Nguyên lý của đốt u bằng sóng cao tần là dùng năng lượng điện từ gây tổn thương không thể phục hồi của tế bào khối u đích. Dụng cụ đốt là một cây kim tạo ra sóng cao tần được đưa thẳng vào chính giữa đường kính của khối u cần đốt, tùy thuộc vào tính chất của loại khối u mà bác sĩ sẽ chỉnh nhiệt độ nơi đốt từ 70 - 100 độ C.
Đường kính hình cầu vùng đốt lớn hơn đường kính của khối u khoảng 1cm để đạt hiệu quả tối ưu. Đường kính khối cầu muốn đốt tốt nhất là ≤ 3cm; nhưng cũng có thể thực hiện với khối u có đường kính từ 3cm - 7cm và phải đốt 1 hoặc 2 lần.
Mục đích của thủ thuật này là đốt các khối u (đặc) gây hoại tử (ch*t) tế bào ung thư trong khi giảm thiểu tối đa tổn thương mô lành ở xung quanh, nhằm loại bỏ một phần hoặc toàn bộ tổn thương không thể phẫu thuật. Trên thế giới, đốt u bằng sóng cao tần đã được sử dụng để điều trị thành công các khối u đặc của phổi, gan, thận và xương.
Đây là loại kỹ thuật ít xâm lấn, thực hiện dưới hướng dẫn của chụp cắt lớp điện toán lồng ngực, thời gian thực hiện nhanh từ 15 - 30 phút, có thể xuất viện sau 24 giờ. (Tuy vậy, cần nhấn mạnh rằng đốt u bằng sóng cao tần không thể thay thế cho phẫu thuật được).
Những trường hợp không thể làm thủ thuật bao gồm người có u cách phế quản chính < 1cm; khối u kèm xẹp phổi hoặc viêm phổi tắc nghẽn; người bệnh có rối loạn đông máu không kiểm soát được.
Một số tai biến có thể gặp khi làm thủ thuật này là bị tràn khí màng phổi, tràn khí dưới da, ho ra máu..., tuy vậy nhìn chung đây là một kỹ thuật tương đối an toàn.
Trước đây, người bệnh muốn điều trị bằng kỹ thuật này phải sang Singapore hoặc Trung Quốc để thực hiện với chi phí tốn kém. Về giá thành thực hiện ở Trung Quốc hoặc Singapore khoảng từ 80 - 150 triệu đồng Việt Nam, còn ở BV Phạm Ngọc Thạch thực hiện khoảng 10 triệu đồng/lần đốt. Nếu u lớn thì đốt lần thứ 2 sau 1 tháng.
120 Hùng Vương, phường 12, quận 5, TPHCM (bệnh nhân vào bằng cổng trên đường Ngô Quyền, hông bên phải cổng chính)