Bà bầu hôm nay

Chăm sóc bà bầu

Dùng lá cây nấu canh chữa táo bón cho con, bé 4 tuổi bị ngộ độc nặng phải truyền máu cấp cứu

Theo kinh nghiệm dân gian, mẹ bé nấu canh lá lộc mại cho con ăn để chữa táo bón. 2 ngày sau, bé đã xuất hiện những triệu chứng ngộ độc nặng phải đi cấp cứu.

Thông tin từ Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, ngày 11/8/2020, Khoa Tiêu hóa - Máu của bệnh viện đã tiếp nhận bệnh nhân N.T.H.Y (4 tuổi), thường trú tại huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An nhập viện trong tình trạng mệt mỏi nhiều, không ăn uống được, da vàng toàn thân, niêm mạc nhợt nhạt, đái máu đỏ sẫm.

Theo chia sẻ của người nhà bệnh nhân, thấy bé H.Y bị táo bón lâu ngày, mẹ bé đã dùng lá lộc mại để nấu canh chữa bệnh cho cháu theo kinh nghiệm dân gian. Sau khi ăn 2 ngày thì bé xuất hiện các triệu chứng như trên nên gia đình đã đưa bé đến bệnh viện để kiểm tra.

BS CKI. Nguyễn Thúy Dung – Phó Trưởng Khoa Tiêu hóa - Máu cho biết, kết quả khám lâm sàng, xét nghiệm cho thấy trẻ có dấu hiệu tan máu cấp tính và thiếu máu nặng phải truyền máu cấp cứu. Sau một tuần được điều trị tích cực, truyền máu, truyền dịch, lợi tiểu tại khoa Tiêu hóa – Máu, hiện tại tình hình sức khỏe của bệnh nhi đã ổn định trở lại.

Đây là 1 trong nhiều trường hợp tan máu cấp do ăn lá lộc mại để điều trị táo bón mà khoa Tiêu hóa – Máu, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An đã điều trị.

Trước đó, năm 2018, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh cũng đã cấp cứu 1 bé gái 4 tuổi bị ngộ độc nặng nguy kịch khi uống lá lộc mại để chữa táo bón.

Bé M.T (4 tuổi, trú tại huyện Hải Hà, Quảng Ninh) nhập viện với tình trạng đái máu đỏ tươi kèm đau bụng âm ỉ, đại tiện phân lỏng nhiều lần, không ăn uống được.

Trước đó, bé bị táo bón lâu ngày không khỏi nên gia đình đã dùng lá lộc mại để đun lấy nước uống. Tại bệnh viện, bé được chẩn đoán bị thiếu máu nặng, tan máu cấp được chỉ định truyền máu cấp cứu. Sau khi điều trị tích cực, bé đã qua cơn nguy kịch.

Theo khuyến cáo lá lộc mại là loại lá rất độc và có thể gây Tu vong rất nhanh nếu như ăn và uống với số lượng lớn. Đa phần các bệnh nhân khi vào viện đều rơi vào tình trạng nguy kịch do bị tan máu cấp, thiếu máu nghiêm trọng. Trường hợp trẻ đến muộn, bị tan máu quá nhiều, không kịp truyền máu có thể Tu vong.

Điều đáng nói là việc sử dụng lá lộc mại và một số lá cây rừng đã được cảnh báo nhiều trên các phương tiện thông tin truyền thông nhưng nhiều phụ huynh do thiếu hiểu biết vẫn sử dụng để chữa bệnh cho trẻ và còn dùng làm món ăn hàng ngày. Chính vì vậy, mọi người dân cần nâng cao hiểu biết của mình, tránh sử dụng những loại thực phẩm độc dẫn đến hậu quả khôn lường cho bản thân và gia đình, đặc biệt là các gia đình có trẻ nhỏ.

Cây lộc mại có tên khoa học là Mercurialis indica Lour. Ở Việt Nam, cây có nhiều tên gọi khác nhau như: Lộc mại, Lục mại, Mọ trắng, Rau mại, Rau mọi. Cây này có nhiều loại như: Lộc mại trái láng, lộc mại lá dài, lộc mại nhỏ.

Lộc mại là cây gỗ nhỏ hoặc lớn, có thể cao đến 15m. Lá đa dạng, phiến hình bầu dục dài 10 - 14cm, gốc lá có khía hơi lõm, mép răng thưa, mỏng, có lông dày hoặc thưa có đốm trong, cuống ngắn hay dài đến 10cm.

Cây thường mọc hoang phổ biến ở rừng núi và đồng bằng các tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hoá, Hà Giang, Hà Tây, Bấc Cạn, Thái Nguyên, Hoà Bình.

Mạng Y Tế
Nguồn: Afamily (https://afamily.vn/dung-la-cay-nau-canh-chua-tao-bon-cho-con-be-4-tuoi-bi-ngo-doc-nang-phai-truyen-mau-cap-cuu-20200818163000906.chn)

Tin cùng chuyên mục

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY