Bệnh truyền nhiễm hôm nay

Đường lây truyền liên cầu khuẩn lợn đã đổi?

Phóng viên đã đặt vấn đề này với BS Nguyễn Hồng Hà, Phó Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới quốc gia, trước diễn biến phức tạp của bệnh liên cầu khuẩn lợn.
* Phóng viên: Thưa bác sĩ, gần đây có thông tin về cơ chế mắc bệnh liên cầu khuẩn lợn đã có sự thay đổi?

- Bác sĩ Nguyễn Hồng Hà: Đúng là thời gian qua BV Bệnh nhiệt đới quốc gia đã tiếp nhận những bệnh nhân có biểu hiện hoàn toàn của bệnh liên cầu khuẩn lợn nhưng khi điều tra dịch tễ và nuôi cấy thì không tìm thấy mối liên quan trực tiếp như hầu hết các trường hợp nhiễm bệnh trước đây. Với các ca bệnh trước đây, phần lớn đều có những tiếp xúc trực tiếp với lợn bệnh hoặc ăn tiết canh lợn. * Nghĩa là vi khuẩn này đã phát tán ra môi trường tự nhiên?

- Đặc tính sinh học của vi khuẩn là có thể tồn tại ở ngoại cảnh khác với virus chỉ có thể sống một thời gian ngắn ở môi trường tự nhiên. Vi khuẩn liên cầu S.suis cũng vậy, nó có thể sinh sống trong môi trường tự nhiên với hàng trăm loại vi khuẩn khác. Nơi cư trú lý tưởng của chúng là ở các động vật có vú như cừu, dê, trâu, bò, ngựa, chó, mèo… nhưng phổ biến nhất là lợn. Mặc dù liên cầu khuẩn lợn được xếp vào loại bệnh mới nổi nhưng có lẽ vì đặc tính là vi khuẩn nên hiện đã trở thành bệnh tương đối lưu hành. Con đường lây lan của nó đã thay đổi như thế nào thì cần thiết phải nghiên cứu, đánh giá mới có câu trả lời. * Việc bệnh này lây nhiễm dễ dàng nhưng lại khó xác định có phải đang là một thách thức đối với y học?

- Ở nước ta, bệnh xuất hiện nhiều năm trước nhưng vài năm gần đây, số bệnh nhân mắc được báo cáo nhiều hơn, đặc biệt hơn là 60% số ca viêm não mủ là do vi khuẩn liên cầu, cao hơn hẳn các năm trước. Trung bình mỗi năm, BV Bệnh nhiệt đới quốc gia tiếp nhận khoảng 70-80 bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn lợn. Từ đầu năm 2011 đến nay, đã có hơn 40 trường hợp ở độ tuổi từ 30-80 và có nhiều ca bệnh không tìm thấy mối liên quan với các thực phẩm có nghi ngờ. Điều này tất nhiên cũng phải lưu ý nhưng cũng có các lý do khác như trước đây chúng ta chưa có báo cáo đầy đủ hoặc không có huyết thanh mẫu xét nghiệm để đọc trúng tên vi khuẩn liên cầu lợn. Nhưng đáng lo ngại là hiện người sản xuất, chăn nuôi, kinh doanh và tiêu dùng chưa ý thức được mức độ nguy hiểm của bệnh này. Thực tế các trường hợp mắc bệnh đều do người dân chủ quan.

* Để phòng bệnh, không ít người đã chọn cách “tẩy chay” thịt lợn. Quan điểm của ông thế nào?

- Đó không phải là biện pháp để phòng tránh dịch mà điều quan trọng là không được giết mổ và ăn lợn ốm, bệnh. Những người tiêu hủy lợn cần đeo găng tay, khẩu trang; người có vết thương không nên giết mổ lợn. Với người dân khi mua thịt lợn, cần chú ý mua thịt tươi ngon, khi chế biến nếu đeo găng tay thì tốt, đặc biệt là phải nấu chín bởi ngoài số lợn mắc bệnh còn có tới 60% lợn lành mang mầm bệnh liên cầu. Qua thống kê, đối tượng mắc bệnh chủ yếu là nam giới (chiếm hơn 90%) và những người trung niên ở khu vực ngoại thành. Đây là nhóm thường có tiếp xúc với lợn ốm và ăn tiết canh, nội tạng lợn bệnh, thịt lợn tái (nem chua, nem chạo)...

Các chuyên gia dịch tễ cảnh báo ruồi nhà cũng có thể là vật trung gian lây mầm bệnh. Khi ruồi đậu vào phân và thịt lợn có vi khuẩn liên cầu lợn, sau đó đậu vào các vết trầy xước trên da có thể khiến người đó nhiễm bệnh. Vi khuẩn gây bệnh liên cầu lợn có thể sống 10 phút ở nhiệt độ 60oC; 24 giờ ở 25oC và 8 ngày trong phân.

Theo Ngọc Dung - Người lao động
Mạng Y Tế
Nguồn: Nguồn Internet (news-duong-lay-truyen-lien-cau-khuan-lon-da-doi-9976.html)

Chủ đề liên quan:

liên cầu liên cầu khuẩn lợn

Tin cùng nội dung

Tải ứng dụng Mạng Y Tế trên CH PLAY