Mới đây, cán bộ bảo vệ rừng Peter McKinney bắt gặp những đĩa băng to tròn bao phủ kín mặt sông chảy qua đồi Dunearn thuộc hạt Nairnshire. McKinney đếm được khoảng 30 đĩa băng trôi nổi trên phụ lưu sông Findhorn, theo The Sun.
Theo McKinney hiện tượng này rất hiếm gặp trong tự nhiên. Trước đó, vào năm 2017, Jason Robinson đã ghi lại được hình ảnh đĩa băng hình tròn xoay giữa lòng sông bang Michigan, Mỹ.
Hồi tháng 1/2019, một đĩa băng rộng 90 m xoay ngược chiều kim đồng hồ trên mặt sông Presumpscot, phía đông bắc nước Mỹ, thu hút nhiều sự chú ý.
Hiện tượng đĩa băng thường xảy ra ở Bắc Cực, Scandinavia và bắc Canada, nhưng rất hiếm gặp ở nơi khác. Theo các nhà vật lý ở Đại học Liege, Bỉ, nguyên nhân gây ra hiện tượng là nhiệt độ trong nước tăng và nước trở nên đặc hơn.
Sử dụng đĩa thí nghiệm, cùng nam châm để mô phỏng điều kiện ở dòng sông băng, giới nghiên cứu thuộc ĐH Liege (Bỉ) đã phát hiện, những khối băng bắt đầu xoay tròn ngay cả khi không xuất hiện xoáy nước trên sông. Có nghĩa là, hiện tượng xoay tròn do chính băng tan gây ra chứ không phải do xoáy nước trên sông.
Hiện tượng này thường diễn ra ở những khúc sông, nơi dòng nước chảy nhanh tạo ra lực "bổ xoay" (rotational shear), làm vỡ tảng băng và xoay tròn nó. Khi đĩa băng xoay, nó nghiền vỡ và bào nhẵn băng ở xung quanh tạo thành dạng hình tròn hoàn hảo.
Allen Schlag - nhà thủy văn ở Cơ quan thời tiết quốc gia tại Bismarck và nhà khí tượng học ở Grand Forks - Greg Gust chia sẻ với Daily Mail: "Chính sự kết hợp giữa dòng khí lạnh đặc tràn qua khu vực tuần trước và xoáy nước trên sông nhiều khả năng là nguyên nhân tạo ra đĩa băng.
Từ đây, những mẩu băng trôi nổi bị cuốn vào xoáy nước và bắt đầu xoay tròn. Chúng vô cùng tuyệt đẹp".
Đĩa băng thường có đường kính khoảng 20 - 200 cm. Đĩa băng khổng lồ xuất hiện khi gặp điều kiện thuận lợi.
Mời quý vị và các bạn cùng theo dõi bài viết Giải mã bí ẩn về thế giới xung quanh trên báo điện tử Người Đưa Tin vào 21h hằng ngày.