- Sống chế ngự với sự chế ngự của giới bổn
- Chánh niệm tỉnh giác
Sáu trình tự ấy có thể tóm lược lại vào ba loại: Giới (chế ngự bằng giới bổn; tiết độ ăn uống), Định và Tuệ (Hộ trì các căn, chánh niệm tỉnh giác v.v…). Bản kinh tuy không trực tiếp nói gì về Minh (vijja), tức Tuệ, như là mục đích cứu cánh mà một hành giả phải đạt đến, sau khi hướng tâm xả niệm thanh tịnh của mình. Trong giai đoạn thiền thứ tư, vào việc đoạn tận các lậu hoặc: dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu, như ta thường thấy, nó đã được diễn tả trong các bản kinh khác, chẳng hạn kinh Sáu thanh tịnh (Chabbisodhanasuttam), kinh Thân hành niệm (Kàyagatàsuttam) v.v…
Nhưng nếu đối chiếu với các bản kinh này và nếu định nghĩa Tuệ như là một hệ quả chánh định, chính xác hơn nữa, là một yếu tố có mối liên hệ nhân quả tương tác với chánh định, thì ta thấy không có một trở ngại gì khi sắp xếp sáu trình tự trên vào ba loại ấy. Suốt cuộc đời thuyết pháp độ sinh của mình, bằng nhiều cách thức khác nhau, Thế Tôn hầu như đã dành trọn thì giờ để chỉ dẫn một cách cặn kẽ cho mọi người về ba môn học gọi là Giới - Định - Tuệ này, xem đó như là một con đường độc nhất, một đáp án thỏa đáng và rốt ráo duy nhất cho bài toán giải quyết tận gốc vấn đề đau khổ của kiếp người, đạt đến Niết bàn và thành tựu chánh trí.
Ngay cả những giờ phút sắp nhập vào đại Niết bàn, những lời cuối cùng Ngài ân cần giáo huấn cho hàng đệ tử có mặt quanh mình giữa rừng cây sa la yên tĩnh, không một tiếng động vào nửa đêm hôm ấy, cũng chiếu rực lên ánh sáng nổi bật của ba hạt minh châu Giới - Định và Tuệ. Nội dung giới định tuệ ấy như thế nào? Có thật sự nó là đáp án rốt ráo duy nhất để giải quyết tận gốc vấn đề đau khổ, đạt đến Niết bàn và thành tựu Thánh trí? Tại sao? Hiện nay nó còn có giá trị gì cho nhân loại và nói riêng, cho dân tộc Việt Nam?
Giới - Định - Tuệ được mệnh danh là tam vô lậu học, nghĩa là ba môn học đưa người thực hành đi đến chỗ đoạn tận lậu hoặc (lầm lỗi), đạt được Niết bàn an lạc và chứng đắc chánh trí. Ba môn học này tương quan mật thiết với nhau, nhờ giới mà có định, nhờ định mà phát tuệ, tương quan giữa chúng không phải chỉ có tính cách một chiều theo trình tự vừa kể, mà còn có tính tương tác nữa: Định càng ổn thì sức trì giới càng mạnh; tuệ càng sáng thì định càng chóng đạt và giới càng dễ giữ. Tuy nhiên đối với người mới bắt đầu đi trên lộ trình hướng đến giải thoát và giác ngộ mà đức Phật chỉ dạy, thì thứ tự Giới - Định - Tuệ là một quá trình thiết yếu cần phải học tập. Bởi vì bản thân còn quen phóng túng, tâm tư lắm xao động và ánh sáng tuệ giác còn quá tản mạn, chưa đủ khả năng đốt cháy hết mọi chướng ngại.
Định nghĩa
Giới nói chung là những điều lệ quy định các hoạt động của một cá nhân, đoàn thể hay tổ chức xã hội… Nó vì thế phản ánh hình thái sinh hoạt và một phần nào định hướng tư duy cũng như chiều hướng phát triển của đơn vị, tổ chức ấy. Trên phạm vi quốc tế, giới là những công pháp bảo đảm cho sự ổn định các mối bang giao giữa các nước thành viên; trong một quốc gia, nó là luật pháp, của một đoàn thể, là nội quy của tôn giáo, là những điều răn v.v…
Trong Phật giáo, nó được gọi là chánh giới và được định nghĩa là chỉ ác trưởng tịnh, với ý ngăn ngừa các điều ác và làm tăng trưởng các việc lành. Gọi giới là chánh vì hai lẽ. Một là có cơ sở thực tế: tất cả những giới điều Phật chế đều chỉ được quy định sau khi đã xảy ra một sự cố nào đó làm ảnh hưởng đến mục đích giải thoát, an lạc và giác ngộ của vị đệ tử, hay làm tổn hại đến danh dự cũng như bản thể thanh tịnh và hòa hợp của tăng đoàn đang sinh hoạt theo pháp luật mà Ngài đang hướng dẫn. Nó hoàn toàn chưa bao giờ được đặt ra từ một niềm tin được mặc khải bởi thần thánh hay được ý thức suy luận.
Chẳng hạn Ngài cấm các đệ tử uống rượu chỉ sau khi một tỳ kheo nhân uống rượu dù bị mời ép, đã say mèm, ói mửa dơ dáy, không còn đi nổi về Tịnh xá và làm mất oai nghi chánh hạnh của một Tỳ kheo. Nhân việc mà đặt giới nên nó vừa có tính chất bất hồi tố, nghĩa là những ai phạm vào những điều trước khi nó được quy định thành giới thì coi như không có tội, lại vừa có tính chất uyển chuyển mềm dẻo, thuật ngữ gọi là “khai”: Một điều nào đó đã bị cấm lại được quyền biến cho phép làm trong những trường hợp đặc biệt, như bệnh tật, hay vì phải tùy thuận với phong tục tập quán của một địa phương v.v… Hai là nhất quán với mục tiêu mong muốn là giải thoát và giác ngộ.
Bản chất Giới được thọ trì và mục tiêu tu học thật sự có liên hệ nhân quả mật thiết với nhau. Nó được quy định nên chỉ giúp người học đạo tránh được những lệch lạc và nguy hiểm có thể gặp phải, mà an toàn chánh hướng đến Phật quả tối thượng, chứ không phải là do “xưa bày nay làm”, một kiểu giáo điều nặng tính bảo thủ và mù quáng.
Phân loại
Có các tính chất như trên nhưng tùy theo trình độ hoàn cảnh và pháp môn tu học của từng người, đức Phật đã uyển chuyển chế ra nhiều loại luật nghi phù hợp với họ. Tổng quát có thể chia làm 3 loại:
1. Giới tại gia
Những giới dành cho hàng cư sĩ, tức những người Ưu bà tắc (Cận sự nam) và Ưu bà di (Cận sự nữ) đã phát nguyện quy y Tam bảo. Chúng gồm các loại giới sau:
2. Giới xuất gia
Dành riêng cho người xuất gia, từ bỏ gia đình để chuyên tâm cần cầu sự giải thoát và giác ngộ. Chúng được phân loại theo trình độ và giới tính:
3. Bồ Tát giới
Thông cho cả xuất gia và tại gia gồm 10 giới trọng và 48 giới khinh. Nó còn được gọi là Bồ đề tâm giới. Lấy việc phục vụ chúng sinh làm bản chất giới: “Hiếu thuận chúng sinh là giới". Trên tinh thần này nó được phân thành ba nhóm: Nhiếp luật nghi giới: Nghiêm giữ các giới mình đã thọ: Nhiếp thiện pháp giới: Nguyện làm mọi việc lành; và Nhiêu ích hữu tình giới: Thề cứu tất cả chúng sinh.
Tác dụng
Ngoài những công năng mà trong phần định nghĩa về giới đã trực tiếp nêu rõ, đó là khả năng phòng hộ cho người giữ giới khỏi những nguy hiểm làm tổn hại đến đạo nghiệp và khả năng trưởng dưỡng các thiện pháp đã sinh, những tác dụng khác của giới cũng cần được nói đến ở đây:
- Sinh định: Do tác dụng phòng hộ, giới làm cho người thọ trì nó gột sạch dần những tâm lý ô nhiễm, như tham dục, hận thù, nghiện ngập v.v… nhờ đó tâm bước dần vào chánh định.
Khoan nói chi đến các luật nghi của hàng xuất gia, vốn mang rõ nét tính chất ly dục, một tính chất cơ bản của Định, ngay cả ngũ giới và đặc biệt là thập thiện giới của hàng phật tử tại gia, chúng vẫn có khả năng sinh Định, cho dù ngũ giới chỉ giới hạn trong thân nghiệp và khẩu ghiệp.
- Sự an lạc và tự tin: Người không phạm vào một lỗi lầm. Khi phạm tội, trái lại, luôn luôn bất an vì mang mặc cảm tội lỗi và lo sợ hình phạt phải chịu.
- Giữ gìn sự hòa hợp và đoàn kết, các đệ tử Phật sống chung với nhau, họp thành từng chúng là để có điều kiện hỗ trợ và khuyến hóa nhau trên bước đường tu học. Tuyệt nhiên không phải nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi vật chất của giai cấp mình hay vì một mục đích nào khác.
Vì thế sức mạnh gắn bó tất cả các đệ tử Phật lại thành một khối, thống nhất thật sự không phải là các quyền lực thế tục do danh lợi, cuồng tín hay bạo lực mà chính là chính giới. Chỉ cần giở ngay trang đầu của bản Kinh Di Giáo là ta thấy được điều này và nếu có gì đáng nói thêm thì đó là điều này đã được Thế Tôn dùng để mở đầu cho bài Kinh Di Giáo ấy. Tác dụng của giới cũng được người đệ tử thân cận Ngài nhất là A Nan viện đến để trả lời câu hỏi của Gopaka Moggallàna liên hệ đến vấn đề hòa hợp tăng già: “Pháp là chỗ nương tựa của chúng tôi” và “Không phải các Tôn giả xử sự chúng tôi, chính pháp xử sự chúng tôi” (Kinh Gopaka Moggallàna, Trung bộ kinh III 112-113, Thích Minh Châu dịch, Tu thư Vạn hạnh 1975).
Pháp ở đây là Giới bổn (Patimokkha). Tại sao giới lại được Thế Tôn giao cho cái uy quyền tuyệt đối ấy? Bởi vì bằng tác dụng phòng hộ ba nghiệp và làm chỗ y chỉ cho tất cả đệ tử Ngài, giới tạo thành và bảo tồn trọn vẹn hai yếu tố cơ bản làm nên bản thể của tăng là thanh tịnh và hòa hợp.
- Duy trì mạch sống Phật pháp, có bảo tồn bản thể của tăng, làm cho Tăng bảo tồn tại và hưng thịnh, thì chính tịnh giới là nguồn nước nuôi dưỡng thọ mạng lâu dài của Phật pháp.
Định nghĩa
Nói một cách vắn tắt, Định là trạng thái an tịnh của tâm. Tâm an ổn nhờ đã dứt sạch các cấu nhiễm tâm lý đang làm hoen ố và đè nặng lên nó. Định như thế gọi là chánh định của Phật giáo. Có người cho rằng định là sự chú tâm vào một đối tượng đang nhận thức.
Định nghĩa như thế cần được xét lại, bởi vì chú tâm vào một đối tượng chưa hẳn đã làm cho tâm được yên, nhất là khi đối tượng ấy là một đối tượng khả ái, khả hỷ, khả lạc và hấp dẫn, vốn là vị ngọt nuôi dưỡng các cảm thọ và ái trước. Huống chi sự quá chú tâm vào đối tượng tự bản thân nó cũng trở thành một thứ phiền não trở ngại cho sự tiến bộ trong thiền quán (xem Tùy phiền não kinh, sđd, 334). Cứ đọc những bản kinh mà đức Phật mô tả các trạng thái thiền định trong quá trình tiến đến giác ngộ thì rõ, tất cả đều nổi bật lên một yếu tố quyết định khiến cho hành giả tiến thêm một bước về Định và tiến gần một bước về mục đích giải thoát, đó là xả.
Chính xả là cốt lõi tạo nên thiền định. Từ bước đầu xả ly năm triền cái để thể nhập vào trạng thái sơ thiền, diệt tầm và tư để thể nghiệm trạng thái định sinh hỷ lạc, nội tỉnh nhất tâm của nhị thiền, cho đến diệt thọ và tưởng để nhập vào chánh định cao nhất là diệt thọ tưởng định, xả giữ vai trò then chốt. Ngay cả khi đạt đến vô tưởng tâm định này, muốn tiến lên diệt trừ ba lậu hoặc căn bản, cũng phải nghĩ rằng định này cũng là một pháp hữu vi do tâm tạo tác để xả bỏ ý tưởng muốn an trụ trong nó. Lấy xả làm cốt lõi thì ta mới hiểu nổi tại sao trong kinh lại nói đến vô vàn tam muội như thế, từ những tam muội quen thuộc như ngôn ngữ tam muội, niệm Phật tam muội, pháp hoa tam muội, thần thông du hí tam muội, cho đến những thứ nghe còn rất lạ tai như a chum bà na tam muội v.v… Bồ tát cứ lấy chiếc đũa thần xả này mà gõ vào đâu thì việc ấy tự nhiên biến thành tam muội một cách dễ dàng hết cả. Dĩ nhiên hễ đã có xả thì có nhất tâm, một loại tập trung tâm trí không phải gắng gượng.
Để có được xả, cần phải thường xuyên luyện tập chỉ và quán. Chỉ làm cho tâm lắng xuống, lắng xuống để quan sát thật kỹ và thật rõ trạng thái sinh diệt cũng như bản chất vô ngã của mọi pháp, dù là pháp biến động hay pháp bất động. Hai yếu tố này vận hành biện chứng với nhau giúp cho hành giả chóng đạt được xả. Vì thế thiền định còn được định nghĩa là chỉ và quán.
Phân loại
Con người có nhiều trình độ và tâm bệnh khác nhau, nên phương pháp luyện tập chỉ quán này cũng có nhiều loại khác nhau. Sau đây là những pháp quán thông dụng:
Các phép quán trên đây gọi là ngũ đình tâm quán. Ngoài ra còn có những phương pháp khác được liệt kê trong nhiều kinh điển Đại thừa như Tự tánh thiền của Kinh Trì Địa, Phan duyên chân như thiền, Như Lai thiền của Kinh Lăng Già, phép Tam quán của kinh Viên Giác v.v… và những phép thiền quán đặc sắc của các thiền sư Trung Hoa gọi là Tham thoại đầu hay công án.
Tất cả đều cùng một mục đích duy nhất: Lắng sạch tâm tư để tuệ giác chiếu sáng, nhờ đó cắt đứt mọi gốc rễ tội lỗi đưa đến khổ đau, bao gồm trong ba thứ căn bản là dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu.
Đôi điều cần nói thêm ở đây. Một là tứ thiền và tứ định mà đã được mô tả trong các kinh điển Phật giáo, không thể và không nên liệt kê vào bảng xếp loại theo phương pháp. Chúng thực sự chỉ là những trạng thái thiền định mà một hành giả trải qua trong quá trình tu tập. Hai là, nếu nhìn nhận xả ly như là cốt lõi của định, thì bản thân trì giới cũng là một phương pháp thiền định.
Tác dụng
Thiền định đưa đến cho người luyện tập những kết quả tốt đẹp sau đây:
Không cần phải gắng sức dụng công giữ giới, mọi hoạt động của người hành thiền, từ việc đi đứng nằm ngồi cho đến ăn nói… do công phu tu tập, vẫn toát ra vẻ uy nghi, khoan thai, khiêm tốn và hòa nhã. Da dẻ và các giác quan trở nên mịn sáng. Chúng là biểu hiện tự nhiên của một tâm hồn an tịnh.
Thoát khỏi sự trói buộc và hệ lụy nơi các tâm lý xấu xa như tham, sân… thân và tâm trở nên nhẹ nhàng thoải mái, cuộc sống người hành thiền thường an trú trong trạng thái an lạc và tự chủ.
c. Chí nguyện vững bền
An trú trong bất động tâm, hành giả có một ý chí kiên cường bất khuất, không vì trở ngại mà thay lòng, không vì quyền lợi, danh sắc mà đổi dạ.
d. Môi sinh hiền lành
Gột sạch các cấu uế sân hận, đố kỵ, tâm hồn người hành thiền thấm lên cảnh vật quanh mình dòng nước vô hại đầy từ ái thanh lương, tạo nên một môi trường sinh hoạt hài hòa, trong sáng và yên ổn.
e. Đưa đến tuệ giác cứu cánh
Khi đã an trú trong xả, chánh niệm tỉnh giác, tâm trở nên nhu nhuyến, ổn định vững chắc, dễ sử dụng, hành giả hướng tâm đến mục đích cuối cùng là thẩm xét thực trạng khổ đau cùng các nguyên nhân tập khởi của chúng. Đoạn trừ lòng ái trước nơi các cảm thọ nuôi dưỡng tham dục sắc và vô sắc, khiến vô minh tiêu diệt, minh khởi lên, tuệ giác luôn luôn bừng sáng.
Còn tiếp...
Hòa thượng Thích Nguyên Giác