Theo New York Times, 239 nhà khoa học từ 39 quốc gia khác nhau đã ký vào một bức thư gửi WHO để khẳng định rằng có bằng chứng cho thấy virus corona mới (SARS-CoV-2) lây lan qua không khí.
Ngay từ giai đoạn đầu bùng phát dịch Covid-19, WHO nói rằng SARS-CoV-2 chủ yếu lây lan qua các giọt bắn nhỏ từ mũi hoặc miệng, các hạt này không thể bay xa trong không khí cũng như không thể lơ lửng lâu trong không khí khi một người người nhiễm bệnh ho, hắt hơi hoặc nói chuyện. Vì vậy, WHO đã đưa ra khuyến cáo phòng bệnh chủ yếu bằng biện pháp rửa tay thường xuyên và giãn cách xã hội.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, WHO đã bỏ qua con đường có nguy cơ lây lan thứ ba là khí dung (aerosol). Họ cho biết, các giọt bắn có kích thước siêu nhỏ này có thể lơ lửng trong không khí trong thời gian dài. Điều này khiến cho các môi trường khép kín như xe buýt và các không gian chật hẹp khác trở thành môi trường tiềm ẩn nguy cơ lây lan cao.
"Chúng tôi chắc chắn 100% về điều này", Lidia Morawska, Giáo sư chuyên về khoa học khí quyển và kỹ thuật môi trường, thuộc Đại học ông nghệ Queensland, Australia, nói.
Theo các chuyên gia, lây truyền qua aerosol lý giải cho các hiện tượng "siêu lây nhiễm" như chuỗi lây nhiễm giữa các thực khách tại một nhà hàng ở Trung Quốc, hay các thành viên một ban nhạc ở Washington.
Về phía WHO, giới chức cơ quan này từng nói rằng, SARS-CoV-2 có thể lây truyền qua aerosol nhưng chỉ trong các quy trình y tế như đặt ống nội khí quản.
Theo số liệu của Worldometers, thế giới hiện ghi nhận 11,5 triệu ca mắc Covid-19, trong đó hơn 532.000 người đã Tu vong. Mỹ hiện là tâm dịch chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với gần 3 triệu ca mắc, trong đó hơn 132.000 người đã Tu vong.
Dịch đang bùng phát mạnh trở lại tại Mỹ khi khoảng 40 bang trong số 50 bang của nước này ghi nhận số ca mắc mới tăng nhanh. Trong tuần qua, số ca mắc Covid-19 ở Mỹ liên tục lập kỷ lục trên 50.000 ca mắc mới/ngày.
Châu Mỹ tiếp tục là điểm nóng bùng phát dịch. Trong ngày hôm qua, khu vực này ghi nhận hơn 108.000 ca trong tổng số hơn 189.000 ca mắc mới toàn cầu. Mỹ ghi nhận hơn 45.000 ca trong khi Brazil ghi nhận hơn 35.000 ca trong ngày 5/6.
Các nước châu Âu như Anh, Pháp, Tây Ban Nha bắt đầu rậm rịch mở cửa trở lại với việc nối lại các chuyến bay, mở cửa biên giới. Tuy nhiên, Tây Ban Nha trong tuần qua đã phải phong tỏa trở lại một số địa phương với gần 300.000 người sau khi số ca mắc tại đây tăng.
WHO cảnh báo, các nước cần thận trọng khi mở cửa trở lại bởi việc mở cửa quá sớm và thiếu thận trọng có thể khiến dịch bùng phát mạnh trở lại.
Theo Reuters