Giáo chủ Lee Man-hee, người tự nhận là đấng cứu thế, mô tả mình là một người giản dị, thúc giục người khác rũ bỏ những đam mê vật chất. Các tín đồ tin rằng chỉ có ông mới hiểu hết Kinh Thánh và ông sẽ giúp họ được lên thiên đàng khi ngày tận thế đến.
Nhưng một số cựu tín đồ của cho biết họ đã nhìn thấy một "bộ mặt" rất khác của ông: thất thường và phô trương.
Tháng 9/2018, Lee mặc bộ đồ trắng đến thăm nhà thờ Tân Thiên Địa ở Daegu trên chiếc xe sang Mercedes Maybach S600. Các tín đồ mặc trang phục truyền thống Hàn Quốc đứng xếp hàng dài cúi đầu chào đón. Đội vệ sĩ bám theo từng bước chân của ông.
"Như thể một vị vua vậy", Hee-jin Koh, cựu thành viên Tân Thiên Địa, kể. Cô rời nhóm vào tháng 11/2019, sau 4 năm hoạt động trong giáo phái.
Khi họp riêng với tín đồ, Lee thường trách mắng họ vì không chiêu mộ đủ thành viên mới. Ông giám sát các kỳ kiểm tra định kỳ về kiến thức giáo lý. Những người bị ông cáo buộc là gian lận bị phê bình trước tập thể. Tên, địa chỉ, ảnh và số điện thoại của họ bị chiếu lên màn hình lớn.
Lee sinh năm 1931 trong một gia đình nghèo ở Cheongdo, đông nam Hàn Quốc, giờ là một địa điểm "hành hương" phổ biến với các tín đồ Tân Thiên Địa. Các thành viên giáo phái cấp cao ở Cheongdo giải thích rằng trước khi Lee ra đời, ông nội của Lee đã thấy điềm báo: bầu trời tối sầm, một luồng ánh sáng thần thánh xuất hiện chiếu thẳng vào người con dâu đang mang thai.
Là con trai thứ sáu trong gia đình 12 con, Lee không được học hành tử tế khi lớn lên ở vùng nông thôn. "Tuy nhiên, cả Chúa cha lẫn Chúa Jesus đều không đến trường", trang web Tân Thiên Địa viết vào năm 2012. Trang web sau đó đã bị gỡ bỏ.
Lee không ngần ngại kiện tụng những người nghi ngờ tính chính thống của Tân Thiên Địa, giáo phái ông thành lập năm 1984. Tak Ji-won, người điều hành phòng tư vấn cho các cựu tín đồ dị giáo, cho biết ông từng bị Lee kiện nhiều lần, vì Tak đã nhận xét Tân Thiên Địa là dị giáo với các giáo lý sai trái.
Khi Lee và Tak lần đầu tiên gặp nhau giữa những năm 2000, Lee tự mô tả mình như thần thánh. "Tôi khác với tất cả các bạn. Tôi bất tử", Lee nói.
Nhưng tại các sự kiện công khai của Tân Thiên Địa, Lee thể hiện một khía cạnh cao thượng hơn. Các thành viên được truyền đạt rằng Lee sống giản dị và khuyến khích các tín đồ dâng hiến của cải trần tục cho Tân Thiên Địa. Các thành viên cũ cho biết mỗi người đã đóng góp tới 1.300 USD để xây dựng nhà thờ mới. Họ còn được yêu cầu mua đĩa CD các bài giảng của ông Lee.
Hôm 2/3, Lee có giọng điệu còn khiêm nhường hơn khi nói chuyện với các phóng viên tại dinh thự nằm cách Seoul khoảng hơn 60 km. Ông hai lần quỳ và cúi đầu xin lỗi. Ông đeo chiếc cà vạt màu vàng từ thương hiệu xa xỉ Hermès và một chiếc đồng hồ vàng có chữ ký của cựu tổng thống Park Geun-hye (đồng hồ sau đó được cho là hàng nhái). "Chúng tôi đã làm hết sức nhưng không thể ngăn được virus lây lan", Lee nói.
Hôm 5/3, Tân Thiên Địa quyên góp hơn 10 triệu USD cho các quỹ chống dịch, phần lớn dành cho thành phố Daegu. Nhưng tại cuộc họp ngày 6/3, thị trưởng thành phố từ chối nhận tiền. "Điều Tân Thiên Địa nên làm không phải là cung cấp tiền mà là tích cực hợp tác với các biện pháp phòng chống lây lan nCoV của chúng tôi", thị trưởng Kwon Young-jin nói.
Thị trưởng Seoul Park Won-soon cáo buộc Lee gây trở ngại cho cuộc chiến chống Covid-19 bằng cách chỉ cung cấp một phần danh sách tín đồ và chi nhánh cho chính quyền. Park cho rằng Lee cần bị truy tố tội "Gi*t người do cố tình lơ là trách nhiệm". Trong khi đó, phát ngôn viên giáo phái nói rằng nhóm này đang hợp tác với giới chức và đã cung cấp thông tin về khoảng 310.000 thành viên cùng 1.100 cơ sở.
Tại Daegu, giới chức vẫn chưa tìm được tất cả những người nằm trong danh sách. Nhiều tín đồ từ chối nhập viện.
Ngoài thách thức pháp lý của thành phố Seoul, chính quyền thành phố Daegu cũng kiện Tân Thiên Địa để có thêm thông tin chi tiết về thành viên địa phương. Nhóm dân sự Liên minh Nạn nhân Quốc gia Tân Thiên Địa đã đệ đơn kiện vào ngày 27/2 với cáo buộc giáo phái cung cấp thông tin sai lệch cho chính phủ về các cơ sở tôn giáo bí mật.
Các công tố viên ở Seoul đang điều tra cáo buộc của thị trưởng. Vụ kiện của nhóm dân sự đã khiến một công tố viên thành phố Suwon mở cuộc điều tra.
Tuy nhiên, Sung Seung-hwan, luật sư tại công ty luật Maeheon ở Hàn Quốc, cho rằng các thách thức pháp lý này "nhiều khả năng không đi đến đâu". "Rất khó lập luận liệu Tân Thiên Địa có cố tình bỏ tên một số thành viên khỏi danh sách hay không", Sung nói. Lee phải có hành vi cố tình làm lây lan virus thì việc truy tố ông này tội Gi*t người mới hợp lý, ông nói thêm.
Lee không xa lạ với hệ thống pháp lý Hàn Quốc. Jin Yong-shik, mục sư viết sách về các giáo phái, đã bị Tân Thiên Địa kiện với cáo buộc phỉ báng khoảng 30 lần. Trong một cuộc họp năm 2005, Lee cố gắng chứng minh ông không phải là thủ lĩnh dị giáo và có xuất thân danh giá.
Jin không bị thuyết phục. "Ông ấy ăn nói không rõ ràng và hay lầm bầm, nhưng thi thoảng lại đột nhiên la mắng", Jin nói.