Môi trường hôm nay

Ô nhiễm môi trường

Doanh nghiệp xử lý rác bị nợ tiền tỷ

Một số doanh nghiệp xử lý chất thải sinh hoạt trên địa bàn Đồng Nai bị địa phương nợ từ vài tỷ đến vài chục tỷ đồng, khiến họ gặp không ít khó khăn trong duy trì hoạt động, đổi mới phương tiện và công nghệ.

một số doanh nghiệp xử lý chất thải sinh hoạt trên địa bàn đồng nai bị địa phương nợ từ vài tỷ đến vài chục tỷ đồng, khiến họ gặp không ít khó khăn trong duy trì hoạt động, đổi mới phương tiện và công nghệ.

Rác thải sinh hoạt tại khu xử lý của Công ty TNHH Cù Lao Xanh. Ảnh: L.AN
Rác thải sinh hoạt tại khu xử lý của Công ty TNHH Cù Lao Xanh. Ảnh: L.AN

Xử lý rác thải sinh hoạt (RTSH) là trách nhiệm xã hội của DN môi trường. Cần tạo điều kiện bằng cách trả đúng, đủ, kịp thời các chi phí.

* Bị nợ tiền nhiều năm

Từ năm 2017, 2018, Công ty CP thương mại Tài Tiến thực hiện thu gom, xử lý RTSH cho H.Trảng Bom. Rác đã xử lý xong nhưng đến nay, DN chưa được thanh toán số tiền gần 10 tỷ đồng.

Đại diện Công ty CP Thương mại Tài Tiến cho biết đã kiến nghị nhiều lần nhưng chưa được giải quyết. Cũng vì điều này, nhiều năm nay, công ty tạm ngưng đấu thầu xử lý RTSH cho huyện. “Chúng tôi tạm ngưng xử lý rác của huyện vì 2 lý do. Thứ nhất, mức giá chưa phù hợp với công nghệ đốt. Thứ hai, DN vẫn chưa được thanh toán tiền xử lý rác của nhiều năm trước” - đại diện công ty chia sẻ.

Ngoài Tài Tiến, các DN xử lý RTSH khác như: Thiên Phước, Phúc Thiên Long, Sonadezi, Cù Lao Xanh cũng bị nợ tiền.

Phó chủ tịch UBND tỉnh VÕ VĂN PHI nhấn mạnh, hồ sơ đấu thầu, mời thầu xử lý RTSH cần thông thoáng hơn. Các sở Tài chính, TN-MT tham khảo các địa phương lân cận, xây dựng, tham mưu định mức phí xử lý chất thải phù hợp từng công nghệ, đảm bảo hài hòa lợi ích DN và nhà nước.

Ông Nguyễn Văn Lân, Giám đốc Công ty TNHH Cù Lao Xanh cho biết, các năm 2018, 2019 DN tiếp nhận RTSH của H.Xuân Lộc xử lý nhưng mới được thanh toán 50% chi phí. Từ năm 2020 đến nay, DN nhiều lần đề nghị tạm ngưng tiếp nhận rác để khắc phục sự cố lò đốt, hoàn thiện hệ thống sản xuất phân compost nhưng không được chấp thuận. Rác vẫn phải tiếp nhận nhưng công ty không được ký hợp đồng, không được thanh toán số tiền hơn 40 tỷ đồng khiến DN đã khó lại càng khó hơn.

Còn với Công ty CP Dịch vụ Sonadezi, thời gian dịch bệnh Covid-19 bùng phát năm 2021, DN thu gom, xử lý hàng trăm ngàn tấn RTSH nguy hại (có yếu tố lây nhiễm) cho các địa phương nhưng hiện chưa được thanh toán tiền. Ngoài ra, từ đầu năm 2023 đến nay, công ty tiếp nhận xử lý rác cho 8 huyện, thành phố nhưng nhiều nơi vẫn chưa thanh toán tiền, chi tạm ứng. Tính đến giữa tháng 6-2023, tổng số tiền các địa phương nợ DN khoảng 90 tỷ đồng, ảnh hưởng lớn đến hoạt động của DN, nguồn lực để triển khai dự án đốt rác phát điện.

Kinh phí xử lý RTSH sẽ do ngân sách nhà nước chi trả cho DN. Việc chậm thanh toán tiền theo hợp đồng trách nhiệm trước hết là ở chủ đầu tư chưa đáp ứng các điều kiện pháp lý, chưa đảm bảo giảm tỷ lệ chôn lấp theo yêu cầu của tỉnh. Tuy nhiên, cũng có một phần trách nhiệm của địa phương, sở, ngành là chưa kịp thời đôn đốc, nhắc nhở, hướng dẫn cho DN hoàn tất các thủ tục để thanh quyết toán hàng năm.

* Hài hòa lợi ích Nhà nước, DN

Hiện nay người dân đang trả phí thu gom rác (khoảng 30 ngàn đồng/tháng), còn lại chi phí vận chuyển và xử lý RTSH ngân sách chi trả. Thống kê bình quân mỗi năm tỉnh chi khoảng 500 tỷ đồng xử lý RTSH, con số không nhỏ. Trong điều kiện 5 năm qua tỉnh chưa điều chỉnh tăng phí xử lý chất thải thì việc trả đúng, trả đủ, trả kịp thời là cách giúp DN duy trì hoạt động hiệu quả.

Ông Nguyễn Văn Linh, Phó chủ tịch UBND H.Xuân Lộc chia sẻ, bình quân mỗi ngày huyện phát sinh 90-100 tấn RTSH. Từ năm 2020 đến nay, huyện chưa thanh toán tiền xử lý chất thải vì Công ty TNHH Cù Lao Xanh chưa hoàn thiện quy trình xử lý phân compost, chưa đủ điều kiện ký hợp đồng, chưa đủ cơ sở thanh toán. Trước kiến nghị của DN, địa phương đồng ý chi tạm ứng nhưng sau đó bị xuất toán.

Phòng TN-MT TP.Biên Hòa khẳng định thành phố còn 3 khoản nợ DN là: chi phí thu gom, xử lý chất thải nguy hại năm 2020 và 2021; một phần chi phí xử lý rác năm 2022; xúc, vận chuyển rác năm 2023. UBND TP.Biên Hòa vừa chỉ đạo Phòng TN-MT xử lý dứt điểm tiền nợ các năm trước và cho tạm ứng tiền xử lý rác thải năm 2023 không quá 70% chi phí.

Cùng chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Thành, Phó chủ tịch UBND H.Nhơn Trạch cho biết, 6 tháng đầu năm nay, huyện chưa thanh toán hết tiền xử lý rác thải cho DN bởi vì hai bên ký hợp đồng nguyên tắc, không phải hợp đồng xử lý chất thải thông qua đấu thầu. Vì là hợp đồng nguyên tắc nên địa phương chỉ có thể tạm ứng kinh phí không quá 70%.

“Chúng tôi đấu thầu 4 lần nhưng không có DN tham gia nên phải ký hợp đồng nguyên tắc với Công ty CP dịch vụ môi trường Sonadezi. Trường hợp DN tham gia đấu thầu và trúng thầu, huyện đảm bảo không nợ tiền xử lý rác” - ông Thành cho hay.

Làm việc với các địa phương vào đầu tháng 6-2023, Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cho rằng, DN môi trường mà bị nợ vài tỷ đến vài chục tỷ thì rất khó khăn trong duy trì hoạt động, tái đầu tư. Điều này sẽ kéo theo các hệ lụy về môi trường, xã hội. Lãnh đạo tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương ngồi lại cùng DN tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục pháp lý, thanh quyết toán.

Lê An

Mạng Y Tế
Nguồn: Báo Đồng Nai (http://baodongnai.com.vn/kinhte/202306/doanh-nghiep-xu-ly-rac-bi-no-tien-ty-3169501/)

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY