Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) vừa công bố một báo cáo chung cho thấy triển vọng việc làm của 660 triệu thanh niên trong khu vực Châu Á và Thái Bình Dương đang bị thách thức nghiêm trọng do đại dịch COVID-19.
Theo báo cáo, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên trong khu vực đang tăng nhanh chóng. Tại 13 các quốc gia, dự kiến đến cuối năm 2020 cho thấy tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên sẽ tăng gấp đôi so với năm 2019. Với Việt Nam, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên năm 2020 được ước tính ở mức khoảng 13,2% so với 6,9% của năm 2019.
Để giải quyết cuộc khủng hoảng việc làm cho thanh niên, ILO và ADB đề xuất các Chính phủ trong khu vực cần khẩn trương áp dụng quy mô lớn các phản ứng có mục tiêu, tập trung vào các chính sách toàn diện về thị trường lao động bao gồm trợ cấp tiền lương và các chương trình việc làm khu vực công, giảm thiểu việc gián đoạn quá trình giáo dục và đào tạo đối với sinh viên.
Đặc biệt là cần ưu tiên việc làm của thanh niên và tối đa hóa năng suất của thanh niên trong quá trình phục hồi COVID-19. Điều này sẽ cải thiện triển vọng tăng trưởng tương lai của Châu Á và Thái Bình Dương
"Khi những người trẻ nhận thấy có cơ hội kiếm tiền bằng năng lượng thì sự sáng tạo và tài năng của họ được nuôi dưỡng, họ có thể đảm nhận vai trò của mình như một công dân tích cực. Điều này góp phần vào chu trình tích cực của tăng trưởng kinh tế, đầu tư và công bằng xã hội", ILO nhận định.
Tại Việt Nam, Tổng cục Thống kê cho biết dịch COVID-19 đã ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình lao động việc làm trong các ngành và tại tất cả các tỉnh, thành phố. Tính đến tháng 6, cả nước có 30,8 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19, bao gồm những người bị mất việc làm, phải nghỉ giãn việc, nghỉ luân phiên, giảm giờ làm, giảm thu nhập…
Để hỗ trợ người lao động phục hồi sản xuất, Tổng cục Thống kê khuyến nghị, đẩy mạnh việc thực hiện gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ, đảm bảo chi đúng đối tượng, kịp thời và hiệu quả.
Bên cạnh đó, Chính phủ và các bộ, ngành cần nghiên cứu để xây dựng các gói hỗ trợ đặc thù cho nhóm lao động yếu thế, bao gồm lao động nữ và lao động không có trình độ chuyên môn kỹ thuật chịu tổn thương bởi diễn biến khó lường của dịch COVID-19, nhằm giúp họ sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống; đẩy nhanh việc thực hiện hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, cơ sở sản xuất...