụ chăm sóc tại nhà cho bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối không? Phải liên hệ ở đâu? Mong nhận được sự giúp đỡ của quý báo. Chân thành cảm ơn. (Lê Thị Phượng - Tô Ký, Quận 12, TPHCM)
  • Người nhà tôi không may mới bị T*i n*n giao thông, phải nằm viện khoảng 2 tuần. Vợ chồng tôi thì bận đi làm, công việc cuối năm rất nhiều. Suy đi tính lại, tôi thấy phải thuê người chăm sóc mẹ là giải pháp tốt nhất lúc này (mặc dù biết là tự tay mình chăm sóc vẫn tốt hơn). Nhờ các bác sĩ chỉ giúp nơi nào có dịch vụ chăm sóc người bệnh? Tôi muốn tìm một người cẩn thận và nhiệt tình. Mong câu trả lời từ mangyte.vn! (Nhật Tân - nguyennhat…@yahoo.com)
  • Các liệu pháp dinh dưỡng giúp bệnh nhân ung thư cải thiện, duy trì chất lượng cuộc sống và tăng khả năng hồi phục bệnh.
  • Việc ăn uống bằng miệng luôn là tốt nhất nếu có thể. Tuy nhiên, một số bệnh nhân có thể không có đủ dinh dưỡng qua đường miệng vì các vấn đề liên quan đến bệnh ung thư hoặc việc điều trị ung thư. Một số loại Thu*c giúp tăng cảm giác thèm ăn có thể được sử dụng.
  • Theo ghi nhận của Hiệp hội về Lão hóa, khoảng hai phần ba những người chăm sóc bệnh nhân vẫn phải làm việc bên ngoài. Hãy cân bằng giữa công việc và việc chăm sóc bệnh nhân.
  • Nếu người thân của bạn vẫn còn trong giai đoạn đầu của bệnh sa sút trí tuệ, có thể họ chưa cần nhiều sự chăm sóc. Điều tốt nhất bạn có thể làm ở giai đoạn này là tìm hiểu về bệnh sa sút trí tuệ.
  • Niềm vui và nụ cười nở nhiều hơn trên môi những bệnh nhi ung thư của viện Nhi Trung ương khi được nhận quà Tết từ tay Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến chiều ngày 6/2.
  • Răng của trẻ bắt đầu phát triển dưới nướu trước cả khi chúng ta có thể nhìn thấy. Khoảng 6 tháng sau khi trẻ sinh ra, bạn có thể nhìn thấy chiếc răng đầu tiên. Đó chỉ mới là bước khởi đầu cho những nụ cười sẽ đi theo suốt cả đời người.
Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY