Phóng sự hôm nay

Dịu dàng Phan Thiết

Đã mấy lần tôi trở về Phan Thiết. Không lần nào tôi không bị câu thơ của Hàn Mặc Tử ám ảnh. Những tâm sự về một cuộc tình cứ vang lên thống thiết: “Nơi đã khóc, đã yêu thương da diết. Ôi! Trời ôi! Là Phan Thiết! Phan Thiết.

Mà tang thương còn một mảnh trăng rơi”. Con tàu từ ga Sài Gòn vùn vụt, băng băng về Phan Thiết. Và đúng khi tàu dừng lại, tôi nhảy xuống đường ray. Đột nhiên cũng kêu lên ba tiếng: Ôi! Phan Thiết!

Con sông Cà Ty chảy ngang qua thành phố, khoảng chừng 6 cây số. Nó chia thành hai phần đô thị. Một phần phố cũ hay còn gọi là phố chợ. Phần còn lại là cụm phố mới, hành chính và công sở. Nếu cứ theo như nhà thơ La Văn Tuân (Hội VHNT Bình Thuận), sông Cà Ty như mái tóc con gái, bồng bềnh lượn sóng. Mà thành phố lại như gương mặt thiếu nữ xinh xắn, đôi phần lúng liếng, mộng mơ. Nguyên ba cái cầu bắc ngang sông Cà Ty lại như những cái bím tóc hoa vậy. Người người qua lại luôn thấy con sông của thành phố lúc nhỏ nhẹ khi triều xuống, lại lúc hơn hớn khi triều lên. Duyên phết! Cà Ty bắt nguồn từ nguồn suối thác Tánh Linh, thông qua sông Mường Mán rồi uốn lượn quanh co mãi mới đổ về Phan Thiết. Nhưng dòng nước Cà Ty còn ngập ngừng chán, qua dăm lối rẽ nữa rồi mới ào ra biển. Mỗi khi triều lên, hàng trăm con thuyền từ khơi xa tấp nập trở về, đổ cá lên cầu cảng. Cà Ty vui như Tết!

Trên sông Cà Ty.

Riêng cây cầu Lê Hồng Phong ở giữa sông được xây từ xưa nên chọn chỗ khôn nhất, chạy thẳng vào chợ. Mọi sinh hoạt thành phố đều trôi trên cầu này. Đầu cầu bên bờ sông đối diện với chợ có một thắng cảnh không thể không nhắc đến, đó là tháp nước cổ của Phan Thiết. Trước đây, cả thành phố dùng nước ở tháp này cung cấp. Sau không dùng nữa nhưng vẫn được giữ lại bởi nó đẹp. Vóc dáng hài hòa (cao 32m, hình trụ bát giác với chân tháp có đường kính 10m). Cấu trúc độc đáo. Đặc biệt, bể chứa nước được thiết kế tựa lâu đài hình bát giác, có ba tầng mái che lợp ngói - một tác phẩm kiến trúc hoàn chỉnh. May nó không bị phá hủy bởi chiến tranh. Hơn nữa, đây lại là công trình xây dựng của cố Hoàng thân Xu Pha Nu Vông (hồi năm 1928). Hồi ấy, kiến trúc sư Xu Pha Nu Vông làm việc ở Việt Nam với chức danh là Kiến trúc sư trưởng Khu Công chánh Nha Trang. Có thể nói, tháp nước Phan Thiết còn là một trong những biểu tượng của tình hữu nghị Việt - Lào được lưu giữ tại đây. Hẳn thế!

Nhưng có lẽ bên bờ phía Đông của Cà Ty mới là nơi mọi người hay tụ về. Đó là cụm di tích lịch sử đặc biệt của cách mạng Việt Nam. Khu này gồm ngôi trường cổ Dục Thanh (số 39 đường Trưng Nhị) và Viện bảo tàng Hồ Chí Minh (ở bên sông Cà Ty). Đáng chú ý, Trường Dục Thanh được hình thành từ năm 1907 với mục đích “Giáo dục thanh thiếu niên”. Đúng 3 năm sau, Bác Hồ đã dừng chân nơi đây chờ thời cơ để ra nước ngoài hoạt động cách mạng. Người về đây dạy học, như một bước quan trọng, trước khi có quyết định cuối cùng: Tìm đường cứu nước. Người ở đây chừng hơn 1 năm. Sau đó, vào ngày 5/6/1911, Bác đã xuất phát từ bến Nhà Rồng (sông Sài Gòn) lên tàu ra đi, thực hiện hoài bão của mình. Hiện trường Dục Thanh được giữ lại, được coi là một bảo tàng sống động về hình ảnh và những hoạt động của Bác trong thời kỳ đầu cách mạng. Lớp học vẫn còn đó. Giọng nói ấm áp của Bác vẫn vang lên đâu đây. Ai đến trường cũng đều ngồi vào những chiếc bàn học trò. Họ như lắng nghe lời Bác dạy, về sự tồn vong của Tổ quốc, nghĩa vụ của mọi người với dân tộc của mình. Cây khế Bác trồng và chăm nom vẫn xanh tốt hơn 100 năm qua. Những chùm hoa tím rụng ngát cả sân trường. Bên giếng nước nhỏ xinh xắn còn in dấu bước chân Người. Bất ngờ, tiếng hát đâu đó ngân vang bên sông: “Cà Ty ơi! Bồng bềnh cánh chim bay ra biển. Thuyền cá tôm rạo rực ngày về. Ta sẽ hát với mặt trời và sóng. Cùng dòng trôi cuồn cuộn đam mê...”.

Công viên tượng cát ở Phan Thiết.

Đó là câu chuyện gắn với đồi Bà Nài cách thành phố chừng 3 cây số. Đồi chỉ cao chừng trăm mét nhưng ở ngay bờ biển nên hàng đêm, nhất là khi trăng sáng, hàng chục đôi nam thanh nữ tú thường lên hóng gió Nam thổi về. Lồng lộng. Mê man. Xưa cũng thế. Nay cũng vậy. Trên đỉnh đồi trước kia còn có một ngôi biệt thự của người Pháp xây nghỉ dưỡng (năm 1911). Đây chính là Lầu Ông Hoàng. Xung quanh Lầu Ông Hoàng còn có khu công viên, có ghế đá và những giàn hoa rực rỡ sắc màu nên mọi người hay lên đây ngồi chơi. Hồi đó (vào những năm 1935-1936), nữ sĩ Mộng Cầm cùng Hàn Mặc Tử cũng hay lên mỗi khi gặp nhau. Nếu theo đường chính, phải qua khu mộ tháp của người Chăm khá dài mới lên được Lầu Ông Hoàng. Cặp đôi tình nhân hay vượt qua những khoảng đất trống đầy sỏi đá hoặc qua cả bãi tha ma để lên đỉnh đồi cho nhanh.

Và cũng chính từ con đường tắt mà biết bao lời đồn đoán về căn bệnh phong của thi sĩ Hàn Mặc Tử. Bởi có người nói, những chất lân tinh trên bãi tha ma rất độc, nếu bị xước chân tay dính phải sẽ ngấm vào máu mà sinh bệnh. Bởi xưa trên đó đều là những mộ đất. Đêm đêm, những ánh sáng lấp lánh phát tia bức xạ, hòa cùng đom đóm bay đêm chớp sáng. Nhưng đấy là lời phỏng đoán, mang tính giả định sau này về căn nguyên bệnh ập đến, bất ngờ với Hàn Mặc Tử. Có thể như vậy chứ không hẳn đúng. Nhưng vì trước đó, mối tình đang nảy nở tốt đẹp. Tình thơ lai láng. Một vũ trụ tình yêu được xây đắp. Hy vọng tràn trề. Vậy mà chỉ ít lâu sau đó rủi ro ập đến. Bàng hoàng. Cay đắng. Hàn Mặc Tử âm thầm xa lánh mọi người. Trốn tránh những giai nhân say mê chàng. Tin bay đến làm nữ sĩ Mộng Cầm xót xa đau đớn bởi sự chia xa không mong muốn. Thực ra, mối tình của hai người cũng có trục trặc nhất định vì tín ngưỡng. Nữ sĩ Mộng Cầm ở Phan Thiết theo đạo Phật. Còn thi sĩ họ Hàn ở Quy Nhơn lại theo dòng Thiên Chúa giáo. Mọi chuyện đang dang dở thì tin sét đánh ập đến làm trái tim Mộng Cầm rụng rời, tuyệt vọng. Còn chàng lại âm thầm chịu đựng và tìm cách cùng gia đình tự chữa bệnh đây đó. Có lần chàng còn cùng mẹ về tận Gò Bồi (quê ngoại của thi sĩ Xuân Diệu ở Quy Nhơn) tìm thầy chữa bệnh mấy tháng liền.

Cuộc tình thật sự tan vỡ khi nữ sĩ Mộng Cầm đi lấy chồng theo sắp xếp của gia đình. Tuổi đã đến, duyên phải lụy. Không thể khác! Nhưng đó là cú sốc kinh hoàng đối với Hàn Mặc Tử. Chính vì thế, một loạt bi kịch trong thơ ca của Hàn Mặc Tử ra đời trong thời gian này. Với bài “Phan Thiết-Phan Thiết” như một lời kêu thống thiết, ai oán hận tình: “Hỡi Phan Thiết! Phan Thiết! Mi là nơi ta chôn hận nghìn thu. Mi là nơi ta sầu muộn ngất ngư”. Hoặc trong thi phẩm Muôn năm sầu thảm cũng thảng thốt không kém nỗi đau trong tâm hồn. Chàng gào tên nàng rằng: “Nghệ hỡi Nghệ muôn năm sầu thảm. Nhớ thương còn một nắm xương thôi” (Mộng Cầm có tên khai sinh là Huỳnh Thị Nghệ). Đặc biệt, khi viết bài Những giọt lệ vào đúng ngày người yêu đi lấy chồng mới xót xa làm sao: “Người đi, một nửa hồn tôi mất. Một nửa hồn tôi bỗng dại khờ”. Sau này, nỗi đau vẫn day dứt không nguôi, nhất là vào những đêm trăng. Cơn đau rực lên. Tình hận càng dâng cao. Hồn thơ bỏng rát lòng người: “Trời hỡi nhờ ai cho khỏi đói. Gió trăng có sẵn làm sao ăn. Làm sao giết được người trong mộng. Để trả thù duyên kiếp phũ phàng”. Giờ đây, Lầu Ông Hoàng không còn nữa. Tan nát vì chiến tranh. Cuộc tình đã lùi xa. Nhưng gió biển vào đêm trăng lại hoang lạnh làm sao. Tôi rùng mình, đứng giữa đồi hoang, lạnh buốt sống lưng.

Không phải hiện về nữa, mà thế giới cổ tích đã hiện ra trước mắt, ở ngay đường Nguyễn Thông. Tôi thật sự ngỡ ngàng vì lần đầu tiên TP. Phan Thiết có một công viên tượng cát. Nhà thơ La Văn Tuân nói, công viên tượng cát mới xuất hiện năm ngoái (2018), sau khi những nghệ nhân từ nhiều nước về đây đắp tượng bằng cát hồng - một thứ cát lấy từ đồi cát hồng ở Mũi Né, Phan Thiết. Một sa mạc cát thì đúng hơn. Tha hồ đắp tượng. Đây là một sáng kiến mới lạ, mang tầm quốc tế và hết sức đặc sắc của thành phố. Lần đầu tiên các nghệ nhân đắp tượng theo chủ đề Thế giới cổ tích, mô tả những câu chuyện cổ tích nổi tiếng của Việt Nam và thế giới. Nguyên liệu chính là cát hồng. Họ dùng công nghệ hiện đại nén cát tạo từng khối rắn lại như đá. Trên những khối đó, các nghệ nhân đục đẽo, khắc gọt, khoan cắt tạo nên những hình tượng trong câu chuyện của mình. Nhà thơ La Văn Tuân nói, đây là công viên nghệ thuật cát thứ hai trên thế giới, sau Bảo tàng Mỹ thuật cát Tottori (Nhật Bản).

Tôi đi dạo quanh khu công viên này đã bất ngờ được nghe cả hình khối mô tả lại câu chuyện cổ tích quen thuộc. Nào là tượng chuyện Cóc kiện trời, Dế và kiến, Sơn Tinh Thủy Tinh... hay hình tượng của Nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn hoặc tượng Kinh Kông khổng lồ làm giật mình mọi người về độ lớn và ánh mắt láu lỉnh của nó. Nom thật dữ dội nhưng sao thấy thân thiện hiền hòa. Rồi nữa, đây đó là Chùa Thiên Mụ đẹp như tạc nguyên bản vậy, hoặc biểu tượng Con Rồng cháu Tiên đỏ au trong sự thiêng liêng, gây ấn tượng kỳ thú. Riêng tác phẩm Sự tích trung thu thì đẹp đến mơ màng về hình khối và đường nét tạo cảm xúc tương tác với mọi người đến xem. Tất cả như đang sống trong một thế giới trẻ thơ. Ai cũng thấy một quá khứ êm đềm và thơ mộng đã trải qua trong đời. Nên yêu và tin những điều tốt đẹp, phúc hậu đang vây quanh cuộc sống thường ngày. An lành và bình yên. Đó là một giấc mơ. Mọi người và chính tôi đang sống với nó trong thế giới cổ tích, trong giấc mơ đẹp về tình yêu và hạnh phúc mà ta hằng mong mỏi bấy lâu nay.

Bài và ảnh: Lưu Kường

Mạng Y Tế
Nguồn: Sức khỏe đời sống (https://suckhoedoisong.vn/diu-dang-phan-thiet-n156591.html)
Từ khóa: phan thiết

Chủ đề liên quan:

Phan Thiết

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY